Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân và Miên Dương trình bày sau đây.
1/ VỢ TNLT BÙI VĂN THUẬN KÊU CỨU VÌ BỊ NGƯỜI LẠ SÁCH NHIỄU
Bà Trịnh Thị Nhung, vợ của tù nhân lương tâm
Bùi Văn Thuận, đã làm đơn kêu cứu khi bị người lạ sách nhiễu và đe dọa, nhưng
nhà cầm quyền thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tuyên bố là không có căn cứ để
giải quyết.
Bà Nhung cho biết trong thời gian gần đây có nhiều lần
người lạ mặt đến nhà ở phường Mai Lâm để sách nhiễu trong khi chồng bà bị bắt
giữ với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” từ tháng 8 năm ngoái và đang chờ
ra toà sơ thẩm.
Lần gần đây nhất là vào chiều ngày 20/10, một thanh niên
cao to mặt bịt khẩu trang kín mít đi xe hơi đến hỏi mua mật ong nhưng sau đó
xúc phạm bà. Sau khi bị bà từ chối bán hàng vì thái độ thô lỗ và không đàng
hoàng, người này quay ra chất vấn bà về khả năng kiếm tiền nuôi con.
Cuối cùng người này đe doạ bà, nói bà lấy chồng ở tỉnh Hòa
Bình thì về quê chồng mà sinh sống. Qua bảng số xe, bà Nhung nhận thấy chiếc xe
của người này cũng chính là chiếc xe mà một thanh niên đã đến nhà bà vào một
đêm khuya 2 tháng trước đây và gọi cửa để mua mật ong. Khi đó, người thanh niên
có ý định xông vào nhà bà lúc chỉ có bà với con gái nhỏ.
Bà Nhung làm đơn tường trình hai lần bị quấy rối cùng cuốn
phim ghi lại cảnh người đàn ông cùng chiếc xe lên công an phường Mai Lâm. Bà
cho biết sau khi xem xét tài liệu mà bà cung cấp, công an địa phương nói vụ
việc chưa nghiêm trọng nên chưa hành động gì.
Chồng bà Nhung, ông Bùi Văn Thuận 41 tuổi bị bắt vào cuối
tháng 8 năm ngoái với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước”.
2/ HAI GIÁO DÂN TIN LÀNH BỊ BẮT
VỚI CÁO BUỘC “TRỘM LÚA”
Hai giáo dân Tin Lành ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, vừa bị công an bắt
giữ vào hôm qua 26/10 với cáo buộc “trộm lúa” nhằm ép buộc họ phải bỏ đạo.
Bà Xồng Y Dờ, vợ của ông Vừ Bá Mai ở huyện Kỳ Sơn, cho biết
là gia đình bà theo đạo Tin Lành từ năm ngoái nên bị nhà cầm quyền làm khó dễ,
tịch thu trâu lợn và lấy ruộng của bà cho dân làng vào trồng lúa. Sau đó bắt
chồng bà và người em trai là Xồng Bá Thông với lý do “ăn trộm lúa” vào ngày hôm
qua, thứ Tư 26/10.
Gia đình bà và ông Xồng Bá Thông đều làm đơn gia nhập tổng
hội Tin Lành để được hành đạo một cách hợp pháp nhưng vẫn bị làm khó dễ. Vào
tháng 6 năm 2022, ông Xồng Bá Thông cho biết là vào năm 2017, gia đình ông đã
tự nguyện cải đạo sang Tin Lành. Vì muốn được theo đạo một cách chính thức nên
gia đình đã làm đơn xin gia nhập Hội thánh Tin lành Việt Nam ở miền Bắc, và đã
được chấp thuận vào tháng 4 năm 2022.
Ông Thông cho biết là nhà cầm quyền chỉ nói một câu duy
nhất là ở huyện Kỳ Sơn chưa có ai theo đạo Tin lành, nên việc này là trái pháp
luật và làm mất đoàn kết dân tộc.
3/ BIỂU TÌNH TIẾP DIỄN Ở IRAN SAU
40 NGÀY CÁI CHẾT CỦA MAHSA AMINI
Vào hôm qua, thứ Tư 26/10, đánh dấu 40 ngày sau cái chết của cô Mahsa
Amini, làn sóng biểu tình ở Iran vẫn chưa lắng xuống và tiếp tục dâng cao.
