Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Miên Dương trình bày sau đây.
1/ TNLT NGUYỄN NGỌC ÁNH TUYỆT THỰC TRONG TRẠI TÙ XUÂN LỘC
Tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Ánh, người đang thọ án 6 năm tù với cáo
buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước”, cho biết là ông đang tuyệt thực trong
nhà tù Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, nhằm yêu cầu cải thiện điều kiện giam giữ.
Bà Nguyễn Thị Châu, vợ ông Ánh, cho biết bà nhận được cuộc
điện thoại từ chồng mình báo tin vào ngày 18/10. Trước đó vào ngày 10/10, bà
Châu gặp được ông Ánh và cho biết là chồng bà đã viết đơn xin chuyển phòng từ
nhiều tháng trước nhưng đám cai tù không chấp nhận.
Bà Châu cho biết là ông Ánh đã tuyệt thực từ ngày 17/10 cho
tới khi nào đám cai tù chấp nhận lời yêu cầu đổi phòng cho ông. Được biết là
căn phòng hiện tại vô cùng ẩm ướt, người ở cùng phòng cũng mang án chính trị và
buổi tối ông này mắc bệnh mộng du đá ông Ánh và làm ầm ĩ suốt đêm. Phòng giam
này chỉ có diện tích 4 thước vuông và buổi tối bị cúp điện.
Bà Châu cũng được ông Ánh cho biết là mặc dù trại giam còn
một dãy phòng mới xây, rộng và sạch sẽ hơn, nhưng lại để trống. Thay vào đó
phía trại giam xử dụng dãy phòng giam cũ chật hẹp, ẩm ướt ngay sườn núi để giam
các tù nhân.
Cần biết là vào năm 2019, kỹ sư thủy sản Nguyễn Ngọc Ánh 42
tuổi, bị tòa án tỉnh Bến Tre kết án 6 năm tù giam. Tuy nhiên theo tố chức Giám
sát Nhân quyền, các bài viết của ông Ánh phản án tình trạng thiếu tự do trong
việc bầu cử hay các quan ngại về điều kiện sinh sống của các tù nhân lương tâm.
2/ VĂN BÚT HOA KỲ LÊN ÁN VIỆC
CHUYỂN TẠI TÙ CỦA PHẠM ĐOAN TRANG
Hai tổ chức nhân quyền của Mỹ là Ủy ban Bảo vệ Ký giả và
Văn bút Hoa Kỳ vừa lên án việc nhà báo Phạm Đoan Trang bị thuyên chuyển đến
trại giam xa xôi, cách quê nhà hơn 1500 cây số, đồng thời cáo buộc đây là hành
động trả đũa của bạo quyền VN.
Gia đình bà Đoan Trang 44 tuổi vào đầu tháng này cho biết
là bà bị chuyển từ nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội đến trại giam An Phước, tỉnh Bình
Dương, cách Hà Nội hơn 1500 cây số.
Trong tuyên bố của Ủy ban Bảo vệ Ký giả, ông Shawn Crispin,
giám đốc chi nhánh Á châu, lên án gay gắt việc chuyển nhà báo Phạm Đoan Trang
đến một nhà tù cách xa gia đình cả ngàn cây số. Riêng Văn bút Hoa Kỳ cũng “lên
án việc chuyển nhà văn và nhà báo Phạm Đoan Trang tới cơ sở giam giữ xa xôi” và
gọi đây là “hành động trả đũa” cho việc thực thi quyền tự do ngôn luận của bà
Đoan Trang.
Cần biết là trại giam An Phước cũng là nơi nhà báo Nguyễn
Tường Thụy và ông Trần Hoàng Phúc đang bị giam giữ. Việc chuyển các tù nhân
chính trị tới các nhà tù xa xôi thường được xem là một hình thức “trừng trị bổ
sung”. Vào tháng trước, hai nhà hoạt động cho quyền đất đai, Trịnh Bá Phương và
Nguyễn Thị Tâm, cũng đã bị chuyển đến các trại giam xa gia đình, lần lượt là An
Điềm ở Quảng Nam cách Hà Nội 800 cây số và Gia Trung ở Gia Lai cách Hà Nội gần
1200 cây số.
3) TẤT THÀNH CANG VÀ ĐỒNG BỌN BỊ PHẠT TÙ
Sau hơn một tuần xét xử và nghị án, ngày 19/10/2022,
tòa án CS tại Sài Gòn đã tuyên 6 năm tù giam đối với Tất Thành Cang, cựu Phó Bí
thư Thành ủy Thành Hồ với tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản
gây thất thoát lãng phí” theo khoản 3 Điều 219 BLHS. Như vậy, tổng hợp hai hình
phạt mà Tất Thành Cang bị tuyên là 14 năm 6 tháng tù giam.
Trước đó, ông Cang bị VKS đề nghị mức án từ 8 đến 10
năm tù giam. Cũng cơ quan tố tụng này
sau đó, nói ông Cang đã “hết sức thành khẩn” tại tòa.
Tất Thành Cang, một trong những trùm tham nhũng tại
thành Hồ, bị bắt ngày 16/12/2020 trong chiến dịch “đốt lò” của Nguyễn Phú Trọng.
Ngoài Tất Thành Cang, có 9 đồng phạm khác bị phạt tù. Trước đó, Hội đồng xét xử
xác định số tiền thất thoát mà Cang và 9 đồng phạm gây ra sau khi bán rẻ hai dự
án là 735 tỉ đồng. Sau đó, HĐXX xác định lại số tiền thất thoát của vụ án là
207,4 tỉ đồng.
