Friday, September 23, 2022

Tin Tức, Thứ Sáu 23.09.2022

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Bá Cơ trình bày sau đây.

 1) QUẢNG NGÃI: MỘT CÔNG DÂN BỊ BẮT GIAM VỚI CÁO BUỘC VI PHẠM ĐIỀU 331

Vụ bắt giam mới nhất xảy ra hôm 22/9 nhằm vào anh Võ Thanh Thời, 33 tuổi, cư trú tại thôn Phước Bình, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Anh Thời bị khởi tố theo điều 331-BLHS: “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháo của tổ chức, cá nhân”.

Cơ quan An ninh Điều tra – công an tỉnh Quảng Ngãi cáo buộc anh Võ Thanh Thời sử dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ các bài viết có nội dung xuyên tạc, chống phá đảng và nhà nước, xúc phạm ông Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Việt cộng khác.

Như vậy, chỉ trong tháng 9, ít nhất có 4 người bị bắt chỉ vì thực thi quyền tự do ngôn luận và các hoạt động đấu tranh cho nhân quyền một cách ôn hòa.

Không chỉ bắt bớ, CSVN đang gia tăng đàn áp đối với những nhà hoạt động nhân quyền đang bị cầm tù. Mới đây nhất là vụ TNLT Trịnh Bá Tư bị cai tù đánh đập và bị biệt giam trong buồng kỷ luật.

 

2) GIỚI LUẬT SƯ VIỆT NAM KÊU GỌI NHÀ NƯỚC BÃI BỎ HÌNH THỨC CÙM CHÂN TRONG NHÀ TÙ

Hơn 30 luật sư đã cùng nhau ký tên vào Đơn Kiến Nghị, yêu cầu Nhà nước bãi bỏ hình thức cùm chân đối với các tù nhân trong quá trình bị giam giữ. Lá đơn do luật sư Ngô Ngọc Trai chấp bút, được công khai đăng trên mạng xã hội ngày 21/9/2022 và sẽ có 1 ngày để tiếp nhận ý kiến đóng góp của các luật sư khác. Dự kiến, Đơn Kiến Nghị sẽ được gửi cho “tứ trụ triều đình” gồm Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ và Phạm Minh Chính vào sáng 23/9/2022.

Bản Kiến nghị nêu lý do xuất phát từ “Ý thức trách nhiệm trước cộng đồng và mong muốn thúc đẩy sự tiến bộ của nền tư pháp”.

Những người ký tên cho rằng “đây là biện pháp giam giữ đã lạc hậu, không còn phù hợp với tinh thần nhân đạo của hệ thống pháp luật hiện nay”. Đơn Kiến nghị cũng viện dẫn một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (năm 2015), Luật Thi hành án hình sự (năm 2019), Luật thi hành tạm giữ, tạm giam (năm 2015) trong đó quy định nội dung bảo vệ quyền con người.

Phần cuối Đơn Kiến nghị viết rằng: “Những phòng giam tử tù nhỏ hẹp với những bệ xi măng làm chỗ nằm cùng biện pháp cùm chân vệ sinh ăn uống tại chỗ, những biện pháp giam giữ như vậy không phù hợp với tính nhân đạo của pháp luật nhà nước hiện nay”. Vì vậy, cần bãi bỏ biện pháp cùm chân trong hoạt động giam giữ.

3/ KÊU GỌI ĐIỀU TRA VỤ ĐÁNH ĐẬP TNLT TRỊNH BÁ TƯ

Sau lời kêu cứu của gia đình tù nhân lương tâm Trịnh Bá Tư, tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) vào hôm qua ra thông cáo, nội dung kêu gọi bạo quyền VN phải mở cuộc điều tra về đám cai tù đã đánh đập và cùm chân trong trại giam số 6 huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Thông cáo này được đưa ra chỉ hai ngày sau khi khi ông Trịnh Bá Khiêm, cha ông Tư, đưa tin về vụ bức hại này. Thông cáo trích dẫn ông Phil Robertson, phó giám đốc chi nhánh Á châu, kêu gọi phải có một cuộc điều tra khẩn cấp và minh bạch về cáo buộc của ông Trịnh Văn Tư là bị đánh đập. Ông Robertson nói rằng đây là hành động quá đáng và không thể chấp nhận được.

Thông cáo của tổ chức nói trên cũng kêu gọi LHQ và giới chức ngoại giao các nước hãy yêu cầu bạo quyền VN cho phép họ được tiếp xúc với ông Tư trong trại giam.

