Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Bảo Trân & Thiên An trình bày sau đây.
1/ HỒNG KÔNG TRỤC XUẤT 22 NGƯỜI VIỆT NHẬP CẢNH TRÁI PHÉP
Vào hôm qua 21/8, sở di trú Hồng Kông đã hồi hương 22 người
Việt nhập cảnh bất hợp pháp về Việt Nam, theo thông cáo của nhà cầm quyền Hồng
Kông.
Thông cáo cho biết những người bị tống xuất khỏi hòn đảo
của Trung Cộng gồm 9 người đàn ông và 13 phụ nữ. Tất cả những người này đều nộp
đơn xin được áp dụng điều khoản “không trả lại” theo luật quốc tế về tỵ nạn,
nhưng bị từ chối vì không có đủ căn cứ.
Trong số 22 người đó, có những phạm nhân đã mãn án là người
từng phạm tội hình sự và bị kết án tù. Theo chính sách trục xuất đã được cập
nhật và có hiệu lực từ năm 2022, sở di trú Hồng Kông có thể tiến hành tống xuất
người nộp đơn có hồ sơ đã bị bác đơn.
Trong những năm qua, Hồng Kông đã nhiều lần tống xuất người
Việt nhập cảnh bất hợp pháp, gồm 40 người vào tháng 11 năm 2021, 68 người và 83
người lần lượt trong các tháng Giêng và tháng 12 năm 2018. Ngoài ra, vào tháng
4 năm 2019, Hồng Kông đã phạt tù 13 người Việt làm việc bất hợp pháp tại hòn
đảo này.
Báo chí lề đảng Việt Nam trong nhiều năm qua đã đăng các
bài cảnh báo mọi người cần đề phòng những kẻ lừa đảo hứa hẹn đưa sang Hồng Kông
tìm việc làm được trả lương cao mà kết quả thực tế hoàn toàn trái ngược.
2/ HOA KỲ MỞ CUỘC ĐIỀU TRA BÁN PHÁ GIÁ VỚI 3 SẢN PHẨM VN
Bộ thương mại Hoa Kỳ vào ngày 14/8 đã thông báo là bộ này mở
cuộc rà soát hành chính đối với ba mặt hàng xuất cảng của Việt Nam bị cáo buộc
phá giá và có trợ cấp khi xuất vào thị trường Mỹ.
Các mặt hàng bị điều tra gồm có đinh thép, ống thép chịu
lực và lốp xe tải hạng nhẹ. Thời kỳ rà soát cho các sản phẩm này là trong các
giai đoạn khác nhau trong khoảng thời gian từ năm ngoái.
Theo quy định pháp luật của Hoa Kỳ, trong vòng 35 ngày kể
từ ngày đăng thông báo khởi xướng rà soát, bộ thương mại Hoa Kỳ sẽ tiến hành
lựa chọn các doanh nghiệp bị bắt buộc trong các vụ việc dựa trên lượng xuất cảng
của họ.
Các sản phẩm của Việt Nam vào Mỹ trong các năm qua liên tục
bị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, trong lúc Mỹ là thị trường xuất
cảng lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất cảng của Việt Nam vào Mỹ trong năm
2023 đã đạt 97 tỷ Mỹ kim.
Để tránh các tác động tiêu cực trong các vụ kiện chống bán
phá giá và trợ cấp, Việt Nam thời gian qua cũng tích cực đề nghị Mỹ công nhận
Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, vào ngày 2/8 vừa qua, bộ thương
mại Hoa Kỳ đã quyết định xếp kinh tế Việt Nam vào dạng phi thị trường. Điều này
có nghĩa là phương pháp được xử dụng để tính toán mức thuế chống bán phá giá
đối với hàng nhập cảng của Việt Nam vào Mỹ vẫn như cũ.
3/ HƠN 30 NGÀN TIỆM QUÁN ĂN UỐNG
PHẢI ĐÓNG CỬA TRONG 6 THÁNG QUA
Ngành kinh doanh ẩm thực đang đối mặt với nhiều khó khăn
khi trong vòng nửa đầu năm 2024 đã có hơn 30 ngàn tiệm quán phải đóng
cửa.
