Friday, August 9, 2024

Việt Nam vẫn là “nền kinh tế phi thị trường”!

Quan Điểm

Sau 9 tháng Hoa Kỳ xem xét và đánh giá sự vận hành nền kinh tế của Việt Nam, ngày 02/8/2024, Bộ Thương Mại Mỹ đã đưa ra kết luận: “Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường”. Điều này làm cho phía Việt Nam thất vọng. Kính mời quí thinh giả theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ về quyết định của chính phủ Hoa Kỳ. Bài sẽ do Hướng Dương trình bày sau đây:

Thưa quí thinh giả,

Trên làn sóng phát thanh này, cách đây 3 tháng, ngày 17/5/2024 chúng tôi đã nêu ra quan điểm rằng “HK nên đặt quyền lợi của gần 100 triệu người dân VN, và quyền lợi của người lao động HK lên trên quyển lợi chính trị của đảng CSVN, khi cứu xét việc thừa nhận VN là nền kinh tế thị trường. Đó là ước vọng chính đáng, công bằng và hợp lý của người dân cả hai quốc gia Việt Mỹ.” Do đó việc Bộ Thương Mại Mỹ ngày 02/08/2024 cho biết Hoa Kỳ vẫn tiếp tục xếp Việt Nam vào diện quốc gia có nền kinh tế phi thị trường không có gì đáng ngạc nhiên.

Trong 9 tháng vừa qua, chắc chắn phía HK đã xem xét kỹ lưỡng sự vận hành nền kinh tế của VN, dựa trên 6 yếu tố, mà ngay từ đầu họ đã nêu ra, để phía VN căn cứ vào đó mà cải thiện. Tóm tắt 6 yếu tố ấy gồm:(1) khả năng chuyển đổi tiền tệ, (2) lao động và thương lượng tự do, (3) sự hiện diện của đầu tư nước ngoài, (4) mức độ sở hữu của chính phủ, (5) sự kiểm soát của chính phủ đối với tài nguyên và giá cả, và (6) các yếu tố khác mà Bộ Thương Mại HK đặt ra cho là phù hợp.

Chắc chắn phía nhà nước CSVN đã hứa rất nhiều, nhưng họ có thực hiện lời hứa ấy hay không, về phía HK đã biết rõ, nên mới đưa ra kết luận như trên.  Hậu quả kết luận Việt Nam vẫn là nền kinh tế phi thị trường, có nghĩa là “phương pháp được sử dụng để tính thuế của Mỹ chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn được giữ nguyên”. Đây là điều mà phía VN lấy làm thất vọng, nhưng HK cũng chẳng có cách nào làm khác đươc!

Bộ Công Thương Việt Nam cho rằng họđã có những “cải thiện tích cực”. Ngược lại, ai cũng thấy rõnền kinh tế của VN là do đảng Cộng Sản cầm quyền quản lý; hơn thế nữa, Việt Nam ngày càng được các công ty Trung Cộng sử dụng làm trung gian sản xuất,để lách lệnh hạn chế hàng nhập khẩu từ Trung Cộngvào Hoa Kỳ.

Dĩ nhiên quyết định của HK đối với Việt Nam có thể gây bất lợi cho mối quan hệ Việt-Mỹ. Theo giáo sư chính trị Edmund Malesky, giám đốc Trung Tâm Phát Triển Quốc Tế Duke, giới lãnh đạo Việt Nam xem quyết định này là một “chuẩn mực quan trọng trong việc cải thiện quan hệ với Mỹ cũng như việc đạt được mục tiêu bình thường hóa quan hệ giữa hai nước”.

Đối với HK, việc ngăn chặn tham vọng bành trướng của TC là một nhu cầu địa chính trị quan trọng hiện nay, nên HK cũng có thể “lấy lòng” Hà Nội để CSVN đóng vai con tốtngăn chận Trung Cộng bành trướng thế lực trong vùng Đông Nam Á, nhưng không vì nhu cầu có tính giai đoạn này, mà HK có thể thể bỏ qua truyền thống bảo vệ tự do, tôn trọng nhân quyền, đề cao công lý, vì đó vẫn là những giá trị nền tảng của đất nước này.

Một điểm khác quan trọng hơn mà chúng tôi muốn nói đến hôm nay, đó là chính phủ HK, từ thời TT Obama, đã cam kết không can thiệp vào nội bộ chính trị của Việt Nam, nói rõ ra là nhìn nhận đảng CSVN nắm độc quyền cai trị  đất nước, khi TT Obama tiếp tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu Dục ngày 7/7/2015. Khi HK đã đặt quan hệ ngoại giao với VN lên đến cấp “chiến lược toàn diện” thì HK cũng phải tôn trọng hiến pháp của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.Ngược lại, VN cũng phải tôn trọng hiến pháp của HK như thế.

Về phương diện kinh tế, điều 51.1 trong Bản Hiến Pháp 2013 của CSVN viết như sau: “1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.Chưa hết,Điều 53 còn viết rõ: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. 

Với 2 điều ghi rõ trong Hiến Pháp 2013 như thế, cùng với chính sách kinh tế nhất quán của nhà nước CSVN, vẫn lặp đi lắp lại rằng “Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa....kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, thì làm sao HK có thể dẫm đạp lên bản Hiến Pháp của CSVN được. Nói cách khác, rõ ràng chính đảng và nhà nước CSVN đang dẫm đạp lên bản hiến pháp do họ viết ra, nên mới yêu cầu HK nhìn nhận VN là nền kinh tế thị trường được!

Vì vậy, nếu VN muốn HK thừa nhận VN là nền kinh tế thị trường, thì cần phảibỏ điều 4 hiến pháp, sửa các điều 51, 53 và những điều khác dành quyền kiểm soát kinh tế cho đảng CSVN. Vì chỉ khi nào người dân có quyền tự do thật sự, thì mới phát huy được các sáng kiến và đóng góp tài năng vào việc phát triển kinh tế nước nhà. Các nhà lãnh đạo CSVN hãy nhìn sang các nước Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan...để rút ra những bài học thực tiễn cho tương lai đất nước mình.

Cảm ơn quí thính giả đã theo dõi bài QD của chúng tôi.

 

 

 

No comments:

Post a Comment