Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua
Bảo Trân: Thưa anh Hướng Dương và quý thính giả, tòa án Thái Lan đã bắt đầu phiên xét xử ông Y Quynh Bdap. Xin anh cho quý thính giả được biết rõ hơn về vụ xử này ra sao ?
Hướng Dương: Vâng, thưa chị và quý thính giả, tòa án Thái Lan vào ngày 1/8 đã bắt đầu phiên xử dẫn độ đối với nhà đấu tranh cho nhân quyền người Thượng Y Quynh Bdap, trong lúc có nhiều tổ chức quốc tế lo ngại về đàn áp mà ông này phải đối mặt nếu bị trục xuất về nước.
Ông Y Quynh Bdap, đồng sáng lập tổ chức nhân quyền Người Thượng Vì Công Lý, bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ vào ngày 11/6 với cáo buộc “lưu trú quá hạn” sau nhiều năm xin tị nạn và chờ được định cư ở một nước thứ ba. Cần biết là giới chức Thái Lan đã bắt giữ ông theo yêu cầu của bạo quyền Việt Nam.
Phiên xử hôm 1/8 là phiên điều trần do hai nhân chứng có mặt trong vụ bắt giữ ông Y Quynh Bdap. Một nhân chứng là thuộc bộ ngoại giao Thái Lan, và người kia là cảnh sát tham gia vụ bắt giữ.
Tại Bangkok, luật sư bào chữa Nadthasiri Bergman tuyên bố chính phủ Thái Lan đã yêu cầu không đưa bị cáo Y Quynh Bdap đến phòng xử án mà chỉ tham gia phiên tòa qua truyền hình trực tiếp từ trại giam Remand với lý do lo ngại về an ninh. Vẫn theo luật sư, phiên xử không công bằng đối với Y Quynh Bdap vì ông không thể gặp trực tiếp người bào chữa cho mình.
Tòa án đã lên lịch lại một phiên điều trần khác vào sáng 2/8 với sự có mặt của bị cáo tại tòa. Một phiên điều trần khác đã được lên lịch vào ngày 19/8, với sự tham gia của bốn nhân chứng mà bị cáo đưa ra.
Ông Y Quynh Bdap đã sang tị nạn ở Thái Lan từ năm 2018 và được Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp quốc cấp quy chế tị nạn. Ông phủ nhận cáo buộc tham gia vào vụ bạo động ở huyện Cư Kuin vào sáng 11/6 năm ngoái.
Bảo Trân: Thưa anh Hướng Dương, chúng tôi được biết TNLT Phạm văn Trội vừa mãn án tù sau 7 năm bị giam hãm. Anh có thể cho biết về án tù này như thế nào không anh?
Hướng dương: Vâng, thưa chị, tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội, người từng là chủ tịch hội Anh em Dân chủ, vừa mãn án tù 7 năm với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chế độ”.
Kỹ sư Phạm Văn Trội 52 tuổi bị bắt giam vào ngày 30/7 năm 2017 cùng với hai thành viên chủ chốt khác của hội Anh em Dân chủ là Nguyễn Trung Tôn và Trương Minh Đức. Trước đó, công an đã bắt giữ ông Nguyễn Văn Đài, thành viên sáng lập và cô Lê Thu Hà của nhóm này.
Trong phiên tòa vào ngày 5/4 năm 2018, 5 thành viên của nhóm bị kết án với mức án từ 7 năm đến 15 năm. Trong số những người của hội bị bắt giam, ông Trội là người đầu tiên mãn hạn tù, không kể 3 người được phóng thích sang Đức. Ba người đó gồm ông Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Bắc Truyền cùng cô Lê Thu Hà được phóng thích nhưng buộc phải sang Đức sống tị nạn.
Vào chiều 30/7, ông Trội cho biết buổi sáng ông được đưa từ trại giam Nam Hà về cho công an huyện Thường Tín và sau đó là công an địa phương để theo dõi việc ông thi hành án quản chế trong thời gian tới. Ông cho biết mình bị giam cầm vì đấu tranh ôn hòa đòi dân chủ và nhân quyền, do vậy không hối hận về những việc mình đã làm, cho dù cá nhân và gia đình phải chịu nhiều thiệt thòi trong thời gian qua.
Ông nói sức khỏe suy yếu nhiều sau bảy năm. Trong thời gian tới, ông sẽ đi khám và chữa bệnh để nâng cao sức khoẻ.
Hội Anh em Dân chủ là nhóm xã hội dân sự bị đàn áp khốc liệt nhất trong thập niên qua. Hiện giờ nhiều thành viên của hội vẫn đang ở trong lao tù như các ông Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Trung Trực và cô Trần Thị Xuân. Họ bị kết án từ 9 năm đến 13 năm tù giam.
Bảo Trân: Thưa quý thính giả, Việt Nam thường xuyên bị một số chính phủ phương Tây và các tổ chức nhân quyền chỉ trích về tình trạng vi phạm nhân quyền. Hiện nay, tổ chức Giám Sát Nhân quyền phải lên tiếng qua việc kêu gọi chính phủ các quốc gia dân chủ gây sức ép lên bạo quyền VN. Sự việc mới nhất được biết là buổi đối thoại nhân quyền diễn ra tại thủ đô của Úc. Xin anh Hướng Dương cho quý thính giả biết thêm về sự việc này, thưa anh.
Hướng Dương: Thưa chị và quý thính giả, tổ chức Giám sát Nhân quyền vào hôm qua 29/7 cho biết họ đã gửi một tờ trình cho chính phủ Úc để yêu cầu “gây sức ép” với bạo quyền Việt Nam trong các cuộc gặp gỡ sắp tới tại buổi đối thoại nhân quyền lần thứ 19 diễn ra vào ngày 30/7 tại thủ đô Canberra.
Bà Daniela Gavshon, giám đốc của tổ chức này tại Úc, cho biết là trong hai thập niên qua, nước Úc đã tổ chức 18 cuộc đối thoại nhân quyền hầu như vô hiệu quả với Việt Nam và cần có cách tiếp cận mới. Theo bà Gavshon, thay vì tiếp cận theo kiểu thụ động về nhân quyền, chính phủ Úc nên gây sức ép để có những cải tổ mang tính hệ thống, dựa trên các mốc đánh giá rõ ràng.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền cũng nhắc lại những thành tích tiêu cực của Việt Nam về nhân quyền, bao gồm hơn 160 người đang bị giam giữ vì lên tiếng phê phán bạo quyền, việc các nhà hoạt động môi trường đang trở thành đối tượng bị nhắm tới, và VN đứng thứ 3 thế giới về số lượng nhà báo bị cầm tù.
Tổ chức này khuyến nghị chính phủ Úc cần tập trung vào 5 lãnh vực ưu tiên về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, bao gồm việc phóng thích các tù nhân chính trị và những người bị giam giữ tùy tiện, chấm dứt đàn áp các nhà hoạt động môi trường, tôn trọng quyền của người lao động; bảo đảm trình tự tố tụng công bằng đối với các nghi can và bị cáo hình sự; và chấm dứt việc trấn áp các quyền tự do thực hành tôn giáo và tín ngưỡng.
Bảo Trân: Bảo Trân xin cảm ơn anh Hướng Dương đã giúp cho biết rõ thêm những tin VN quan trọng trong tuần qua. Kính chúc quý thính giả luôn được mạnh khỏe, an lành.
No comments:
Post a Comment