Đây là số liệu do công ty iPOS đưa ra tại hội nghị diễn ra
hôm qua 21/8. Theo báo cáo này, tính đến cuối tháng 6 năm nay, Việt Nam có
khoảng hơn 304 ngàn cửa hàng kinh doanh ăn uống, giảm gần 4% so với số liệu từ
năm 2023.
Trong số đó có ít nhất 30 ngàn cửa hàng trên toàn quốc đã
đóng cửa trong khi số lượng mở mới bị hạn chế. Thành phố Sài Gòn là khu vực
chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với số lượng cửa hàng bị giảm gần 6%.
Tổng giám đốc iPOS Vũ Thanh Hùng cho rằng con số hơn 30
ngàn cửa hàng đóng cửa trong thời gian vừa qua chứng minh mức độ cạnh tranh
khốc liệt của thị trường. Sự tăng trưởng chi tiêu của thực khách không đuổi kịp
được tăng trưởng nóng cửa hàng sau đại dịch COVID-19. Thêm nữa, số lượng cửa
hàng với tuổi thọ ngắn là dưới ba tháng hoạt động đang xuất hiện nhiều hơn tại
các thành phố lớn.
Bên cạnh đó, theo khảo sát, người tiêu dùng cũng giảm tần
suất đi uống cà phê do áp lực công việc tăng cao. Chỉ có 42% người được hỏi cho
biết là thỉnh thoảng đi quán nước. Lý do là những người tham gia khảo sát cho
rằng họ đang phải làm việc với cường độ lớn hơn vì khó khăn của nền kinh tế.
4/ MOSCOW BỊ TẤN CÔNG BẰNG DRONE
VỚI QUY MÔ TO LỚN
Theo thông báo vào hôm qua 21/8, thủ
đô Moscow đã là mục tiêu của một trong những cuộc tấn công bằng drone của
Ukraine quy mô lớn nhất trong lịch sử.
Nguồn tin từ bộ quốc phòng Nga cho biết là trong đêm qua 11
drone đã bị bắn hạ trên vùng trời thủ đô Moscow và vùng phụ cận. Theo đô trưởng
Moscow, vì bị bắn hạ nên các drone của Ukraine đã không gây thương vong cũng
như thiệt hại vật chất.
Nằm cách biên giới Ukraine hơn 500 cây số, Moscow và vùng
phụ cận đã từng bị tấn công bằng máy bay không người lái. Vào mùa hè năm ngoái,
các drone đã bị bắn chặn trên không phận thủ đô. Vào tháng 5 vừa qua, hai drone
cũng đã bị phá hủy trước khi bay đến mục tiêu.
Cuộc tấn công bằng drone nói trên diễn ra trong bối cảnh
Nga đã phải đối đầu với một chiến dịch tấn công chưa từng có của quân Ukraine
vào vùng Kursk từ ngày 6/8. Trong khi đó, quân Nga được trang bị tốt hơn và có
quân số đông hơn đối phương, tiếp tục đà tiến ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine.
Vào hôm qua, quân Nga thông báo đã chiếm được thành phố New
York ở vùng này. Đây là một trong những trung tâm hậu cần quan trọng của quân
Ukraine. Thành phố này mang tên New York cho đến năm 1951, khi nhà cầm quyền
Liên Xô buộc đổi tên. Chỉ đến năm 2021, thành phố này mới lấy lại tên cũ là New
York.
Cũng vào hôm qua, lần đầu tiên kể từ năm 2011, Tổng thống
Nga Vladimir Putin đã đến Chechnya, nước cộng hòa thuộc Nga ở vùng Kavkaz, mà
lãnh đạo là ông Ramzan Kadyrov, một đồng minh của điện Kremlin. Để chống trả
cuộc tấn công của quân Ukraine vào vùng Kursk, lực lượng Chechnya đã được triển
khai tại vùng này để hỗ trợ quân Nga.
No comments:
Post a Comment