Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Mỹ Linh & Đồng Tâm trình bày sau đây.
1. KỸ SƯ NGUYỄN NGỌC ÁNH RA TÙ
Kỹ sư thủy sản Nguyễn Ngọc Ánh, người bị cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” vừa mãn hạn 6 năm tù giam hôm 30/8/2024.
Công an nhà tù Xuân Lộc- nơi ông Ánh bị giam cầm, đưa ông về trụ sở Uỷ ban Nhân dân thị trấn Bình Đại (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) để làm các thủ tục “bàn giao” cho nhà cầm quyền địa phương. Sở dĩ có thủ tục này vì ngoài bản án 6 năm tù giam, ông Ánh bị tuyên 5 năm quản chế sau khi mãn hạn tù.
Kỹ sư thuỷ sản Nguyễn Ngọc Ánh là một trong những tiếng nói mạnh mẽ chống chế độc độc tài cộng sản. Ông bị bắt ngày 30/8/2018 sau khi tham gia cuộc biểu tình chống Dự luật Đặc khu và luật An ninh mạng.
Tại phiên tòa ngày 6/6/2019, ông Ánh giữ thái độ bình tĩnh, khảng khái và khẳng định mình không làm gì sai mà chỉ thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của một người dân Việt Nam yêu nước.
Sau sáu năm tù, sức khỏe ông Nguyễn Ngọc Ánh có nhiều giảm sút, mắt kém, thính giác kém và không thể nói lớn.
Nhiều cơ quan nhân quyền quốc tế lên tiếng bênh vực ông Nguyễn Ngọc Ánh,
trong đó có Nhóm Công tác về bắt giữ tuỳ tiện (WGAD của Liên Hiệp quốc đã ra
văn bản nói rằng việc Hà Nội bắt giam và xét xử nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh
là “độc đoán,” vi phạm các công ước quốc tế về nhân quyền mà Hà Nội đã ký
kết và phê chuẩn.
2. LAI CHÂU: PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG BỊ BẮT VÌ NHẬN HỐI LỘ
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lai Châu hôm 29/8 vừa ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Trọng Thức, phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lai Châu về hành vi “nhận hối lộ”. Tuy vậy, cơ quan này không cho biết ông Thức đã nhận hối lộ của đơn vị nào, với số tiền bao nhiêu.
Trước đó, ngày 12/8, công an đã tiến hành bắt giữ các ông Vũ Văn Hinh - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp; Nguyễn Thanh Nghị, chuyên viên Phòng Quản lý công nghiệp Sở Công Thương Lai Châu về hành vi nhận hối lộ và Trần Văn Huy - kỹ sư thuộc Công ty Cổ phần xây dựng Thành Phát để điều tra về hành vi “đưa hối lộ”.
Việc bắt ông Thức nằm trong vụ án “đưa và nhận hối lộ” xảy ra tại Sở Công
Thương tỉnh Lai Châu liên quan đến những sai phạm tại thủy điện Nậm Cấu (xã Bum
Tở, huyện Mường Tè). Cùng những sai phạm liên quan đến thủy điện Nậm Cấu, đầu
tháng 8, công an Lai Châu đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về quản lý vật
liệu nổ, sử dụng trái phép vật liệu nổ”.
3.HẢI DƯƠNG: BA CỰU LÃNH ĐẠO TỈNH BỊ ĐỀ NGHỊ TRUY TỐ VÌ GÂY THẤT THOÁT 36 TỶ ĐỒNG
Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã hoàn thành bản Kết luận điều tra và chuyển hồ sơ lên Viện kiểm sát đề nghị truy tố đối với mười ba bị can có những sai phạm xảy ra tại một số công đoàn thuộc nhiều địa phương của tỉnh Hải Dương.
Trong đó, ba cựu lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh (LĐLĐ) tỉnh Hải Dương bị truy tố về hai tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Những người này gồm, ông Mai Xuân Anh, nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch LĐLĐ tỉnh; Phạm Thị Thuỳ Linh, nguyên Trưởng Ban Tài chính LĐLĐ tỉnh và Nguyễn Văn Nam, nguyên Chủ tịch công đoàn ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra LĐLĐ tỉnh.
Các hành vi phạm tội của ba cựu quan chức nêu trên được xác định kéo dài từ
năm 2017 đến tháng 4/2022, gây thất thoát 36 tỷ đồng. Cụ thể, ông Mai Xuân Anh
gây thất thoát cho LĐLĐ (Liên Đoàn Lao Động) tỉnh Hải Dương hơn 16 tỷ đồng;
Linh và Nam gây thất thoát cho LĐLĐ tỉnh Hải Dương hơn 20 tỷ đồng.
4.CÁC ĐẢO QUỐC THÁI BÌNH DƯƠNG TỪ CHỐI CẮT ĐỨT QUAN HỆ VỚI ĐÀI LOAN
(Theo RFI)
Trong ngày cuối cùng của thượng đỉnh Diễn đàn thường niên các đảo quốc Thái Bình Dương tại Tonga, 30/08/2024, lãnh đạo 18 nước đã bác bỏ lời kêu gọi từ một số đồng minh của Bắc Kinh, đề nghị cắt đứt quan hệ với Đài Loan.
Quần đảo Salomon, đồng minh lớn nhất của Trung cộng tại khu vực này, đã gây áp lực, kêu gọi các nước thành viên của Diễn đàn loại bỏ « quy chế đối tác phát triển » đối với Đài Loan, khẳng định Đài Loan không phải là một quốc gia có chủ quyền và các nước thành viên « nên tuân thủ luật pháp quốc tế ». Trong khi đó, một số quốc đảo như Tuvalu, Palau hay Quần đảo Marshall, một trong những nước hiếm hoi trên thế giới, vẫn công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập.
Đại sứ Trung Cộng Trần Ba (Qian Bo) tại Thái Bình Dương đã mạnh mẽ chỉ trích thông cáo của Diễn đàn, cho rằng đó là một « sai lầm » khi bác bỏ đề nghị của Salomon, và khẳng định rằng 15 trong số 18 đảo quốc ủng hộ « nguyên tắc một Trung Hoa ». Bắc Kinh cũng phê phán cách sử dụng ngôn ngữ trong thông cáo khi đề cập đến cả Đài Loan và Trung Quốc, như là hai nước riêng biệt.
Thượng đỉnh Diễn đàn thường niên các quốc đảo Thái Bình Dương, khai mạc
ngày 26 và kết thúc hôm nay 30/08/2024, các quốc gia thành viên đã thông qua
một thỏa thuận hợp tác lực lượng cảnh sát - Pacific Policing Initiative (PPI), chủ yếu do Úc tài trợ 400 Mỹ kim, nhằm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc tại
khu vực này.
No comments:
Post a Comment