Wednesday, October 19, 2022

Putin giờ tuyệt vọng

Bình Luận

Chế độc độc tài căn cứ trên bạo lực của Putin đang đi vào thoái trào. Sách lược xâm lăng Ukraine hầu đàn áp đối lập trong nước, duy trì ngai vàng và quyền lực của Putin cũng đang hấp hối trong tuyệt vọng.  Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: “Putin giờ tuyệt vọng” sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.

Ngô Nhân Dụng

Vladimir Putin muốn chứng tỏ mình còn mạnh, quân Nga còn mạnh, vũ khí còn nhiều, sẽ chiến thắng ở Ukraine. Nhưng ông hành động như một người đang tuyệt vọng. Trong khi đó, chính phủ Ukraine tính toán lợi hại, khi tiến khi lui, không phí phạm tài nguyên và nhân lực của một nước nhỏ. Vụ phá cây cầu Kerch và phản ứng của ông Putin cho thấy bên nào đang thắng thế.

Cây cầu Kerch nối bán đảo Crimea với nước Nga là một điểm chiến lược. Hầu hết vũ khí quân đội từ Nga tiếp tế cho mặt trận Kherson phía Nam Ukraine được chuyển qua cầu này. Vụ phá cầu không tốn kém bao nhiêu. Chỉ cần làm nổ một chiếc xe tải, đúng lúc mấy toa xe lửa chở bom đạn đi trên đường sắt song hành. Tình báo quân đội Ukraine đã tính toán kỹ, phí tổn không bao nhiêu nhưng hậu quả rất lớn.

Nhưng phản ứng trả đũa của ông Putin thì hoàn toàn vì nóng nảy, không tính toán. Hai ngày sau, ông phóng hơn 100 hỏa tiễn xuống những khu dân cư, công viên, vườn trẻ trong hàng chục thành phố. Mỗi hỏa tiễn lớn trị giá mươi triệu đô la Mỹ. Dùng số vũ khí tốn hàng trăm triệu đến hàng tỷ mỹ kim mà không đánh phá một mục tiêu quân sự nào, chỉ làm chết 26 thường dân. Kết quả, chính phủ Ukraine không sợ hãi, mà ngược lại dân Ukraine càng quyết chiến đấu hơn. Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của tổng thống Volodymyr Zelensky nói với nhà báo The Washington Post: Phản công không ngưng nghỉ, không thỏa hiệp với quân xâm lăng, không hòa đàm trước khi quân Nga rút hết khỏi các vùng đã chiếm, kể cả Crimea.

Ông Putin có vẻ như đang tuyệt vọng, phải dùng đến những vốn liếng cuối cùng của mình; nghề bài bạc gọi là “đánh cạn láng.”

Thứ nhất là nhân sự. Ông Putin ra lệnh động viên một phần, gọi lính trừ bị trở lại quân đội, để tăng thêm 300,000 quân. Trong hai ngày, hàng trăm ngàn thanh niên Nga bỏ chạy qua các nước chung quanh để trốn lính. Một tuần sau, con số lên tới 370,000 người. Phần lớn đó là những thanh niên có học, chuyên viên tin học, có thể sinh sống ở bất cứ nước nào, và họ sẽ không cần tính chuyện trở về Nga nếu không có tự do. Có đám thanh niên con nhà khá giả, đã vượt biển bằng du thuyền, qua Nam Hàn xin tị nạn.

Theo hãng tin của Nga Mediazona, được Reuters thuật lại, quân đội của ông Putin đi bắt lính ở những quán ăn và quán trọ từ thiện, phần lớn là những người lao động từ miền quê lên làm việc trong thành phố.

Nhật báo Daily Mail, kể chuyện nhiều người “vô gia cư” bị bắt lính trong khi đang đứng chờ lãnh thức ăn miễn phí. Cảnh sát đến, nắm cổ áo mấy người đang xếp hàng, kéo ra ngoài, đẩy lên xe buýt, đưa tới trại tuyển mộ, thế là họ được tòng quân! Sau đó, theo tờ báo, có 50 người được thả cho về vì không đủ sức khỏe, trên 45 tuổi, người không giấy tờ thì bị bắt giam.

