Sunday, October 16, 2022

Thời gian tại vị của lãnh đạo đảng CSVN

Nói Với Người Cộng Sản

Tiếp theo đây, mời quí thính giả theo dõi chuyên mục ”Nói Với Người Cộng Sản”. Đây là diễn đàn để trình bày với các đảng viên đảng csVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. ”Nói Với Người Cộng Sản” do Tiến Văn biên soạn qua sự trình bày của Hoàng Ân.

Tiến Văn

Thưa quí vị đảng viên lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,

Vào cuối những năm 1980, đảng Hồ-Tàu đã phải miễn cưỡng chấp nhận các thay đổi theo chiều hướng tiến bộ. Sự miễn cưỡng tiến bộ này, chúng ta phải khẳng định thêm một lần nữa, là xuất phát từ những mối lo trước hết cho quyền lợi và mạng sống của bọn chóp bu trong đảng. Một trong những tiến bộ đó là việc tạo ra qui định và tập quán nội bộ về thời gian tại vị có hạn cho các vị trí chóp bu. Giả dụ, từ Nguyễn Văn Linh trở đi, các tổng bí thư chỉ được tối đa giữ hai nhiệm kì. Thậm chí, Lê Khả Phiêu còn làm chưa hết một nhiệm kì đã phải nhường chỗ cho Nông Đức Mạnh.

Tuy đảng Hồ-Tàu vẫn giữ nguyên bản chất độc đoán, độc tài, chúng ta cũng phải thừa nhận sự giới hạn thời gian cầm quyền của chức tổng bí thư là một tiến bộ đáng hoan nghênh. Bởi dù sao, sự thay đổi này cũng tạo ra một tâm thức mới cho nội bộ của đảng Hồ-Tàu theo xu hướng bớt đi tính chất bảo thủ, ù lì, già cỗi, ngoan cố của những kẻ cầm quyền suốt đời. Sự giới hạn nhiệm kì này cũng tạo ra một động lực mới cho sự cạnh tranh công khai cần thiết ngay trong nội bộ của đảng Hồ-Tàu, vì ai cũng biết trước chỉ sau một số năm đã định là phải có sự thay đổi lãnh đạo, thay đổi nhân sự. Không ai được trụ mãi trên một chiếc ghế, dù là ghế to nhất. Những tâm thức và động lực tiến bộ này, dù rất sơ khai và nhỏ bé, là trùng với xu hướng của một nền chính trị đa nguyên-dân chủ.

Song, từ khi Nguyễn Phú Trọng đoạt được ghế tổng bí thư nhiệm kì 2 vào phút cuối trong kì Đại Hội 12 năm 2016, những thay đổi tiến bộ rất sơ khai và nhỏ bé đó của đảng Hồ-Tàu đã bị gạt bỏ, phá nát.

Vậy là, kể từ sau “đổi mới” cách đây hơn 30 năm, Trọng là kẻ đầu tiên vẫn ngồi trên ghế tổng bí thư qua hai nhiệm kì bất chấp những qui định do chính y đã hô hào phải tuân thủ, và bất chấp cả tình trạng sức khỏe ngày càng sa sút của y sau cú tai biến mạch máu não.

Nhìn sang các nền độc tài tương tự khác, và nhìn vào các người bạn đồng minh đàn anh của Trọng, chúng ta cũng thấy diễn ra sự suy đồi, thoái lui, trượt trở lại quá khứ đen tối một cách tương tự.

Tập Cận Bình bên Trung Cộng cũng đã chuẩn bị từ lâu cho việc phá lệ để có thể nắm quyền nhiệm kì 3 trong kì Đại Hội 20 vừa diễn ra của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Putin ở Nga đã thay đổi cả hiến pháp để có thể nắm chức tổng thống suốt đời.

Tới đây, chúng ta có thể cho rằng Trọng đã học theo đường lối của quan thầy Trung Cộng, đã ngoan ngoãn đi theo các bậc đàn anh cùng tư tưởng độc tài. “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.”

Song, chúng ta phải thấy sự phá lệ của Trọng không chỉ phản ảnh đầu óc cầm quyền chư hầu, bản tính rất tham quyền, cố vị của Trọng; sự phá lệ này còn cho thấy sự suy đồi tất yếu của một đảng độc tài chỉ thực hiện các thay đổi cải cách có tính nửa vời nhằm đối phó với khủng hoảng.

Trong ba nền chính trị chúng ta vừa nói, đều có các thay đổi có tính tiến bộ sau cuộc đại khủng hoảng do sự suy sụp của khối cộng sản và các nền kinh tế tuyệt đối tuân thủ đường lối cộng sản. Có thể nói, chính sự đói kém, suy sụp về kinh tế đã buộc Liên Xô, Trung Cộng và Việt Cộng phải thay đổi để cứu lấy quyền lực độc đoán của đảng cộng sản.

Các thay đổi tiến bộ này dù mỗi nước đều có những đặc điểm riêng, nhưng tất cả những thay đổi này, đặc biệt ở Trung Cộng và Việt Cộng, đều có hai đặc điểm chung là :

Một, bọn chóp bu đều xác định “hòa nhập chứ không hòa tan”. Khẩu hiệu này của bọn chúng là nhằm xác định, dù chúng có thực hiện các thay đổi như thế nào thì chúng cũng không chấp nhận mô hình dân chủ đa nguyên. Nói một cách khác, chúng không chịu để nền chính trị có sự cạnh tranh, hợp tác giữa các đảng chính trị khác nhau. Chúng không chấp nhận các thiết chế dân chủ có lợi cho xã hội như báo chí tự do, công đoàn độc lập, hội đoàn độc lập.

Hai, bọn chóp bu luôn bàn bạc và thống nhất với nhau để giữ vững mục tiêu trước hết và cao nhất đảm bảo quyền lực độc tôn của đảng của chúng phải được giữ vững.

Hai đặc điểm này tuy là hai song thực ra chỉ là một. Nghĩa là bọn chúng có thay đổi gì chăng nữa cũng chỉ là để tiếp tục thống trị, kiểm soát xã hội một cách độc đoán để chúng dễ bề trục lợi và hưởng thụ cá nhân bất chấp tương lai đất nước, vận mệnh dân tộc.

Mong muốn phản động và tham vọng bất nhân của bọn chóp bu là thế. Song, chúng có thực hiện được mãi không ?

Chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi trong các kì tới đây về câu hỏi quan trọng này.

 

…cùng Tiến Văn tạm biệt và xin hẹn quí vị, quí bạn trong chương trình tuần sau.

 

16/10/2022

 

No comments:

Post a Comment