Monday, September 5, 2022

Trung Quốc ‘biến không thành có,’ Mỹ sẽ làm gì?

Bình Luận

Như tất cả các nhà độc tài khác từ Mussolini, Hitler đến Stalin và Mao Trạch Đông, nhà độc tài Tập Cận Bình đang thách thức sự kiên trì và quyết tâm của các quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Tây Âu liên hệ đến tự do hang hải tại eo biển Đài Loan, Biển Nhật Bản và Biển Đông.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Trung Quốc ‘biến không thành có,’ Mỹ sẽ làm gì?” sẽ được Nguyên Khải  trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.

Hiếu Chân

Giữa lúc tình hình Đài Loan căng thẳng, đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ tổ chức họp báo ở Washington DC hôm Thứ Tư ,16 Tháng Tám. Thông điệp chính mà Đại Sứ Tần Cương (Qin Gang) muốn qua báo chí chuyển tới chính phủ và quân đội Mỹ là hãy tránh xa eo biển Đài Loan và đừng bao giờ đến thăm đảo quốc này nữa.

Ông Tần nói rằng Trung Quốc coi việc các chiến hạm của Hải Quân Mỹ đi qua eo biển Đài Loan là một hành động leo thang trong nỗ lực hỗ trợ chính phủ “ly khai” ở Đài Bắc. Ông lên án các chuyến đi Đài Loan của các nhà lập pháp Hoa Kỳ ngay sau khi Thượng Nghị Sĩ Edward Markey (Dân Chủ – Massachusetts) vừa kết thúc chuyến thăm đảo quốc này chỉ 12 ngày sau chuyến thăm gây sóng gió của Dân Biểu Nancy Pelosi (Dân Chủ – California), chủ tịch Hạ Viện.

Ông Markey là chủ tịch Tiểu Ban Đông Á, Thái Bình Dương, và Chính Sách An Ninh Mạng Quốc Tế, thuộc Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện. Cùng đi với ông còn có ba dân biểu và một đại biểu Hạ Viện.

Trung Quốc đã biến không thành có một cách ngoạn mục – thực hiện từng bước mưu lược thâu tóm Đài Loan đã chuẩn bị từ rất lâu, lấy cớ chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi mới đây để lấn tới. Có điều, hành động leo thang của Trung Quốc ở Đài Loan hoàn toàn trái ngược với thực tế và với luật pháp quốc tế.

Dù thắng cuộc nội chiến Trung Hoa năm 1949, đảng Cộng Sản Trung Quốc chưa bao giờ chiếm được Đài Loan; quân đội Trung Quốc thậm chí còn chưa đặt chân được lên hai đảo Kim Môn và Mã Tổ của Đài Loan dù các đảo này chỉ nằm cách bờ biển tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc vài cây số. Tuy thừa nhận chính sách “Một Trung Quốc,” Hoa Kỳ không công nhận Trung Quốc có chủ quyền đối với Đài Loan.

Eo biển Đài Loan, rộng 110 dặm (180km hay 97 hải lý), chỗ hẹp nhất 81 dặm (130km, 70 hải lý), xưa nay là vùng biển quốc tế. Theo hải lộ huyết mạch này, tàu bè chở đủ loại hàng hóa từ các hải cảng quan trọng của Trung Quốc, Nhật, và Nam Hàn ra Biển Đông rồi tới các thị trường tiêu thụ ở Mỹ và Âu Châu. Theo dữ liệu của Bloomberg News, một nửa số tàu chở thùng hàng (container) và 88% số tàu có trọng tải lớn nhất của thế giới đi qua eo biển này mỗi năm. Một sự việc gây tắc nghẽn ở eo biển Đài Loan chắc chắn sẽ làm gián đoạn trầm trọng chuỗi cung ứng hàng hóa và thương mại toàn cầu mà tất cả các bên đều thiệt hại.

