Mở đầu chương trình, Vân Hà & Nguyên Khải mời quý thính giả theo dõi chi tiết các tin hôm nay.
1/ VN KHẨN CẤP ĐỐI PHÓ VỚI SIÊU BÃO NORU ĐỔ BỘ VÀO MIỀN TRUNG
Cơn bão Noru mạnh đến cấp 17 đang càn quét ở
Philippines trước khi đổ bộ vào miền trung VN từ ngày mai. Đây là cơn bão được
xem là mạnh nhất từ 20 năm qua.
Vào hôm qua, Chủ nhật 25/9, các tỉnh thành từ
Thừa Thiên đến Bình Thuận đều tấp nập chuẩn bị chống cơn bão này. Nhiều nơi đã
xử dụng xe cần cẩu để bốc dỡ các chiếc tàu lên bờ, với gần 1 triệu người dân
đang di tản. Đáng chú ý là hiện có hơn 120 chiếc tàu đang ở ngoài khơi, cần tìm
kiếm chỗ tránh bão trong vòng 24 giờ tới.
Bão Noru là cơn bão số 4 trên Biển Đông từ
đầu năm 2022 đến nay, với cảnh báo là sẽ gây lở đồi núi và lũ lụt nặng nề tại
nhiều khu vực. Kể từ hôm qua, cơn bão này vẫn ở vùng biển phía đông nước Phi và
dự trù sẽ nâng lên cấp 13 khi càn quét nước này vào ngày hôm nay. Theo dự trù
thì từ chiếu mai, bão Noru sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến miền trung, từ Thừa
Thiên đến Quảng Ngãi.
Theo nhận định của ông Trần Hồng Thái, tổng
cục trưởng khí tượng VN, cho biết là đến đêm tối ngày mai, thứ Ba 27/9, bão sẽ
đổ bộ vào miền trung với mức độ mạnh hơn nhiều, với cấp độ thiên tai là cấp 4. Ông Thái cũng đánh giá đây là cơn bão mạnh,
tương đương với bão Xangsane năm 2006, bão số 9 Ketsana, bão Molave vào tháng
10/2020.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c728yrlnvxeo
2/ CHUYÊN GIA
TRUNG CỘNG RÚT CHẠY, NHÀ MÁY CHU LAI KHỐN ĐỐN
Nhiều chuyên gia
Trung Cộng đã rút chạy khỏi một nhà máy ở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, khiến nhà
máy này lâm vào tình trạng dở dang, thua lỗ hàng tỳ đổng.
Đây là nhà máy
chuyên sản xuất soda được tiến hành thi công từ năm 2010 và đã thuê nhà thầu
Trung Cộng thực hiện. Có tổng diện tích 20 mẫu tại xã Tam Hiệp, huyện Núi
Thành, với vốn đầu tư hơn 100 triệu Mỹ kim và có năng xuất 200 ngàn tấn một
năm. Tuy nhiên đến tháng 6 năm 2015, nhà máy vừa đi vào hoạt động thì bị người
dân phát giác là gây ô nhiễm trầm trọng khiến nhà cầm quyền tỉnh Quảng Nam ra lệnh
ngưng sản xuất và tìm biện pháp giải quyết.
Trong quá trình vận hành, thiết bị của nhà thầu Trung Cộng không
đạt tiêu chuẩn như hợp đồng đã cam kết. Ngoài ra, do biến động giàn khoan 981 vào
năm 2014, một số nhà thầu Trung Cộng bỏ về nước không trở lại Việt Nam tiếp tục
hợp đồng.
Tháng 12/2020, công ty Chu Lai đã sửa chữa, thay thế thiết
bị, xây dựng khu xử lý nước thải và xin phép cho nhà máy hoạt động trở lại
tháng 12/2021. Ông Nguyễn Thái Dũng, tổng giám đốc công ty, cho hay trong
thời gian chạy thử nghiệm, nhà máy có 3 đợt sản xuất nhưng cả 3 đợt đều bị lỗ
khoảng 80 tỷ đồng.
