Mở đầu chương trình, Vân Hà & Nguyên Khải mời quý thính giả theo dõi chi tiết các tin hôm nay.
1/ DÂN BIỂU MỸ YÊU CẦU ĐÀI LOAN TRỢ GIÚP VỀ THẢM HỌA FORMOSA
Bảy dân biểu Hoa Kỳ vừa gửi thư cho giới lãnh đạo Đài Loan, nội dung yêu
cầu quan tâm và hỗ trợ những nạn nhân VN trong thảm họa Formosa Hà Tĩnh gây ra
vào năm 2016, với hàng loạt cá chết ở ven biển 4 tỉnh miền trung.
Nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh là công ty con của tập đoàn Formosa
Plastics Đài Loan.
Lá thư của 7 dân biểu nói trên, đề ngày 27/10, được gửi đến bộ kinh tế,
ngoại giao và ủy ban nhân quyền Đài Loan. Nội dung kêu gọi sự quan tâm đối với
những nạn nhân đang đi tìm công lý tại các cấp tòa án ở Đài Loan. Thư nhắc đến
việc là nhà máy Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận trách nhiệm và chuyển 500 triệu Mỹ
kim làm tiền bồi thường cho nhà nước VN, nhưng suốt 6 năm qua, nhiều nạn nhân
và gia đình vẫn chưa nhận được bồi thường thỏa đáng.
Vào tháng 6/2019, gần 8 ngàn nạn nhân tiếp tục khởi kiện
Formosa tại tòa án Đài Loan. Một khó khăn là hệ thống tư pháp Đài Loan đòi họ
phải có giấy “ủy quyền” để nộp lên tòa án Đài Loan. Giấy ủy quyền này phải được
phía công an và ngoại giao Việt Nam chứng thực. Do thực tế từ phía bạo quyền Việt
Nam, các vị dân biểu Hoa Kỳ kêu gọi phía tư pháp Đài Loan miễn trừ yêu cầu
chứng thực vào giấy ủy quyền.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/us-congress-member-taiwan-formosa-victims-10302022102608.html
2/ BỘ CÔNG AN VN NÓI VỀ BỊ CAN ĐỘT TỬ TRONG VỤ
ÁN TRƯƠNG MỸ LAN
Lần đầu tiên bộ công an VN đề cập tới việc có “bị can và
một số người liên quan” đã qua đời, liên quan đến vụ án Trương Mỹ Lan, mà họ mô
tả là “đột tử” nhưng không giải thích nguyên nhân tử vong và danh tính của
những người này.
Trung tướng công an Tô Ân Xô mô tả vụ án
vụ án xảy ra tại công ty cổ phần An Đông mà bị can là bà Trương Mỹ Lan cùng
đồng phạm là vụ án “rất khó đối với lực lượng thực thi pháp luật”. Theo lời ông
Xô, trong tiến trình tố tụng có bị can và một số người liên quan qua đời do đột
tử, vì thế sẽ gây thêm khó khăn cho tiến trình điều tra.
Vào ngày 8/10, bộ công an cho biết đã ra
quyết định khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại công
ty An Đông, đồng thời bắt tạm giam bốn
bị can trong đó có bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Một trong ba bị can bị bắt giam còn lại
có bà Nguyễn Phương Hồng 38 tuổi. Vào tối ngày 10/10, các tờ báo lề đảng rầm rộ
loan tin về cái chết của bà Phương Hồng nhưng không nói rõ nguyên nhân hoặc địa
điểm bà qua đời. Nhưng vài giờ sau các báo này đồng loạt xóa tin về cái chết
của bà Hồng.