Tất Thành Cang được giảm nhẹ hình phạt tù do thành khẩn
khai báo, xin lỗi Tổng bí thư, nộp lại một phần số tiền tham nhũng và được đánh
giá là “đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ đảng giao trong thời kỳ đương chức”.
4/ HÀNG LOẠT QUAN CHỨC CAO CẤP VN BỊ BẮT GIAM
Vào ngày 18/10 vừa qua, hai tay cựu bí thư và
cựu chủ tịch tỉnh Đồng Nai đã bị bắt giam về tội nhận hối lộ trong vụ án đấu
thầu mua thuốc của bệnh viện Đồng Nai.
Đây là vụ án liên quan đến công ty Tiến bộ
Quốc tế (AIC) của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người đã đào thoát ra nước ngoài.
Theo báo chí lề đảng, việc bắt giữ hai quan chức nói trên là diễn biến mới nhất
trong vụ án này vào năm 2013 và 2015. Tại thời điểm đó, ông Đinh Quốc Thái giữ
chức chủ tịch tỉnh và ông Trần Đình Thành nắm ghế bí thư tỉnh Đồng Nai.
Tại Bắc Giang vào hôm qua, công an tỉnh này
đã quyết định bắt giam ông Vi Đức Ninh, viện trưởng viện kiểm sát huyện Lục
Ngạn, về tội nhận hối lộ một tỷ đồng trong một vụ án ma túy. Cùng bị bắt với
ông Ninh là một điều tra viên của bộ công an với cáo buộc “môi giới hối lộ”.
Tại tỉnh Phú Yên thì ông Nguyễn Chí Hiến, cựu
phó chủ tịch tỉnh này, đã bị tuyên án 6 năm tù về tội lạm dụng chức vụ, quyền
hạn, gây thất thoát cho công quỹ. Cùng bị tuyên án với ông Hiến, còn có 3 quan
chức khác lãnh án từ 3 đến 5 năm tù.
5/ “NGƯỜI HÙNG BẮC KINH” BỊ CÔNG AN MANG ĐI BIỆT
TÍCH
Vào hôm 13/10, một
người đàn ông đã treo hai biểu ngữ ở Bắc Kinh, nội dung phản đối việc phong tỏa
chống dịch Vũ Hán và đặc biệt là kêu gọi lật đổ chủ tịch Tập Cận Bình, đã bị bắt
giữ và mang đi biệt tích.
Các tầm biểu ngữ
này được treo trên cầu Tứ Thông và được dư luận khen ngợi là “người hùng Bắc
Kinh” ngay sau khi được loan tải trên mạng. Về mặt chính thức, vụ này không hề
xảy ra, tương tự như 33 năm trước, anh Bành Lập Phát, người chận xe tăng ở quảng
trường Thiên An Môn, đã biến mất kể từ khi bị bắt.
Các trương mục
WeChat đang bị đóng hàng loạt vì bức hình hy hữu nói trên. Một ngành nghề mới
cũng đã xuất hiện, đó là nghề bảo vệ cầu. Lực lượng công an xuất hiện dày đặc ở
khu vực này, cộng thêm với đội quân chân đất. Mỗi tháng những người này nhận được
từ 450 đến 700 Mỹ kim để canh gác ở các cây cầu.
6/ NGA DI TẢN 60 NGÀN DÂN Ở
KHERSON VÌ UKRAINE TẤN CÔNG Ồ ẠT
Trong vòng 6 ngày tới đây, Nga dự trù di tản
khoảng 60 ngàn người dân ở tỉnh Kherson vì cho rắng Ukraine sắp tấn công vào
đây.
Ông Vladimir Saldo, người cầm đầu Kherson do Nga bổ nhiệm,
vào hôm qua cho biết địa phương này sẽ di tản khoảng 60 ngàn dân đến Nga, và
đến tả ngạn sông Dnipro. Quá trình di tản dự trù kéo dài đến 6 ngày. Ông Saldo
cho biết việc di tản là cần thiết bởi một số khu vực của Kherson ở miền nam có
thể bị ngập sâu hơn 1 thước nước nếu đập thủy điện Kakhoskaya bị phá hủy. Tuy
không trưng ra chứng cớ, nhưng ông Saldo cáo buộc quân Ukraine đang có kế hoạch
này.
Trước đó, tổng chỉ huy cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine, tướng
Sergey Surovikin, cũng cảnh báo Ukraine sắp tấn công ồ ạt bằng phi đạn và đại pháo
vào Kherson. Tướng Surovikin mô tả tình hình khá căng thẳng ở Kherson và ông
phải đưa ra "những quyết định khó khăn".
Cần biết là Ukraine đang phản công mạnh ở Kherson, đặc biệt
sau khi Nga tuyên bố sát nhập tỉnh này dựa vào kết quả trưng cầu dân ý còn gây
nhiều tranh cãi. Giới chức Ukraine cho biết quân đội của họ đã giành lại hơn một
ngàn cây số lãnh thổ ở Kherson, kể cả những vùng đã trưng cầu dân ý sát nhập
vào Nga. Lực lượng Nga ở Kherson đã phải rút lui khoảng 30 cây số trong vài
tuần trở lại đây và có nguy cơ bị dồn vào bờ tây sông Dnipro.
No comments:
Post a Comment