Sau người đến vũ khí. Gần đây ông Putin đã sử dụng tới những hỏa tiễn, xe tăng và đại pháo thuộc loại cũ chất trong kho từ thời chiến tranh lạnh. Cấm vận kinh tế khiến các cơ xưởng chế tạo vũ khí của chính phủ Nga không thể hoạt động đều đặn vì thiếu chất bán dẫn.

Trong các cuộc tập kích để trả thù vụ phá cầu Kerch, ngay từ sáng sớm ông Putin cho sử dụng tất cả những thứ gì có trong tay, trong đó có hỏa tiễn phòng không S-300 được cải tiến, hoặc Kalibr, loại hỏa tiễn bắn ngang (cruise), hoặc máy bay không người lái kamikaze mua của Iran, đồng loạt tấn công, không cần nhắm vào mục tiêu quân sự nào cả. Nhưng đây lại là một cơ hội cho lực lượng phòng không Ukraine tập luyện. Trung bình, họ bắn phá được một nửa số hỏa tiễn Nga phóng tới.

Phóng hỏa tiễn tàn phá các khu dân cư không làm cho người Ukraine giảm tinh thần chiến đấu. Người ta đã so sánh với những cuộc oanh tạc London của Đức Quốc Xã, thời Thế Chiến thứ hai; hậu quả là dân Anh quyết tâm chiến đấu hơn.

Dân Ukraine có thể nhìn thấy Putin đang lúng túng, chỉ tìm cách phá hoại cho hả giận mà không biết phải làm gì khác. Không những thế, ông Putin còn tạo cơ hội cho chính phủ Ukraine kêu gọi các nước viện trợ thêm vũ khí phòng không. Chính phủ Đức đã gửi ngay một hệ thống phòng không Iris -T đủ để bảo vệ thủ đô Kyiv. Chính phủ Mỹ cũng gửi thêm các giàn phóng hỏa tiễn chống máy bay NASAM. Ông Putin chỉ giúp cho quân đội Ukraine mạnh hơn. Đổi lại, ông có dịp chiếu trên ti vi Nga cảnh đánh phá các thành phố Ukraine; phe “Diều hâu” ở Nga tỏ ra thỏa mãn.

So sánh hai hành động chiến tranh, vụ Ukraine phá cầu Kerch và cuộc không tập vũ bão của Nga, có thể hiểu tại sao Ukraine sẽ thắng và Nga sẽ thất bại. Quân Ukraine nghiên cứu cẩn thận vai trò chiến lược của cây cầu đối với cuộc chiến trong vùng Kherson, rồi quyết định tấn công với những vũ khí ít tốn kém nhất. Mọi việc được thi hành trọn vẹn, hoàn hảo đúng kế hoạch. Ngược lại, Putin dùng những hỏa tiễn tầm xa rất đắt tiền, hoàn toàn chỉ tàn phá mà không đạt được lợi thế quân sự nào; không làm cho đối thủ sợ hãi mà còn khiến họ quyết chiến hơn.

Vụ oanh tạc trả đũa của ông Putin diễn ra vào đầu tuần lễ, đến cuối tuần thì bộ trưởng quốc phòng các nước trong khối NATO họp ở Brusselles, có thêm vài chục nước khác được tham dự. Tất cả đều hứa hẹn sẽ viện trợ thêm vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là hệ thống phòng không.

Ông Vladimir Putin hiểu lầm dân tộc Ukraine ngay từ trước khi mở cuộc xâm lăng. Sau gần 8 tháng ông vẫn không hiểu gì hơn, những sai lầm chồng chất lên nhau. Ông đang bị đẩy vào chân tường, cuối cùng sẽ thất bại.

 

No comments:

Post a Comment