3/ DÂN NGA TIẾP TỤC CHỐNG ĐỐI, PUTIN RA LỆNH PHẠT NẶNG
NẾU ĐÀO NGŨ
Chỉ trong hai ngày
cuối tuần qua, cảnh sát Nga đã bắt giữ cả ngàn người biểu tình chống đối lệnh động
viên sang phục vụ ở chiến trường Ukraine. Tại Moscow, trong cơn tức giận, Tổng
thống Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh trừng phạt lên đến 15 năm tù đối với những
công dân bất tuân lệnh.
Trên toàn quốc
Nga, đã nổ ra hàng loạt các vụ biểu tình chống đối lệnh động viên 300 ngàn quân
của Putin. Tại thủ đô Moscow, người biểu tình đã phẫn nộ thét to các khẩu hiệu
như “Chúng tôi không chết vì Putin!”, “Đừng mang chúng tôi ra làm bia đỡ đạn!”.
Tại St. Petersburg, quê hương của Putin, người biểu tình giương cao biểu ngữ với
vỏn vẹn một từ “Hòa bình!”.
Phát biểu từ thủ
đô Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trực tiếp cảnh báo các công dân
Nga là họ đang bị Putin đẩy vào chỗ chết. Ông Zelensky kêu gọi dân Nga hãy vùng
lên và hứa hẹn sẽ đối xử tử tế với những quân Nga đào ngũ trên chiến trường.
Trong khi đó, theo
nội dung sắc lệnh của ông Putin, những người trốn lính hay đào ngũ sẽ bị kết án
từ 3 đến 15 năm tù. Ngược lại, những người ngoại quốc muốn phục vụ trong quân đội
Nga ít nhất một năm thì thủ tục nhập tịch nước Nga sẽ vô cùng thuận lợi.
Từ thứ Tư tuần
qua, song song với các cuộc xuống đường, đường xá ở nước Nga càng thêm tắc nghẽn
vì những đoàn xe dài hàng chục cây số nối đuôi nhau ở các cửa ngõ phi trường,
hay gần khu vực biên giới với các nước láng giềng.
4/ BIỂU TÌNH TẠI IRAN, HƠN 40 NGƯỜI THIỆT MẠNG
Làn sóng biểu tình
chống lực lượng cảnh sát vẫn diễn ra tại nhiều nơi ở Iran vào hôm qua, Chủ nhật
25/9, bất chấp nhà cầm quyền gia tăng đàn áp. Theo thông tấn xã Pháp, trong 8
ngày biểu tình vừa qua, đã có ít nhất 40 người thiệt mạng và hàng trăm người
khác bị bắt giữ.
Sự việc bắt đầu vì
cái chết của cô Mahsa Amini vào ngày 16/9, ba ngày sau khi cô bị bắt vì vi phạm
quy định về trang phục của công dân Hồi giáo. Làn sóng phẫn nộ dần dà gia tăng
khi nhà cầm quyền đẩy mạnh chiến dịch đàn áp.
Nhiều đoạn video
công bố trên mạng xã hội cho thấy cùng một cảnh tượng là biểu tình vào ban đêm
trên đường phố, với thành phần xuống đường là thanh niên, gồm cả nam lẫn nữ, và
xe cộ bị đập phá. Một đoạn video được phổ biến rộng rãi cho thấy một sĩ quan an
ninh chĩa vũ khí về phía biểu tình và nổ súng ở thành phố Shahre Rey ở miền nam
thủ đô Tehran.
Trong mấy ngày
qua, nhà cầm quyền Iran bày tỏ quyết tâm dẹp tan phong trào phản kháng mà họ gọi
đó là do Tây phương xúi giục. Tổng thống bảo thủ Ebrahim Raissi khẳng định đã
ra lệnh cho các cấp có hành động đàn áp những kẻ gây rối. Riêng bộ trưởng nội vụ
tuyên bố là cuộc điều tra cho thấy cô Masha Amini đã không bị những cú đánh chí
tử trong thời gian bị cảnh sát “đạo đức” bắt giữ.
No comments:
Post a Comment