Wednesday, September 28, 2022

Tập- Putin gặp nhau và mối duyên ngưu mã

Bình Luận

Tục ngữ đông phương có câu: Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Tập cận Bình và Putin là 2 nhà độc tài gian xảo và tàn ác nhất thế kỷ gặp nhau, mưu đồ hủy hoại nhân loại văn minh là một hệ lụy tự nhiên.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Tập- Putin gặp nhau và mối duyên ngưu mã” sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.

Hiếu Chân

Truyền thông quốc tế đưa tin hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc – ông Vladimir Putin và ông Tập Cận Bình – gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization – SCO) tại thành phố Samarkand của Uzbekistan trong hai ngày Thứ Năm và Thứ Sáu tuần này.

Đây là lần xuất ngoại đầu tiên của ông Tập từ khi đại dịch COVID-19 khởi phát ở Vũ Hán cuối năm 2019 và lần gặp trực tiếp thứ hai của hai nhà lãnh đạo sau lần ông Putin sang Bắc Kinh hội kiến với ông Tập rồi khi trở về đã khởi động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Cuộc gặp của hai nhà độc tài lần này sẽ dẫn tới chuyện gì nữa?

So với lần gặp ở Bắc Kinh hồi Tháng Hai, trong đó hai bên cam kết hợp tác “không giới hạn,” cuộc gặp lần này ở Samarkand sẽ không hào hứng lắm do thất bại thê thảm của Nga trên chiến trường Ukraine và khó khăn kinh tế của Trung Quốc. Dù vậy, hai nhà độc tài sẽ vẫn thể hiện sự đoàn kết chống lại cái mà họ coi là chủ nghĩa bá quyền của người Mỹ.

Tổng thống Nga phó hội với một tư thế khá ê chề. Trong hơn tuần qua, quân dân Ukraine đã phản công dữ dội, giành lại được hơn 3,500 dặm vuông lãnh thổ vùng Kharkiv và đang tiếp tục gây sức ép tại các mặt trận hướng Đông Bắc và hướng Nam, buộc quân Nga liên tục tháo chạy.

Thất bại trên chiến trường làm cho giới tinh hoa Nga chuyển sang phản đối ông Putin và cuộc phiêu lưu quân sự của ông. Nhật báo The New York Times ngày 12 Tháng Chín tường trình hơn 40 quan chức dân cử khắp nước Nga đã ký kiến nghị yêu cầu ông Putin từ chức.

Trên các kênh truyền hình nhà nước, một số chuyên gia và cựu tướng lĩnh quân đội đặt nghi vấn về năng lực quân sự của Nga và công khai thừa nhận Moscow không thể chiến thắng.

Khó khăn của ông Putin tạo cho ông Tập tư thế bề trên trong quan hệ Nga-Trung. Tại cuộc họp thượng đỉnh ở Uzbekistan, ông Putin chắc chắn yêu cầu ông Tập hỗ trợ kinh tế để làm dịu tác động các biện pháp trừng phạt của phương Tây, và viện trợ quân sự để duy trì cuộc chiến.

Nhưng sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với Nga là “có giới hạn.”

Nga đang rất cần Trung Quốc nhưng Bắc Kinh cứ ỡm ờ. Một mặt, ông Tập không thể để ông Putin thất bại một cách nhục nhã có thể dẫn tới sự sụp đổ của chế độ ở Moscow, nhưng mặt khác nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại nếu ra mặt hỗ trợ Moscow thì các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây có thể gây hại cho chính kinh tế quốc gia đông dân nhất thế giới, hiện đang lao đao vì chính sách phong tỏa chống COVID-19.

Xem ra, Trung Quốc sẽ tiếp tục đu dây vì lợi ích của chính Trung Quốc mà không hết lòng giúp đỡ Nga. Dù tình hình chuyển biến thế nào thì Bắc Kinh vẫn “ngư ông đắc lợi.” Nếu Nga thắng, Trung Quốc có một đồng minh mạnh. Nếu Nga thua, thì Moscow sẽ là một chư hầu mới, một Bắc Hàn mới của Bắc Kinh.

Vì thế, trong cuộc gặp ở Samarkand lần này, ông Tập đưa ra những tuyên bố khuôn sáo để làm Moscow hài lòng nhưng trong thâm tâm ông Putin sẽ rất thất vọng. Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc sẽ không mạnh lên, đó là điều mà thế giới bên ngoài có thể yên tâm.

Mục tiêu chính của ông Tập trong chuyến xuất ngoại đầu tiên sau đại dịch COVID-19 không phải là để gặp ông Putin và nhắc lại cam kết hợp tác “không giới hạn” Nga-Trung mà là để thúc đẩy vai trò trung tâm của Trung Quốc trong một trật tự thế giới mới lấy SCO làm nòng cốt.

SCO do Bắc Kinh đề xướng thành lập năm 2001, quy tụ những nước Cộng Sản cũ, lấy Nga và Trung Quốc làm trung tâm để làm đối trọng với các tổ chức đa phương của Mỹ và phương Tây. SCO đôi khi được gọi là “NATO phương Đông” đối cực với Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Hoa Kỳ dẫn đầu, nhưng cho đến nay, vai trò của SCO khá mờ nhạt.

Sau khi dàn xếp ổn thỏa những vụ đấu đá nội bộ trước đại hội toàn quốc đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ diễn ra sau một tháng nữa và sẽ sửa đổi điều lệ đảng để mình tiếp tục cầm quyền thêm một nhiệm kỳ thứ ba, ông Tập đã có thể yên tâm đi ra ngoài để nâng cao vị thế của Trung Quốc.

SCO có tám nước thành viên, chiếm 60% diện tích Châu Á, 40% dân số thế giới, và 30% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu nhưng chưa phải là đối thủ ngang tầm với NATO hoặc Liên Minh Châu Âu (EU). Tham vọng của ông Tập là thúc đẩy SCO thành một khuôn khổ hợp tác mới, chứng minh cho các nước nhỏ rằng vẫn có một trật tự khác, một con đường khác để phát triển, ngoài trật tự do Mỹ dựng lên sau Thế Chiến 2 đặt trọng tâm vào dân chủ, nhân quyền và kinh tế thị trường tự do.

Hội nghị lần này dự tính bàn chuyện mở rộng SCO, kết nạp Iran – và có thể cả Belarus và Afghanistan làm thành viên chính thức – định hình một tổ chức quốc tế quy tụ những thể chế chuyên chế phản dân chủ và bảo trợ khủng bố. Và đó mới là điều mà thế giới nên lo ngại.

 

No comments:

Post a Comment