Saturday, July 14, 2012

Lá Thư Úc Châu thứ Sáu ngày 13.07.2012


Thứ Sáu ngày 13.07.2012     

Lời dẫn: Một tiểu bang có diện tích nhỏ thứ nhì của nước Úc, nhưng dân số trên 5 triệu người. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả Lá thư Úc châu của Bửu Sơn giới thiệu vài nét về tiểu bang Victoria và thủ phủ Melbourne (đọc là Meo Bầnh) qua sự trình bày của Bạch Mai để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Tiểu bang Victoria
Victoria là một tiểu bang nằm tại góc Đông Nam của Úc, có diện tích nhỏ thứ nhì (sau Tasmania) nhưng Victoria có dân số cao nhất Úc, tính đến nay dân số của Victoria đã hơn 5 triệu rưỡi người. Thành phố Melbourne là nơi tập trung hơn 70% dân số của tiểu bang này.

Melbourne là thủ phủ và là thành phố lớn nhất tiểu bang Victoria. Melbourne còn là thành phố lớn thứ hai ở Úc (sau Sydney), với dân số hơn 4 triệu người. Melbourne đã từng là thủ đô của Úc từ năm 1901 đến 1927.
Melbourne đã hai lần được bầu chọn bởi The Economist là "Thành phố dễ sống nhất thế giới" dựa vào các tiêu chuẩn về văn hóa, thời tiết, giá cả sinh hoạt, điều kiện xã hội. Năm 2005, Melbourne tuột xuống hàng thứ 2, sau Vancouver của Canada.
Thủ phủ Melbourne
Melbourne nằm ở góc Đông Nam lục địa châu Úc, và là thành phố nằm ở cực Nam lục địa Úc. Về mặt địa chất, thành phố được xây dựng trên dòng dung nham Quaternary chảy về hướng Tây và vùng trầm tích cát Holocene theo hướng Đông Nam dọc cảng Phillip. Vùng ngoại ô của thành phố vươn ra theo hướng Đông, hướng con sông Yarra đến dãy núi Yarra và dãy Dandenong phía Đông Nam của cửa vịnh. Dọc theo sông Maribyrnong với các nhánh sông hướng Tây và hướng Bắc là các vùng đồng bằng. Khu trung tâm thương mại nằm trên khu nổi tiếng Hoddle Grid, bờ phía Nam đối diện với Yarra.
Melbourne còn là thành phố có nhiều sự kiện quốc tế hàng năm như giải quần vợt Úc mở rộng, giải Grandprix đua xe hơi...
Lịch sử
Melbourne được thành lập vào năm 1835 bởi những người khai hoang đến từ vùng Van Diemen (Tasmania). Nó được xây dựng trên đất của người Kulin, cư dân bản địa của vùng đất này. Melbourne là thủ phủ đầu tiên của quận Port Phillip, New South Wales và sau đó là thuộc địa của tiểu bang Victoria. Việc tìm thấy vàng ở Victoria vào thập niên 1850 đã dẫn đến một làn sóng tìm vàng ở Victoria, Melbourne nhanh chóng trở thành một trung tâm cảng biển. Sau đó, nó trở thành trung tâm sản xuất hàng đầu của nước Úc. Suốt thập niên 1880, Melbourne là thành phố lớn thứ hai của Đế quốc Anh, và được biết đến với cái tên "Melbourne kỳ diệu". Kiến trúc thời Victoria hiện diện khắp nơi ở Melbourne và ngày nay thành phố này là nơi có nhiều kiến trúc thời đại Victoria còn tồn tại so với các thành phố khác trên khắp thế giới, ngoại trừ Luân Đôn.
Thành phố cây xanh
Melbourne thường được nhắc đến như thành phố cây xanh của nước Úc, và tiểu bang Victoria được mệnh danh là "Garden State", vì nhiều lý do. Có rất nhiều công viên và vườn cây gần khu trung tâm với nhiều loại cây, từ cây thường đến loại quý hiếm ở giữa một khung cảnh tuyệt đẹp, những vỉa hè, những đại lộ với những hàng cây đã làm Melbourne trở nên một trong những thành phố xanh tươi nhất thế giới. Cũng có nhiều công viên ở những vùng ngoại ô Melbourne như Stonnington và Booroondara, phía đông nam của khu trung tâm. "Tiểu bang Vườn Cây" được xử dụng trên bảng số xe hơi ở Victoria cho đến năm 1995.
