Kính thưa quý thính giả,
Lịch sử Việt Nam thời cận đại ghi lại nhiều người yêu nước thương dân, bất khuất trước quân xâm lược. Trong đó, có một người du học ở Nhật về nước truyền bá ý tưởng “Khuyến khích thanh niên du học” của cụ Phan Bội Châu. Ông tích cực tham gia các phong trào Cần Vương, Duy Tân và Đông Du trong nỗ lực giành lại độc lập cho nước nhà.
Trong chuyên mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Chí sĩ Tăng Bạt Hổ” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
Tăng Bạt Hổ, tên thật là Tăng Doãn Văn, tự là Sư Triệu, hiệu là Điền Bát, sinh ngày 19/7/1858 tại làng An Thường, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Năm 1872, khi mới 14 tuổi, Tăng Bạt Hổ đã chống thực dân Pháp trong hàng ngũ của tướng Lưu Vĩnh Phúc (quân Cờ Đen).
Sau thất bại trong vụ binh biến tại kinh thành Huế do phe chủ chiến Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết cầm đầu, vua Hàm Nghi rút về căn cứ Tân Sở, xuất chiếu Cần Vương, kêu gọi sĩ phu cùng toàn dân đứng lên kháng chiến chống Pháp.
Hưởng ứng hịch Cần Vương, Tăng Bạt Hổ cùng với Phạm Toàn chiêu mộ nghĩa quân, rèn đúc vũ khí, xây dựng chiến khu chống Pháp ở vùng rừng núi có địa thế hiểm trở tại huyện Hoài Ân.
Lực lượng kháng chiến tại Bình Định phát triển mạnh mẽ, quy tụ dưới ngọn cờ lãnh đạo của Mai Xuân Thưởng. Ông liên kết với lực lượng này, được giao nhiệm vụ giữ mặt trận phía Bắc Bình Định. Ông cùng với Bùi Điền củng cố thêm khu Chóp Chài và 2 cứ điểm tại đèo Phủ Cũ và Bình Đê. Pháp liền cử Nguyễn Thân và Trần Bá Lộc đem quân đàn áp.
Đầu năm 1886, ông cử 2 tướng Bùi Điền và Đỗ Duyệt đem quân giao chiến với Nguyễn Thân nhưng bị thất bại. Ông tiếp tục chiêu mộ thêm binh sĩ, xây thêm các đồn lũy, nhưng trước thế mạnh của địch, hầu hết các chiến lũy của nghĩa quân đều bị phá vỡ.
Đầu năm 1887, Nguyễn Thân điều động đại quân đến triệt phá mật khu Kim Sơn, dù không phá được, nhưng vì ít quân và vũ khí thô sơ, nên nghĩa quân tan rã, phải di tản đến các bản làng Tây Nguyên.
Riêng ông, vượt rừng núi sang Lào, Xiêm, Trung Hoa và Nhật để tìm Lưu Vĩnh Phúc, nhưng tướng Lưu Vĩnh Phúc đã từ trần. Ông quyết định theo nghề hàng hải, làm thủy thủ cho tàu buôn để quan sát nền văn minh của các nước và tìm thêm đồng chí. Ông thường qua lại các đảo Hoành Tân, Trường Kỳ của Nhật và sau đó ít năm, ông thạo tiếng Nhật, nên được tuyển vào Hải quân Nhật.
Trong chiến tranh Nga - Nhật, ông giúp Nhật đánh Nga và nổi tiếng là một chiến binh quả cảm, có công lớn trong 2 trận chiến Đài Liên và Lữ Thuận.
Ngày khải hoàn, ông được mời dự tiệc do Minh Trị Thiên Hoàng thiết đãi. Khi cầm chén rượu do Thiên Hoàng tự tay rót mời, ông uống cạn và khóc lớn. Thiên Hoàng hỏi, ông giãi bày nỗi lòng: "Tôi vốn không phải là người Nhật mà là một người Việt Nam lưu vong. Sau khi thất bại trong việc chống Pháp, tôi trốn qua Xiêm, qua Trung Hoa rồi tới đây, may được Bệ hạ tin dùng. Nay thấy quý quốc thắng Nga, làm vẻ vang cho giống da vàng, tôi nghĩ đến tình cảnh nước tôi mà không cầm được giọt lệ".
Tất cả những người dự tiệc đều lắng nghe lời khẳng khái của ông. Thiên Hoàng khen ông là người ái quốc.
Ông giao thiệp với Nghị sĩ Nhật như Khuyển Dưỡng Nghị, Đại Ôi Trọng Tín, muốn nhờ Nhật giúp để đánh Pháp. Nhưng họ khuyên ông chờ thời cơ vì Nhật đang bận đánh Nga và chưa có hiềm khích với Pháp. Và họ khuyên ông phát triển phong trào Duy Tân trong nước để nâng cao dân khí, dân trí. Khuyến Dưỡng Nghị (về sau là Thủ tướng Nhật), hứa tận lực giúp cho các học sinh VN được cư trú và học hành miễn phí, nên ông xin hồi hương.
Về tới Hải Phòng cuối năm 1904, ông đến Quảng Nam họp mặt với Sào Nam và Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Đầu năm sau, ông đưa Sào Nam và Đặng Tử Kính qua Nhật để cầu viện và tổ chức phong trào Đông Du. Năm 1905, ông lại về nước mang theo bài “Khuyến khích thanh niên du học” của cụ Phan Bội Châu để truyền bá.
Nghe tiếng cụ Lương Văn Can nghĩa khí, được dân miền Bắc tín nhiệm, ông tìm đến để lập kế hoạch lâu dài. Tại đây, cụ Lương giới thiệu các thanh niên ưu tú sang Nhật du học và sau đó, Lương Ngọc Quyến và Lương Nghị Khanh trở thành 2 sinh viên Đông Du đầu tiên.
Năm 1906, trên đường ra Huế, ông lâm bệnh nặng và từ trần khi chưa đầy 50 tuổi. Ông được an táng trên một gò cao thuộc xã Thế Lại Thượng.
Năm 1956, nhân sĩ Lê Ngọc Nghị cùng người dân Thế Lại Thượng làm lễ truy điệu, và cải táng hài cốt ông trong khu lăng mộ Phan Bội Châu.
* * *
So với huyền thoại Hồ Chí Minh, người mà cộng sản ra sức thêu dệt, thì Hồ Chí Minh chỉ là con đom đóm so với một vì sao sáng như chí sĩ Tăng Bạt Hổ, tận tụy vì dân tộc từ khi 14 tuổi. Tuy cũng bôn ba hải ngoại, nhưng ông không làm bồi bếp trên tàu Tây, mà được nước Nhật mến mộ vì tài hải hành và khả năng tác chiến.
Chính vì thế khi đọc tiểu sử ông, ai cũng ngậm ngùi thương tiếc một sĩ phu văn võ song toàn, được nước Nhật kính nể vì tấm lòng ái quốc. Ông là tấm gương sáng trong việc "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" mà nhiều người Việt đang đấu tranh cho đất nước có được ngày hồi sinh, sau mấy chục năm sống dưới ách độc tài cộng sản.
No comments:
Post a Comment