Những cuộc biểu tình mới đã diễn ra trong ngày hôm qua và đặc biệt là từ
5 giờ chiều ở thủ đô Tehran và nhiều thành phố khác, bất chấp sự đàn áp khốc
liệt của chế độ Iran. Tại tỉnh Kurdistan, quê quán của cô Mahsa Amini, các học
đường và đại học đã bị đóng cửa vì các cuộc bạo loạn vào tuần trước. Lý do mà
bạo quyền Iran nêu ra là do dịch cúm lây lan.
Tuy nhiên các cuộc biểu tình vẫn diễn ra sôi nổi ở các đại học và trung
học trên toàn quốc. Cầm đầu phong trào biểu tình là các phụ nữ cởi bỏ khăn trùm
đầu rồi tuần hành theo từng nhóm nhỏ trên đường phố, kể cả trước mặt cảnh sát.
Các nữ sinh trung học quăng bỏ khăn trùm đầu rồi hò hét phản đối việc
mang khăn theo luật Hồi giáo, đồng thời hô to các khẩu hiệu chống lại giới lãnh
đạo và các thành viên dân quân Hồi giáo. Nhà cầm quyền Iran cố dìm làn sóng
phản đối này bằng tuyên bố là những người biểu tình chỉ là một nhóm nhỏ.
4/ DỊCH EBOLA BỘC PHÁT Ở UGANDA: 109 CA NHIỄM VỚI 30 CA TỬ VONG
Trong thông cáo đưa ra vào hôm thứ Tư 26/10,
bộ trưởng y tế Uganda xác nhận là đất nước Phi châu đã ghi nhận hơn 109 ca
nhiễm bệnh Ebola, trong đó có 30 ca tử vong. Trong số các ca nhiễm có 15 người
là nhân viên y tế và 6 người đã thiệt mạng.
Con số ca nhiễm được đưa ra đã tăng cao so
với 35 bệnh nhân được ghi nhận vào ngày 30/9. Điều này cho thấy tình hình dịch
bệnh tại Uganda đang diễn biến hết sức phức tạp. Trước đó, Uganda đã công bố sự
bùng phát của dịch bệnh Ebola vào ngày 20/9 sau khi có ca bệnh đầu tiên.
Vào ngày 1/10 vừa qua, bộ trưởng y tế Jane Aceng đã chia buồn
về việc ngành y tế nước này đã mất đi bác sĩ đầu tiên trong trận chiến chống
lại đại dịch Ebola. Bà cho biết là đất nước này đã mất đi người bác sĩ Mohammed
Ali 37 tuổi, quốc tịch Tanzania. Ông Ali đã nhiễm bệnh vào ngày 26/9 và qua đời
tại bệnh viện ở Fort Portal, một thị trấn cách thủ đô Kampala khoảng 300 cây số
về hướng tây.
Siêu vi Ebola gây nên đợt dịch mà Tổ chức Y tế Thế giới mô
tả là "bùng phát trong chớp mắt"
ở Uganda là chủng Sudan, hiện chưa có vắc xin để phòng ngừa.
5/ THÁI LAN XỬ DỤNG THAN ĐÁ ĐỂ PHÁT ĐIỆN VÌ GIÁ KHÍ ĐỐT QUÁ CAO
Thái Lan sẽ tiếp tục xử dụng than đá để sản
xuất điện lực trong nhiều năm tới sau khi nước này kéo dài thời gian hoạt động
của các nhà máy điện để đối phó với giá khí đốt tăng cao kỷ lục.
Nước này đã tăng cường tìm kiếm các nguồn năng lượng thay
thế, từ than đá đến năng lượng tái tạo để giảm mức nhập cảng khí đốt hóa lỏng
(LNG) trong bối cảnh giá cả khí đốt tăng vọt.
Cần biết là giá khí đốt toàn cầu đã tăng kỷ lục trong năm
nay do Nga cắt giảm nguồn cung cấp cho Âu châu vì cuộc xâm lược Ukraine. Các
nước Á châu đang gánh chịu áp lực rất lớn khi giá khí đốt hóa lỏng đã tăng lên
mức kỷ lục.
Thái Lan là nước
nhập cảng hoàn toàn dầu khí và là nền kinh tế số 2 Đông Nam Á. Vào năm ngoái nước
này đã đáp ứng gần 75% nhu cầu điện trên thị trường. Khoảng 55% sản lượng điện
của Thái Lan được sản xuất bằng khí đốt, trong số đó khoảng 30% là khí đốt hóa
lỏng.
No comments:
Post a Comment