Thưa quý thính giả, sự kiện ông Tô Lâm trong vòng khoảng hơn 2 tháng đã từ một đại tướng, bộ trưởng công an bò lên chức TBT đảng csvn là một ngoại lệ chưa từng xảy ra. Trong phần bình luận hôm nay, mời quý thính giả theo dõi bài viết của Hoàng Trường với tựa đề “Hội nghị Trung ương bầu Tô Lâm làm TBT: Cái bất thường tại sao lại bình thường” được đăng trên trang blog Hoàng Trường, sẽ do Miên Dương trình bày sau đây
Blog Hoàng Trường
Tại Hội nghị sáng 3/8/2024, theo TTXVN, căn cứ các quy định của Đảng, trên cơ sở giới thiệu của Bộ Chính trị, (xin trích…) ‘Trung ương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, thảo luận dân chủ, suy tôn, thống nhất rất cao với số phiếu tuyệt đối 100% bầu đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giữ chức Tổng Bí thư (TBT) BCHTƯ Đảng CSVN khoá XIII’ (1). (hết trích) Có ‘một vài ẩn số’ trong ‘phương trình’ bầu TBT. Thứ nhất, tại sao Đảng phải trưng ra ngoài, đây là một Hội nghị trung ương bình thường chứ không phải bất thường? Bình thường thì tại sao không có thông báo trước trên các phương tiện truyền thông giống như các Hội nghị trước đây? Thứ hai, thông báo cho biết, Trung ương đã ‘thảo luận dân chủ, suy tôn, thống nhất rất cao với số phiếu tuyệt đối 100%...’ Đã ‘suy tôn’, lại còn ‘tuyệt đối’! Nếu không công bố danh sách Ban kiểm phiếu thì muốn mấy trăm phần trăm chả được. Ở đây Trung ương muốn nhấn mạnh điều gì, khi chữ ‘suy tôn’ của tiếng Việt thường chỉ dùng trong ngữ cảnh ‘suy tôn’ một vị vua, hay một anh hùng dân tộc?
Và vế thứ ba, liên quan đến quyết định chọn thời điểm Hội nghị. Điều này rất quan trọng đối với các nước Á đông. Mồng 3/8 Tây lịch là nhằm ngày cuối tháng Sáu Âm lịch, Trung ương Đảng họp đúng vào ‘Lễ Thất tuần’ đối với cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Phải chăng Trung ương tránh tháng Bảy âm lịch? Nhưng theo Mật tông, đó mới là tháng linh thiêng! Hội nghị dành một phút mặc niệm cố TBT là đương nhiên, trước khi tân TBT vinh danh, chứ không suy tôn như suy tôn tân TBT? Ông Trọng như một ‘nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, người đảng viên cộng sản kiên trung, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, hiện thân đầy đủ phẩm chất... của thế hệ lãnh đạo thời kỳ đổi mới’ (2). Cố TBT được đánh giá cao như thế nhưng tại sao không được ‘suy tôn’? Ba ẩn số nêu trên đặt dấu hỏi cho bức tranh toàn cảnh của ‘phương trình’ trình chuyển giao quyền lực giữa kỷ nguyên Nguyễn Phú Trọng sang giai đoạn của Đại tướng Tô Lâm.
‘Chân mệnh đế vương’ của tân Tổng bí thư ĐCSVN thực ra đã được dự báo trước cả thời điểm ông được Quốc hội Việt Nam bầu lên làm Chủ tịch nước hôm 20/5/2024 sau khi đã bàn giao công tác ở Bộ Công an cho cấp phó ‘chân truyền’ của mình là Thượng tướng Lương Tam Quang (3). Trong lịch sử ĐCSVN chưa từng có tiền lệ, một Đại tướng Công an, chỉ trong vòng hơn hai tháng, đã vào ghế Tổng bí thư Đảng một cách ngoạn mục, hầu như không có bất cứ ‘lỗi kỹ thuật’ nhỏ nào. Một Giáo sư nước ngoài chuyên theo dõi về Việt Nam từng dự báo: ‘Ông Tô Lâm được tín nhiệm khi làm Bộ trưởng Công an giúp sức cho chiến dịch chống tham nhũng và tiêu cực của ông Trọng. Vào lúc này, ông ấy là ứng viên sáng giá nhất để trở thành lãnh đạo Đảng’ (4). Ngôi cửu trùng từ nay đã vững. Liệu Tô Đại tướng có nhường cương vị mang tính lễ nghi cho phe quân đội là Đại tướng Lương Cường, người hiện vẫn giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư thời gian trước mắt?
Khi nào có các ‘Lễ chuyển giao’?