Victoria là tiểu bang hàng đầu của Úc xuất cảng măng tây tươi, nhờ có loại đất và khí hậu thích hợp cho việc trồng măng tây này.
Khí hậu
Thời tiết tại Melbourne thay đổi liên tục trong ngày, đôi khi người ta cảm nhận được có cả bốn mùa trong cùng một ngày. Nhiệt độ trung bình vào mùa đông khoảng 3°C đến 13°C, mùa hè từ 23°C đến 32°C. Vào mùa đông, các đỉnh núi cao có tuyết phủ. Vùng có tuyết ở gần Melbourne nhất là núi Mt Donna Buang.
Giáo dục
Thành phố Melbourne có tất cả 9 trường đại học, trong đó có 2 trường nổi tiếng là Đại học Melbourne và Đại học Monash. Số lượng sinh viên nước ngoài chiếm khoảng 30% tổng số sinh viên đang học tại Melbourne và là nơi có số lượng sinh viên nước ngoài đông hàng thứ tư trên thế giới, sau London, New York và Paris.
Chính quyền
Cũng giống như các tiểu bang khác, Victoria có lưỡng viện quốc hội, có chính quyền riêng mặc dù bị hạn chế quyền hành bởi chính quyền liên bang. Hạ viện có vai trò như một hội nghị lập pháp trong khi thượng viện là hội đồng lập pháp. Đứng đầu chính quyền tiểu bang là Thủ hiến. Ông Ted Baillieu hiện là Thủ hiến Victoria
Hội đồng các Cộng đồng Sắc tộc
Hội đồng các Cộng đồng Sắc tộc Tiểu bang Victoria là một cơ chế cao nhất trong các tổ chức, đoàn thể sắc tộc và đa văn hóa tại tiểu bang này. Đây là một tổ chức dựa trên cộng đồng, làm việc tận lực giúp những người có các nguồn gốc đa văn hóa và bênh vực các cộng đồng đa văn hóa tại tiểu bang Victoria từ năm 1974.
Cộng Đồng Người Việt Tự Do
Sau Sydney, người Việt sinh sống trong tiểu bang này đông hơn các tiểu bang khác, rất đoàn kết, hăng hái trong các cuộc biểu tình chống Cộng sản Việt Nam, đòi Tự Do Dân Chủ và Nhân Quyền cho người dân trong nước. Ông Nguyễn Văn Bon hiện là Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tiểu bang Victoria.
Sự việc mới xảy ra trong cộng đồng Người Việt:
* Bầu cử Cộng đồng Liên bang Úc châu
Luật sư Võ Trí Dũng được bầu làm chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên bang Úc châu thay thế ông Nguyễn Thế Phong cư ngụ tại Victoria vừa mãn nhiệm.
* Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn gặp gỡ đồng hương tại Melbourne
Ngày 1 tháng 7 vừa qua, Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn đã tổ chức một buổi gặp gỡ thân mật với đồng hương tại Đền Thờ Quốc Tổ, Melbourne, Úc Châu, với hơn 250 người tham dự. Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đề nghị NGÀY 2 THÁNG 7 LÀ NGÀY SÀIGÒN, để đồng bào không quên tên Sài Gòn, đồng thời ghi nhớ tội ác của chế độ Cộng sản Việt Nam. Ông cho rằng, chế độ CSVN chắc chắn sẽ phải sụp đổ, tên Sài Gòn sẽ được trả lại cho dân tộc.
Vì thời gian có hạn, Bạch Mai xin hẹn gặp quý thính giả trong tiết mục "Lá thư Úc châu" lần tới. Thân ái kính chào tạm biệt.

No comments:

Post a Comment