Khi Tô Lâm được bầu làm Tổng bí thư thì có những nghi vấn được đưa ra từ chức danh cho đến sự tín nhiệm tuyệt đối cũng như đặt câu hỏi về bàn cờ chính trị mà Tô Lâm sẽ chơi trong tương lai.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Trà My đăng trên báo Đức Thoibao.de với tựa đề:“Tô Tổng có xóa bàn cờ chính trị cũ của tổng Trọng để chơi lại từ đầu?” sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.
Trà My – Thoibao.de
Chủ tịch nước Tô Lâm đã được Ban Chấp hành Trung ương bầu giữ chức Tổng Bí thư, nhiệm kỳ 2021 – 2026, với tỷ lệ phiếu ủng hộ “tuyệt đối” 100%, tại Hội nghị Trung ương tổ chức ngày 3/8.
Đáng chú ý, Hội nghị Trung ương lần này chỉ ghi chung chung “Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa 13”, đã thay đổi so với thời Tổng Trọng. Phải chăng, tân Tổng Bí thư muốn “quảng bá” cho một kỷ nguyên mới, thuộc về của nhà lãnh đạo tối cao mang tên Tô Lâm – Đại tướng, trùm an ninh.
Tuy Ban Chấp hành Trung ương tiến hành bỏ phiếu kín, để bầu chọn nhân sự Tổng Bí thư, nhưng Tô Lâm vẫn giành được số phiếu ủng hộ “tuyệt đối” – 100%. Điều này ngược với đánh giá trước đây của giới phân tích quốc tế, vốn cho rằng, đa số lãnh đạo cấp cao của Đảng không ủng hộ Tô Lâm làm Tổng Bí thư.
Tân Tổng Bí thư Tô Lâm, tại Hội nghị Trung ương ngày 3/8, cũng đã sử dụng chước “chỉ hươu nói ngựa”, để che mắt thiên hạ. Dư luận có thể lầm tưởng rằng, Tô Lâm thực sự có uy tín cao, được sự tín nhiệm tuyệt đối 100%. Nhưng thực chất, nếu bất kì uỷ viên Trung ương nào không “đồng thuận”, không bầu cho Tô Lâm, thì ngay sau đó sẽ bị Tô Lâm cho đàn em trừng trị.
Sau Hội nghị Trung ương ngày 3/8, câu hỏi: Tân Tổng Bí thư họ Tô có kiêm luôn cả chức vụ Chủ tịch nước, theo mô hình nhất thể hóa của Trung Quốc hay không, vẫn chưa có câu trả lời.
Hơn nữa, theo “Bảng danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo theo quy định”, ban hành theo Kết luận của Bộ Chính trị số 35-KL/TW, ngày 5/5/2022, quy định:
“Chức danh lãnh đạo “chủ chốt” của Đảng và Nhà nước, là 4 chức danh “Tứ trụ” như hiện nay. Đó là Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.”
Như vậy, hiện không có chức danh “Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước”. Do đó, muốn thay đổi điều này thì phải đưa ra Bộ Chính trị quyết định lại.
§ Về mặt nguyên tắc, nếu Tổng Bí thư Tô Lâm phải chuyển quyền Chủ tịch nước cho lãnh đạo khác, thì buộc phải tiến hành sau đó. Hiện có đồn đoán rằng, tân Chủ tịch nước sẽ là Đại tướng Lương Cường – đại diện phe tướng lĩnh Quân đội.
Việc truyền thông nhà nước Việt Nam đồng loạt đưa tin, Chủ tịch Tô Lâm được bầu giữ chức Tổng Bí thư Đảng, với số phiếu tuyệt đối 100%, cùng với lời lẽ dập khuôn: “Trung ương Đảng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, thảo luận dân chủ, suy tôn, thống nhất rất cao”, đã cho thấy điều gì?
Công luận cho rằng, hai chữ “suy tôn” đã “đưa người được suy tôn lên địa vị cao quý”. Vì vậy, nếu đã “suy tôn”, lại còn thêm 100% tuyệt đối, để làm gì?
Đúng là đã “giấu đầu hở đuôi”!
Nhưng “trong cái rủi thì có cái may”, “trong họa có phúc”. Có những đồn đoán rằng, sau khi đạt đến đỉnh cao của quyền lực, Tô Tổng sẽ “xóa bàn cờ và chơi lại từ đầu”.
Có thể, Tô Tổng sẽ quyết định ân xá, tha bổng cho toàn bộ các quan chức tham nhũng, bị xử lý trong công cuộc “đốt lò”.
Để rồi sau đó, Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ chấm dứt tình trạng truy cùng diệt tận các đối thủ chính trị như hiện nay, tái lập một giai đoạn “sóng yên, biển lặng”, không còn đấu đá giữa các phe phái trong nội bộ Đảng, trên cơ sở tuân thủ các quy định của Đảng, như trước khi Tổng Trọng cầm quyền.
Làm điều này để tập trung toàn lực vào việc chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 14 vào đầu năm 2026.
No comments:
Post a Comment