Trong chế độ công an trị như CSVN, công an là một siêu thế lực vô đối, vượt ra ngoài vòng kiểm soát của hành pháp cuội, tư pháp cuội, lập pháp cuội và quyền lực của bộ trưởng công an Tô Lâm hầu như không có đối thủ.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Trân Văn với tựa đề: “Ông Tô Lâm lại Thất bại” sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.
Trân Văn
Tuy đã dụng trí và dụng công để khởi tố – tiến hành điều tra vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan nhưng ông Tô Lâm – Đại tướng, Bộ trưởng Công an Việt Nam vẫn thất bại. Thất bại lần này chẳng khác gì những lần trước – các hệ thống lãnh đủ loại hậu quả…
Mục tiêu của vụ án vừa đề cập không đơn thuần là xác định – truy cứu trách nhiệm những cá nhân liên quan đến “lừa đảo chiếm đoạt” 25.000 tỉ thông qua việc An Dong Group phát hành ba đợt trái phiếu hồi tháng 9/2018 và hồi tháng 1/2019 mà còn nhằm duy trì sự ổn định trong hoạt động của hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán vốn đã rơi vào tình trạng hết sức nguy hiểm suốt từ đầu năm nay đến giờ, khiến cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền như ngồi trên lửa.
Cho đến giờ, có một số bằng chứng cho thấy ông Tô Lâm không thể dẫn dắt Bộ Công an đạt được cả hai mục tiêu này. Lấy gì bảo đảm Kết luận điều tra mà Bộ Công an sẽ công bố đạt được yêu cầu “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật” khi bà Nguyễn Phương Hồng qua đời trong trại tạm giam.
Không may cho ông Tô Lâm nói riêng và Bộ Công an nói chung là bà Nguyễn Phương Hồng lại qua đời quá sớm. Thiên hạ chỉ biết việc bà Hồng và ba người khác liên quan đến vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan bị bắt hôm 8/10/2022 – ngày đại diện Bộ Công an công bố thông tin khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Tuy dụng trí, dụng công trong việc khắc họa sự thất thế, thất thần của bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Hội đồng Quản trị – HĐQT – VTP Group), bà Trương Huệ Vân (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor – Tập đoàn WMC), bà Nguyễn Phương Hồng (Trợ lý VTP Group), ông Hồ Bửu Phương (cựu Chủ tịch HĐQT TVSI, cựu Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của VTP Group) nhưng Bộ Công an không xác định đã bắt họ vào ngày nào. Việc không công bố ngày bắt có liên quan gì đến chuyện ông Nguyễn Tiến Thành (Chủ tịch TVSI, kiêm thành viên HĐQT SCB) đột tử trước đó hai ngày (6/10/2022) không?
Không phải tự nhiên mà các qui định pháp luật liên quan đến xử lý hình sự (Luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giữ – tạm giam,…) đặt ra hàng loạt yêu cầu hết sức nghiêm ngặt cả về giam giữ lẩn kiểm soát việc giam giữ bị can, bị cáo. Những yêu cầu đó không chỉ nhằm bảo vệ nhân phẩm bị can, bị cáo mà còn nhằm bảo đảm tiến trình điều tra – truy tố – xét xử có thể đạt yêu cầu khách quan, chính xác. Để một bị can chết khi đang bị tạm giữ, tạm giam chính là sự thất bại của phía bảo vệ – thực thi pháp luật. Mức độ thất bại gia tăng theo tính chất vụ án – phức tạp, nghiêm trọng chừng nào thì thất bại khi để bị can, bị cáo chết lớn chừng đó.
Cũng vì vậy, sau khi khoe vừa bắt bốn bị can “có máu mặt” kèm các ảnh chứng minh thành tích, Bộ Công an nín không nói gì về việc ¼ bị can chết. Những cơ quan truyền thông chính thức không nhận ra đó là thất bại nghiêm trọng của Bộ Công an, trót đưa tin bà Hồng qua đời sau khi bị tạm giam phải vội vàng… đục bỏ tin đã đưa.
Khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại An Dong Group và các tổ chức, đơn vị có liên quan, khởi tố – thực hiện lệnh tạm giam bốn cá nhân để điều tra là thực thi và bảo vệ pháp luật nhưng cả Bộ Công an lẫn các hệ thống cùng lờ đi, không đả động gì đến trách nhiệm khi bà Hồng chết, có khác gì… chà đạp luật pháp?
Riêng trong vụ án này, luật pháp không chỉ bị Bộ Công an chà đạp một lần. Việc tráo chức vụ và nơi làm việc của bà Hồng (đúng ra phải là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Tái thẩm định Ngân hàng SCB) là một lần chà đạp luật pháp khác, vi phạm Khoản 2, Điều 179 của Luật Tố tụng hình sự.
Bảo vệ và thực thi pháp luật bằng các “động tác kỹ thuật” mà bản chất chẳng khác gì chà đạp luật pháp thì làm sao có thể xem hoạt động bảo vệ và thực thi pháp luật… đúng đắn? Khi hoạt động điều tra của Bộ Công an không tuân thủ các qui định pháp luật về xử lý hình sự thì làm sao thuyết phục kết quả điều tra “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”?
Tại sao Bộ Công an lại biến bà Hồng thành… Trợ lý VTP Group? Câu trả lời nằm ở khuyến cáo của Bộ Công an khi bắt một người đàn ông ở Hà Nam vì “bình luận thất thiệt về hoạt động của SCB gây hoang mang dư luận”. Theo đó: Tất cả tổ chức, cá nhân nếu đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật, tin gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự đều sẽ bị xử lý.
Muốn biết Bộ Công an có đạt mục tiêu thứ hai – duy trì sự ổn định trong hoạt động của hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán vốn đã rơi vào tình trạng hết sức nguy hiểm suốt từ đầu năm nay đến giờ – cứ nhìn vào thực tế hoạt động của hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán trong vài ngày vừa qua ắt sẽ nhìn ra kết quả. Các “động tác kỹ thuật” bất chấp luật pháp khiến niềm tin suy giảm mạnh mẽ hơn, nghi ngại lớn hơn. Bất kể răn đe “sẽ bị xử lý”, tin đồn phong phú hơn với nhiều tình tiết ly kỳ hơn và tất nhiên “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán suy giảm nhanh hơn.
Hoạt động của Bộ Công an dưới sự chỉ đạo, dẫn dắt của ông Tô Lâm dường như vẫn thế – vẫn theo hướng bất kể luật pháp, bất chấp hậu quả và “thành tích” nào cũng khiến các hệ thống ê ẩm. Ông Tô Lâm thắng hay bại sau những vụ như tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, điều động cả ngàn cảnh sát tấn công thôn Hoành (Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội)?..
No comments:
Post a Comment