Wednesday, August 14, 2024

Thánh “Đu Càng” Việt Nam

Chuyện Nước Non Mình

Khi miệt thị người khác là “ đu càng” thì các DLV, Cờ đỏ đã thiếu hiểu biết khi gián tiếp miệt thị, mắng mỏ kẻ mà họ thờ phụng như thánh vì chính kẻ đó đã làm một việc vọng ngoại, mất gốc tư tưởng.

Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gởi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “Thánh “Đu Càng” Việt Nam của Đặng Đình Mạnh sẽ được Ngọc Sương trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.

Đặng Đình Mạnh.

Chắc nhiều bạn sẽ thắc mắc khi tôi viết hoa tựa Thánh Đu Càng. Ráng đọc đến cuối bài, các bạn sẽ có lời giải đáp.

“Đu càng”, nếu không sử dụng như một động từ, mà như một tính từ để chê bai, mắng mỏ một người chống Cộng, thì tôi chắc chắn rằng tính từ của từ ngữ này chỉ xuất hiện từ sau ngày 30/04/1975. Nguồn gốc không khó xác định. Cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày này mỗi năm, lại dễ bắt gặp hình ảnh được phát lại về người di tản đu bám càng chiếc trực thăng quân đội tòn ten trên không trung, bất chấp nguy hiểm chỉ để “chạy loạn” Cộng Sản khi ấy đang xâm nhập, nhuộm đỏ miền nam.

Từ một động từ phát sinh như vậy, nhóm dư luận viên, cờ đỏ đã đi xa hơn khi sử dụng như một tính từ để miệt thị đồng bào mình với hàm ý rằng họ mất gốc về tư tưởng, có ý vọng ngoại, đu càng, ảnh hưởng từ phương Tây.

Vậy, những điều đó thì có hại gì chăng?

Thật ra, trước thời điểm 1945, nhiều nhà ái quốc đã nỗ lực du nhập các tư tưởng tiến bộ của phương Tây vào Việt Nam với mục đích canh tân xứ sở. Những người khai phá ban đầu phải kể đến những bậc sĩ phu từ suốt thế kỷ 18, như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện, Nguyễn Lộ Trạch … nhưng tiếc rằng khi ấy triều Nguyễn vẫn duy trì chính sách bế quan tỏa cảng, đóng chặt cánh cửa giao thương với bên ngoài, cho nên, hết thảy những lời kêu gọi canh tân đều bị bỏ ngoài tai.

Các thế hệ sau đó cho đến trước thời điểm năm 1945, đã nỗ lực thực hiện điều đó bằng nhiều phương cách khác nhau trong các giai đoạn lịch sử. Như dịch sách, viết sách truyền bá, thuyết giảng, giáo dục và cả việc đưa người đi du học ở nước ngoài… Phong trào Duy Tân là kết quả của những nỗ lực ấy.

Du nhập những giá trị tư tưởng từ Tây phương thì nhiều bậc sĩ phu đã từng thực hiện, nhưng xét về phương diện pháp lý, thì người chính thức du nhập và hợp pháp hóa được các tư tưởng của phương Tây vào Việt Nam lại chính là lãnh tụ Cộng sản, ông Hồ Chí Minh.

Từ tháng 7/1920, khi ấy ông đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lê Nin đăng trên Báo L’Humanite (báo Nhân đạo). Từ đó, ông bắt đầu tiếp cận với chủ nghĩa Mác – Lê Nin và cho rằng đã giải đáp tất cả những điều mà ông ấy đang băn khoăn. Dẫn lời của ông: “Tôi vui mừng đến phát khóc lên [*]. Năm tháng sau, tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc (tên Hồ Chí Minh khi đó) bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng Sản đệ III và chính thức gia nhập tổ chức này.

Biết tư tưởng Mác – Lê Nin và trở thành thành viên tích cực của Cộng sản từ năm 1920; thế nhưng, tư tưởng phương Tây mà ông Hồ Chí Minh chính thức du nhập và hợp pháp hóa vào Việt Nam vào năm 1945 lại không phải là tư tưởng Mác – Lê Nin mà lại là tư tưởng của những bậc quốc phụ Hoa Kỳ.

