Thưa quý thính giả,
Ngày 2 tháng 3 năm 2019, để gọi là “đánh dấu 89 năm ngày thành lập đảng CSVN”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người được mênh danh là “người cộng sản cuối cùng”, đã phổ biến một bài viết để xưng tụng đảng của ông, trong đó có câu “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay!”
Thực tế thì Việt Nam ngày nay như thế nào?
Để trả lời câu hỏi này,
kính mời quý thính giả cùng theo dõi bài bình luận của tác giả CHÂU NAM VIỆT
đăng trong trang nhà Việt Nam Thời Báo, tựa đề “PHỒN VINH GIẢ TẠO, BẦN CÙNG THỰC
SỰ”, sẽ do Hướng Dương trình bày để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
Nhà cầm quyền Việt Nam luôn tự mãn tuyên bố rằng Việt Nam là một quốc gia đáng sống và đang phát triển vượt bậc về mọi mặt. Thế nhưng đằng sau sự phồn vinh giả tạo hiện có lại là nỗi đau của hàng triệu người lao động. Họ phải sống trong cảnh bần hàn, tạm bợ và thiếu thốn, dù phải ngày đêm lao động cật lực. Những hình ảnh phồn vinh được nhà cầm quyền đưa ra chỉ là lớp vỏ bọc che giấu đi những thực trạng đau lòng này.
Trong các khu đô thị lớn xa hoa như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, không khó để bắt gặp hình ảnh của những người lao động nhập cư từ các tỉnh lẻ. Họ đến đây với hy vọng kiếm được công việc tốt hơn để nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, cuộc sống của họ lại thường rất khắc nghiệt. Người dân nhập cư phải sống trong những căn phòng chật hẹp, thiếu thốn tiện nghi và thường phải làm việc quá sức với mức lương thấp.
Theo số liệu từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 2023 hơn 75% người lao động tại các khu công nghiệp không đủ sống bằng tiền lương. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực, từ việc ăn uống thiếu dinh dưỡng đến việc không thể tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản. Nhiều gia đình chỉ thỉnh thoảng mới có được bữa ăn thịt cá và chợ công nhân thường xuyên phải bán thực phẩm loại rẻ tiền. Đây không chỉ là vấn đề về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của người lao động. Muốn thấy thực tế thì chỉ cần ra các khu công nghiệp tại Bình Dương quan sát đời sống công nhân.
Trước tình hình kinh tế đi xuống gần đây, các công ty không còn nhận nhiều hợp đồng như trước. Nên mức lương trung bình của công nhân ở đây chỉ khoảng 6 triệu mỗi tháng, tương đương mỗi ngày một người chỉ có thu nhập 200 ngàn đồng. Với chừng đó tiền làm sao đủ để chi tiêu nuôi con cái, tiền sữa, tiền ăn, tiền nhà trọ, tiền con đi học? Khi con bệnh tật thì không biết vay mượn ai vì ai cũng làm công nhân và nghèo như nhau.
Tình trạng này còn khiến nhiều trẻ em phải bỏ học sớm để phụ giúp gia đình. Qua điều tra về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam (SAVY), có tới 24% thanh niên được điều tra đã bỏ học khi chưa đến 15 tuổi, tỉ lệ bỏ học từ lớp 1-5 là 12%, lớp 6-8 là 21%. Theo SAVY, chỉ có 46,3% thanh niên Việt Nam được đi học trung học. Đói nghèo là nhân tố được nhắc đến nhiều nhất gây ra tình trạng bỏ học ở trẻ em lứa tuổi 11-18.
Do khó khăn về kinh tế, cha mẹ không đủ điều kiện chi trả học phí và các khoản chi phí liên quan đến học tập. Ở các gia đình nghèo, trẻ thường phải làm việc để đóng góp thu nhập cho gia đình. Đây là một con số đáng báo động, cho thấy tương lai của nhiều em nhỏ đang bị đe dọa bởi nghèo đói. Thay vì được học hành và phát triển toàn diện, các em phải lao động sớm, chịu nhiều thiệt thòi và nguy cơ bị bóc lột.
Nhà cầm quyền không chỉ thất bại trong việc đảm bảo mức sống cơ bản cho người lao động mà còn cố tình bưng bít sự thật. Họ dùng những hình ảnh phồn vinh giả tạo để che mắt dư luận và ngăn cản sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm. Trong khi đó, những chiến dịch tuyên truyền rầm rộ về “thành tựu kinh tế” lại càng làm cho người lao động thêm phần bất mãn. Các cuộc điều tra độc lập thường xuyên bị cản trở, thông tin bị kiểm soát chặt chẽ để tránh những phản ánh tiêu cực về đời sống người lao động.
Cần phải có những biện pháp cụ thể để cải thiện tình hình này.
Trước hết, nhà cầm quyền cần phải thừa nhận thực trạng trên và cần minh bạch hóa thông tin. Họ cần lắng nghe tiếng nói của người lao động và các tổ chức xã hội để đưa ra những chính sách hợp lý. Việc tăng lương tối thiểu, đảm bảo quyền lợi bảo hiểm xã hội và y tế, cùng với các chương trình hỗ trợ giáo dục cho con em công nhân là những giải pháp cần thiết và cấp bách.
Thứ hai, cần có sự tham gia tích cực của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự trong việc giám sát, phản biện chính sách. Nhà cầm quyền phải tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức này có thể tiếp cận và hỗ trợ người lao động. Sự hỗ trợ từ cộng đồng không chỉ giúp cải thiện đời sống vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn đối với họ.
Cuối cùng, người lao động cần tự nâng cao nhận thức về quyền lợi của mình thông qua các khoá đào tạo, hướng dẫn về quyền lợi người lao động hay ít nhất một tổ chức thật sự hoạt động vì quyền lợi người lao động như công đoàn độc lập. Người lao động cũng cần đoàn kết, cùng đấu tranh vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. Sự thay đổi chỉ có thể đến khi người lao động mạnh dạn đứng lên đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình.
No comments:
Post a Comment