Vào ngày 21/9, bà Đỗ Thị Thu, vợ của tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương, đã gửi đơn kêu cứu đến các cấp trung ương về vụ hành hung này. Như tin đã loan, trong cuộc thăm gặp con trai vào ngày 20/9, ông Khiêm được biết về vụ đánh đập này vào ngày 6/9. Ngay sau đó ông Tư 33 tuổi bị cùm chân trong trại biệt giam suốt 10 ngày qua.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hrw-call-for-independent-investigation-of-poc-trinh-ba-tu-beating-09222022092330.html

4/  GHẾ TRỐNG DÀNH CHO BÀ PHẠM ĐOAN TRANG TẠI ĐẠI HỘI VĂN BÚT 2022

Ban tổ chức Đại hội Văn bút Quốc tế lần thứ 88 sẽ dành một chiếc ghề trống để vinh danh nhà báo Phạm Đoan Trang, người vừa bị bạo quyền Hà Nội kết án 9 năm tù với cáo buộc “tuyên truyền chống phá chế độ”.

Được biết là trong kỳ đại hội này, diễn ra tại Uppsala của Thụy Điển vào ngày 27/9 tới đây, Văn bút Quốc tế (PEN International) có mời bà Trang tham dự. Bà Sabrina Tucci, giám đốc truyền thông của hội này, cho biết là theo truyền thống, những tác giả không thể trực tiếp tham dự vì phải ngồi tù, sẽ được vinh danh bởi một chiếc ghế trống. Bà Tucci tin rằng việc bỏ tù bà Phạm Đoan Trang là một hành động nhằm bịt miệng của bạo quyền Hà Nội.

Văn bút Quốc tế là một tổ chức có lịch sử hơn 100 tuổi với hơn 140 trung tâm thành viên trên khắp thế giới.  Vào tháng 10/2020, bà Phạm Đoan Trang bị bắt giam với cáo buộc “tuyên truyền chống phá chế độ”, một cáo buộc thường được bạo quyền VN xử dụng để bỏ tù các nhà văn bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động nhân quyền.

https://www.voatiengviet.com/a/ghe-trong-danh-cho-pham-doan-trang-tai-dai-hoi-van-but-quoc-te-2022/6758336.html

5/ HÀNG TRĂM NGƯỜI NGA BỊ BẮT VÌ PHẢN ĐỐI LỆNH ĐỘNG VIÊN CỦA PUTIN

Cảnh sát Nga vào hôm thứ Năm 22/9 đã bắt giữ hàng trăm người biểu tình phản đối lệnh động viên 300 ngàn quân để tham chiến ở Ukraine. Số người bị bắt nhiều nhất là ở Moscow và St Petersburg, trong khi các hãng máy bay từ Nga ra ngoại quốc đã cạn sạch vé vào chiều hôm qua.

Được biết là hàng chục cuộc biểu tình đã được tổ chức tại nhiều thành phố trên toàn quốc và những chuyến bay rời khỏi nước Nga đã hết sạch vé sau tuyên bố động viên của Tổng thống Vladimir Putin. Ông Putin đã ký sắc lệnh động viên 300 ngàn quân dự bị để gửi đến chiến trường Ukraine đang diễn ra gay gắt trước sự phản công lớn của quân dân Ukraine.

Trong phát biểu của mình, ông Putin nhấn mạnh là sẽ xử dụng mọi phương tiện hiện có để bảo vệ lãnh thổ nước Nga, ngầm ám chỉ đến các loại vũ khí hạt nhân.

Vào hôm thứ Tư 21/9, công tố viện Moscow cảnh cáo là bất cứ ai kêu gọi trên mạng, hoặc tham gia vào các cuộc biểu tình đường phố, có thể bị phạt tù tới 15 năm. Cần biết là các hình phạt cứng rắn của Nga trong việc phổ biến thông tin sai lệch về cuộc chiến xăm lược Ukraine đã khiến các cuộc biểu tình phản chiến rất ít diễn ra.

Nhưng nhóm phản chiến đối lập Vesna đã kêu gọi các cuộc biểu tình quy mô lớn. Trên mạng,  họ đã đưa tin về nhiều vụ bắt giữ ở khắp nước Nga. Một video từ Yekaterinburg cho thấy cảnh sát thô bạo dồn người biểu tình vào một chiếc xe buýt.

Trong khi đó, các chuyến bay đến các điểm đến nổi tiếng như Istanbul ở Thổ Nhĩ Kỳ và Yerevan ở Armenia đã bị cắt giảm và giá vé cho những chỗ còn lại đã tăng chóng mặt, lên đến 9 ngàn Âu kim cho hạng vé một chiều sau thông báo của ông Putin.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-62990713

No comments:

Post a Comment