Thật vậy, bản Tuyên ngôn Độc lập đọc vào ngày 02/09/1945 tại Ba Đình, khai sinh chính thể cộng hòa đầu tiên ở Việt Nam, trong đó, ông Hồ Chí Minh được cho là người đã chấp bút bản tuyên ngôn, đã trích dẫn lại những nguyên tắc căn bản về nhân quyền từ bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ năm 1789. Cũng trong bản tuyên ngôn này, chúng ta không hề thấy dấu vết nào của tư tưởng Mác – Lê Nin!

Đến một năm sau đó, năm 1946, sau khi gạt bỏ tất cả các đảng phái quốc gia ra khỏi chính phủ liên hiệp và bắt đầu giữ độc quyền chính trị trong chính quyền, thì ông Hồ Chí Minh bắt đầu công khai cho thực thi các chủ trương, chính sách của Cộng sản. Dĩ nhiên, các chính sách này đều du nhập từ phương Tây, cụ thể, từ Quốc tế Cộng sản đệ III do Liên Xô chỉ đạo.

Năm 1953, du nhập từ Trung Cộng, ông Hồ Chí Minh cho phát động công cuộc cải cách ruột đất “long trời, lở đất”, kéo dài đến tận năm 1956. Hậu quả gây ra làm ảnh hưởng đến hơn 7,7 triệu người dân và hàng trăm nghìn gia đình phải chịu hệ lụy. Hơn 50 nghìn người dân bị quy là địa chủ phải chịu xử tử, gồm cả bà Nguyễn Thị Năm (chủ hiệu Cát Hanh Long), người đã hiến gần nghìn lượng vàng cho Cộng Sản, từng nuôi giấu Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Thế Thiện, Lê Thanh Nghị… Chưa hết, bản thân bà và gia đình cũng theo Cộng Sản, nhưng cũng bị quy địa chủ và chịu xử tử. Đích thân ông Hồ Chí Minh cải trang dân thường đi dự xét xử.

Cho thấy, tuy không phải là những người khởi xướng du nhập tư tưởng phương Tây, hoặc từ Trung Cộng, nhưng khách quan, ông Hồ Chí Minh vẫn phải được công nhận là người có công đầu tiên trong nỗ lực thể chế hóa các tư tưởng tiến bộ của phương Tây làm nguyên tắc hoạt động bộ máy công quyền của nền cộng hòa xứ sở này vào thời điểm sơ khai. Chỉ tiếc rằng, ông Hồ Chí Minh du nhập và thực thi các tư tưởng tiến bộ ấy không thực tâm, mà chỉ lợi dụng để làm bước đệm dân chủ giả danh qua chiêu bài thành lập chính phủ liên hiệp để giành lấy chính quyền mà thôi. Sau khi giành được chính quyền, thì ông ấy đã không ngần ngại, gạt bỏ tất cả các đảng phái quốc gia ra khỏi chính quyền và áp dụng tư tưởng Mác – Lê Nin vào quản lý, điều hành chính quyền.

Cho nên, nếu nói về đu càng theo nghĩa du nhập, ảnh hưởng văn minh, tư tưởng phương Tây như cách hiểu của nhóm dư luận viên, cờ đỏ hiện nay, thì người cần phải nhắc đầu tiên là ông Hồ Chí Minh, vốn đã là ông Thánh Đu Càng thành công nhất.

Vì thế, khi nói đu càng để mắng mỏ người khác, các bạn dư luận viên và cờ đỏ đã quên rờ vào gáy mình để biết rằng [mình] đang mắng mỏ chính ông Hồ Chí Minh.

Giờ thì các bạn cờ đỏ tem tém cái miệng được chưa? Hay vẫn muốn mở miệng mắng mỏ ông Thánh Đu Càng ấy thì tùy.

Tôi ít có dịp viết bài tặng ai, nhưng bài này tôi đề tặng nhóm dư luận viên và cờ đỏ, các con cưng của chế độ Cộng sản.

 

No comments:

Post a Comment