Theo Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà Trung Quốc đã ký kết và phê chuẩn, tại eo biển Đài Loan, Trung Quốc và Đài Loan mỗi bên sở hữu một lãnh hải rộng 12 hải lý, phần còn lại là vùng biển quốc tế (high sea). Điều 89 trong Phần VII của UNCLOS quy định “không quốc gia nào được sáp nhập vùng biển quốc tế vào lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình;” Điều 90 quy định “Mọi quốc gia, dù duyên hải hay nội địa, đều có quyền đi thuyền treo cờ của mình trên các vùng biển quốc tế.”

Hải Quân và Không Quân Hoa Kỳ – cũng như một số nước khác – đã đi qua, bay qua eo biển Đài Loan đều đặn hàng chục năm nay và hoàn toàn phù hợp với quy định của UNCLOS: “Chiến hạm đi trên vùng biển quốc tế không phải tuân theo quy định của bất cứ nước nào trừ quốc gia mà nó treo cờ” (Điều 95). Theo dữ liệu của Bloomberg News, trong thập niên qua, Hải Quân Mỹ đã thực hiện trung bình chín chuyến đi qua eo biển Đài Loan mỗi năm; chuyến gần đây nhất là vào ngày 19 Tháng Bảy, của khu trục hạm USS Benfold (DDG-65).
Việc sáp nhập eo biển Đài Loan vào lãnh hải Trung Quốc, phản đối, và dọa trả đũa các chuyến tuần tra của Hải Quân Hoa Kỳ là một hành động vi phạm luật pháp quốc tế không thể chấp nhận được, một sự leo thang hết sức nguy hiểm, và một lần nữa lặp lại chiến thuật xâm chiếm mà Bắc Kinh đã thành công ở Biển Đông.

Cũng bằng thủ đoạn “biến không thành có” kéo dài nhiều chục năm theo kiểu gặm từng miếng nhỏ, Trung Quốc biến Biển Đông của Việt Nam thành “ao nhà.” Khi Mao Trạch Đông lập nhà nước cộng sản ở Trung Quốc năm 1949, lãnh thổ của nước này chỉ kéo đến cực nam đảo Hải Nam. Sau đó Bắc Kinh dùng vũ lực chiếm phần phía Đông quần đảo Hoàng Sa năm 1956, chiếm phần phía tây Hoàng Sa năm 1974, chiếm một số bãi đá của quần đảo Trường Sa năm 1988, và chiếm một số thực thể khác của Philippines. Kết quả là đến nay, Trung Quốc đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông.

Tháng Bảy 2016, qua đơn kiện của Philippines, Tòa Trọng Tài Quốc Tế Về Luật Biển (PCA) ra phán quyết bác bỏ toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh vẫn ngoan cố không chấp hành.

Lần này, Trung Quốc đơn phương đạp lên pháp luật và thông lệ quốc tế, Hoa Kỳ sẽ làm gì? Ông Colin Kahl, phụ tá bộ trưởng quốc phòng Mỹ, gần đây tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đứng bên cạnh các đồng minh và đối tác. Ngay cả khi Trung Quốc cố cắt xén hiện trạng [ở eo biển Đài Loan], chính sách của chúng tôi là duy trì hiện trạng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, mà tôi thật lòng nghĩ rằng đa số các quốc gia trong vùng sẽ ưa thích.” Và chính quyền Joe Biden cho biết quân đội Mỹ vẫn sẽ thực hiện các cuộc tuần tra đường hàng không và hàng hải qua eo biển Đài Loan, không có gì thay đổi.
Tại cuộc họp báo nêu trên, Đại Sứ Tần Cương cảnh báo Mỹ “không nên đánh giá thấp quyết tâm và khả năng của chính phủ và nhân dân Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.”

Hãy chờ xem Trung Quốc sẽ làm gì khi các chiến hạm treo cờ Mỹ đi qua eo biển Đài Loan trong những ngày tới. Nếu Hoa Kỳ e ngại phản ứng của Trung Quốc mà né tránh eo biển này thì khu vực Đông Á sẽ sớm trở thành sân nhà của Bắc Kinh và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng không còn tự do nữa.

 

No comments:

Post a Comment