Thursday, September 15, 2022

Tự do ngôn luận thì thật là đáng ghét

Bình Luận

Hiến pháp Hoa Kỳ quy định quyền tự do ngôn luận trong tu chính án thứ nhất. Hiến pháp Việt Nam quy định quyền này trong điều 25 hiến pháp 2013. Tuy nhiên Hiến Pháp Hoa Kỳ là tối cao thật sự. Hiến Pháp Việt Nam là văn kiên quan trọng nhưng đứng sau điều lệ đảng. Chỉ tại VN mới có nữ streamer bị sờ gáy vì nói chủ tịch nước hói do xem phim sex và anh Bùi Tuấn Lâm bị bắt vì diễu nhại Bộ trưởng công an Tô Lâm trong vụ thanh rắc muối.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Đỗ Hùng với tựa đề: “Tự do ngôn luận thì thật là đáng ghét” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.

Đỗ Hùng

Sau khi Uju Anya lên Twitter nguyền rủa một vị quân chủ vừa qua đời, cô bèn bị bà con cõi mạng dập tơi tả. Người ta còn vận động Đại học Carnegie Mellon (Pennsylvania, Mỹ), nơi cô đang là giáo sư ngôn ngữ học ứng dụng, điều tra và đuổi việc cô.

Cô Uju Anya đã viết gì?

“Nghe đâu một vị quân chủ của một đế chế diệt chủng hãm hiếp trộm cắp rốt cuộc đã toi. Cầu cho nỗi đau hành hạ bà ta.”

Một người hỏi lại: “Tại sao cô lại cầu cho người của chúng tôi và là nữ hoàng duy nhất của chúng tôi là Elizabeth chết?”

Anya liền đáp: “Tôi không cầu bà ta chết. Bà ta chết rồi. Tôi cầu bà ta có một cái chết đau đớn giống cái chết mà bà ta đã gây ra cho hàng triệu người.”

Mẩu tweet của cô được nhiều người da đen và một số bộ phận nhân loại có ân oán với Vương quốc Anh hào hứng đón nhận. Cùng lúc, nó hứng về vô vàn lời chỉ trích, đe dọa, trong đó có lời kêu gọi Đại học Carnegie Mellon xử đẹp cô.

Trường đại học kia hẳn không thích mẩu tweet của cô Anya nhưng có vẻ cũng hiểu rằng đó là quyền tự do ngôn luận.

Trên trang Twitter chính thức, Đại học Carnegie Mellon viết: “Chúng tôi không tha thứ cho những thông điệp xúc phạm và đáng bị phản đối của Uju Anya hôm nay trên tài khoản mạng xã hội cá nhân của cô. Tự do biểu đạt là cốt lõi trong sứ mệnh của giáo dục đại học, tuy nhiên, các quan điểm mà cô ấy chia sẻ không đại diện cho các giá trị của tổ chức hay các chuẩn mực tranh luận mà chúng tôi nuôi dưỡng.”

Ngay lập tức, Tổ chức Quyền Cá nhân trong Giáo dục (FIRE) đã lên tiếng cảnh báo Đại học Carnegie Mellon chớ chiều theo áp lực từ bên ngoài dẫn đến sổ toẹt các nguyên tắc tự do ngôn luận mà trường này theo đuổi.

“Cơ quan nơi cô Anya làm việc, Đại học Carnegie Mellon, đang được yêu cầu điều tra hoặc trừng phạt cô ấy. Nhưng bởi vì trường đại học này đã hứa về việc  bảo đảm tự do ngôn luận cho đội ngũ giáo viên, vậy nên trường không nên đầu hàng các yêu cầu đó,” báo Peoples Gazette dẫn lời Alex Morey, giám đốc bảo vệ quyền học đường của FIRE, nói.

“Tự do ngôn luận bao gồm việc bạn nói rằng bạn hạnh phúc khi một ai đó chết, hoặc thậm chí bạn mong họ bị tổn hại hoặc chịu khổ đau.”

FIRE cho rằng trường đại học kia nên bảo vệ các chính sách “vững chắc” của mình về tự do ngôn luận và “cứ để cho cuộc đối thoại tiếp diễn”.

Đáp lại một số ý kiến cho rằng cô Anya đã chọn không đúng thời điểm (người ta mới chết) để đăng tải một nội dung nhạy cảm như vậy trên Twitter, tổ chức FIRE nói rằng “quyền tự do ngôn luận không phải chịu tang” (tức không vì có tang sự mà tạm đình chỉ quyền này).

Trong một vụ tương tự nhưng xảy ra hồi thập niên 1980, cô cảnh sát Ardith McPherson đã bị sa thải sau khi nói lời khó nghe về Tổng thống Ronald Reagan. Đây là pha kiện tụng mà rốt cuộc đã dẫn tới một phán quyết quan trọng của Tòa án Tối cao Mỹ (vụ Rankin v. McPherson), bảo vệ quyền tự do ngôn luận của công dân.

Chuyện vầy, sau khi nghe tin ông Reagan bị ám sát hụt, cô McPherson bèn hứng chí nói: “Bắn đi, nếu họ đi tìm ông ta lần nữa, tôi hy vọng họ sẽ xử được.”

Tất nhiên là hồi đó chưa có mạng xã hội và chuyện cô này phát ngôn chỉ bị mấy tay đồng nghiệp mách lẻo lên thượng cấp Walter Rankin mà thôi. Thế rồi, sau khi bị đuổi việc, cô đã kiện sếp Walter Rankin ra tòa án khu vực về hành vi cản trở quyền tự do ngôn luận của cô, chiểu theo Tu chính án thứ nhất.

Vụ việc sau đó lên đến Tòa án Tối cao và vào năm 1987, Tòa Tối cao đã ra phán quyết: Lợi ích của Rankin trong việc sa thải McPherson thấp hơn quyền của cô McPherson theo Tu chính án thứ nhất. Tòa tuyên bố rằng phát ngôn của McPherson, xét trong bối cảnh đó, “thuần túy liên quan đến vấn đề quan trọng đối với công chúng (of public concern)”.

Trở lại vụ cô giáo sư Uju Anya, trong thư ngỏ của mình, FIRE lập luận rằng cuộc đời, cái chết và các hành động của Nữ hoàng Elizabeth trải dài hàng thập niên của lịch sử thế giới rõ ràng là một vấn đề quan trọng đối với công chúng đáng để bàn thảo và tranh luận.

“Điều này đặc biệt rõ ràng khi các cơ quan báo chí lớn ngay lập tức xuất bản các bài viết về cái chết của bà, cũng như hàng triệu người – trong đó có Giáo sư Anya – lên mạng xã hội để đưa ra phản ứng đối với tin tức đó,” thư của FIRE viết.

Cuối thư, FIRE viết rằng họ mong Đại học Carnegie Mellon tận dụng cơ hội này, khi có nhiều người đang theo dõi, để tái khẳng định những cam kết mạnh mẽ của trường đối với tự do biểu đạt.

 

No comments:

Post a Comment