Trước đó vào ngày 7/10, tờ báo Tuổi Trẻ loan
tin ông Nguyễn Tiến Thành, chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty Chứng khoán Tân
Việt, thành viên độc lập tại ngân hàng SCB "vừa qua đời do đột quỵ". Ông
này là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng, phó giám đốc tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Mạng xã hội vào ngày 15/10 đăng cáo phó
của ông Nguyễn Ngọc Dương, giám đốc công ty Sài Gòn Penninsula, và là cựu tổng
giám đốc công ty Vạn Phát Hưng, được cho là có liên quan tới tập đoàn Vạn Thịnh
Phát. Một người đại diện của nhà tang lễ Vãng Sanh Đường, chùa Vĩnh Nghiêm,
quận 3 Sài Gòn, xác nhận là đám tang ông Nguyễn Ngọc Dương đã được tổ chức tại
đây vào ngày 17/10.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-63448268
3/ ÍT NHẤT 153 NGƯỜI CHẾT TRONG
VỤ GIẪM ĐẠP Ở NAM HÀN
Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol vào hôm qua tuyên bố sẽ tổ chức quốc
táng cho ít nhất 153 người, trong đó có một công dân VN, bị thiệt mạng trong
thảm kịch giẫm đạp tại lễ hội Halloween ở thủ đô Seoul vào cuối tuần qua.
Thảm kịch này xảy ra khi đám đông ùa vào một con hẻm chật hẹp tại khu phố
đêm ở Itaewon ở thủ đô Seoul. Tính đến chiều tồi ngày Chủ nhật 30/10, giới chức
trách xác nhận có ít nhất 25 người ngoại quốc thiệt mạng trong tổng số nạn nhân
nói trên. Ngoài ra còn có một số công dân Việt bị thương nhẹ và đã được xuất
viện.
Hầu hết người chết là thanh thiếu niên ở
độ tuổi 20. Ít nhất 82 người khác bị thương trong thảm kịch khi Itaewon tổ chức
lễ hội Halloween lần đầu tiên không cần yêu cầu đeo khẩu trang kể từ đại dịch
Covid.
Sau khi mở cuộc họp khẩn, Tổng thống Nam Hàn
Yoon Suk-yeol đã ban bố một lực lượng đặc nhiệm để giúp điều trị cho những
người bị thương. Ông cũng ban bố một cuộc điều tra về nguyên nhân vụ giẫm đạp. Với
con số ít nhất 153 người thiệt mạng, đây là thảm họa chết chóc nhất tại Nam Hàn
kể từ năm 2014 khi xảy ra vụ chìm phà Sewol khiến hơn 300 người chết.
Itaewon là một trong những khu phố đêm
nổi tiếng tại Seoul. Người dân địa phương và người nước ngoài thường đổ xô đến
đây vào cuối tuần, nhưng Halloween là một trong những đêm đông đúc nhất trong
năm. Ước tính 100 ngàn người đã đến đây
vào ngày thứ Bảy 29/10 để ăn mừng lễ hội Halloween đầu tiên kể từ khi đại dịch
Covid.
Một số lãnh đạo thế giới đã gửi lời chia
buồn. Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng chia xẻ
mất mát với người dân Nam Hàn.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c90gj17wezvo
4/
SẬP CẦU TREO Ở ẤN ĐỘ, ÍT NHẤT LÀ 60 NGƯỜI CHẾT
Ít nhất là 60 người đã thiệt mạng sau khi
một cây cầu treo bị sập ở tiểu bang Gujarat ở miền tây Ân Độ vào hôm thứ Bảy
29/10 vừa qua.
Hàng trăm người khác đã bị rớt xuống sông
Macchu ở thị trấn Morbi. Hình ảnh ghi được ở địa phương cho thấy những người
sống sót bị treo trên cây cầu đã bị ngập một phần xuống nước. Vào thời điểm đó
có hơn 400 người trên cầu, với các nỗ lực cứu cấp vẫn diễn ra trong đêm tối.
Thảm kịch xảy ra chỉ vài ngày sau khi cây
cầu được mở cửa trở lại, sau thời gian sửa chữa. Đây là cây cầu dài 230 thước,
được xây dựng từ thời nước Anh cai trị Ấn Độ vào thế kỷ 19. Cây cầu treo, được người dân địa phương gọi
là cầu Julto Pool, là một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng trong khu vực.
Lực lượng ứng cứu khẩn cấp từ các huyện
lân cận đã được cử đến hiện trường để hỗ trợ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi,
người đang ở quê nhà Gujarat trong chuyến thăm ba ngày, cho biết ông "vô
cùng đau buồn trước thảm kịch".
Ông Modi tuyên bố sẽ bồi thường cho những
người bị thương và thân nhân của những người thiệt mạng.
No comments:
Post a Comment