Theo nguồn tin nội chính không tiện tiết lộ, trước cuộc Hội nghị Trung ương nói trên, ngày 2/8/2024, Bộ Chính trị ĐCSVN cũng đã nhóm họp để quyết định giới thiệu nhân sự cho BCHTƯ bỏ phiếu vào ngày hôm sau. Theo thông tin rò rỉ, cũng có ý kiến muốn ‘gộp’ hai chiếc ghế trong ‘Bộ tứ’ truyền thống của Việt Nam là Tổng bí thư và Chủ tịch nước vào làm một. Việt Nam từng có tiền lệ, đã thí điểm việc ‘nhất thể hóa’ giữa Đảng và Nhà nước một thời gian, giống như bên Trung Quốc và một vài nước khác. Các thí nghiệm ấy bất thành, có thể phần nào phản ánh xu hướng muốn duy trì ‘cân bằng động’ trong cơ cấu quyền lực cao nhất ở Việt Nam (5). Điều tương tự cũng đã xẩy ra lần này trong cuộc thăm dò ngày 2/8. Đa số trong Bộ Chính trị vẫn kiến nghị tách hai trung tâm quyền lực, chứ không ‘nhất thể hóa’ chúng như một vài ý kiến đề xuất!
Nhưng khi nào sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước của tân TBT Tô Lâm? Khi nào chuyển giao chức Thường trực Ban bí thư (cho ai? và ai quyết?) để tướng Lương Cường, người được dư luận đồn đoán, được Quốc hội bấm nút vào ghế Chủ tịch nước? Qua tuyên thệ của tân TBT (6), cũng như tại buổi họp báo ngày 3/8 (7), giới quan sát không nhận thấy bất cứ một độ vênh nào trong đường lối mà Tô Lâm cam kết sẽ theo đuổi so với cố TBT Nguyễn Phú Trọng trước đây. Điều này là hiển nhiên, vì ĐCSVN bao giờ cũng muốn tỏ cho bên ngoài thấy rằng, Đảng là một khối sức mạnh thống nhất, cho dù thực tế chưa bao giờ là như vậy, kể từ ngày thành lập. Tân TBT Tô Lâm chưa khi nào tỏa sáng như tại các cuộc họp sáng 3/8, nhưng tuyên ngôn của ông chỉ tập trung vào ba đề tài: thông báo nhậm chức, cảm ơn các đồng chí trong, ngoài Đảng và hứa hẹn tương lai tươi sáng. Công thức ‘thông báo – cảm ơn – hứa hẹn’ dẫu sáo mòn nhưng cũng hé lộ, tân TBT không đưa chuyện ‘đốt lò’ ra dọa, dù tại cuộc họp này, có 4 lãnh đạo bị loại (8). Chuyện ‘lò củi’ tân TBT dành cho Phan Đình Trạc và Phạm Minh Chính, phần mình, ông nhấn mạnh đoàn kết nội bộ. Phải chăng điều này đang khiến tân TBT đau đầu? Khi ‘Quân vương’ không vui, các cuộc chuyển giao liệu sẽ êm thắm?
Theo dư luận các giới, những lá phiếu sáng 3/8 chỉ có giá trị đến hết Đại hội XIII, nhưng cuộc đua tiếp theo giành vị trí A-1 tại Đại hội XIV của tân TBT, liệu sẽ chủ động hơn thời gian qua? 63 Giám đốc Công an tại các tỉnh thành do đích thân Tô Lâm bổ nhiệm thuở ông đứng đầu ngành Công an, sẽ là những ‘chỉ điểm’ cho Tô Đại tướng, họ có thể ‘khống chế’ các Bí thư và Chủ tịch. Lướt qua hàng rào các yếu nhân bao quanh tân TBT, nhiều đồng chí Trung ương đã trót nhúng chàm chắc hẳn cảm thấy nghẹt thở. Từ Chánh Văn phòng đến Ban Tổ chức TƯ, từ Bộ trưởng đến các Thứ trưởng Công an… tất cả đều là các tướng an ninh hoặc cảnh sát hai, ba sao. Một chuyên gia quốc tế từng cảnh báo: ‘Giờ đây… ông Tô Lâm sẽ tiếp nhiều phái đoàn quốc tế trong các dịp nghi lễ chính thức và đàm phán ngoại giao. Khi bắt tay ông ấy, những nhà ngoại giao chớ có quên rằng trên con đường đi lên nắm quyền, ông ấy đã để lại phía sau rất nhiều sự tàn phá và cả những tổn hại mà ông ấy đã gây ra đối với nhân quyền ở Việt Nam’ (9).
Tham khảo:
(3) https://www.voatiengviet.com/a/len-chu-tich-nuoc-the-luc-cua-ong-to-lam-lon-den-dau-/7656449.html
(5) https://www.tuyengiao.vn/phong-chong-su-tha-hoa-quyen-luc-126384
(6) https://www.vietnamplus.vn/toan-van-bai-phat-bieu-nham-chuc-cua-tong-bi-thu-to-lam-post968519.vnp
(7) https://tuyengiao.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-chu-tri-hop-bao-sau-hoi-nghi-trung-uong-155655
No comments:
Post a Comment