Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Miên Dương trình bày sau đây.
1) HÀ NỘI: FACEBOOKER ÔNG NGUYỄN MINH SƠN BỊ BẮT
Ông Nguyễn Minh Sơn (60 tuổi), chủ danh khoản facebook Son Nguyen vừa bị
Cơ quan An ninh Điều tra- Công an Hà Nội bắt tạm giam hôm qua 28/9/2022. Trong
bản “Thông báo về việc áp dụng biện pháp tạm giam” gửi đến người nhà ông Sơn,
Cơ quan ANĐT không ghi rõ facebooker này bị tạm giam vì tội danh gì. Trước đó
một ngày, ông Sơn bị triệu tập vì đăng tải một video clip trên trang fb cá nhân
mà công an cho rằng có nội dung chống đảng. Buổi sáng 28/9, ông Sơn bị triệu
tập làm việc và buổi chiều cùng ngày ông bị dẫn giải về khám nhà, sau đó bị đưa
vào nhà tù Hỏa Lò.
Ông Nguyễn Minh Sơn từng tham gia các hoạt động xã hội như biểu tình
chống Tàu, bảo vệ môi trường hay các sự kiện tưởng niệm những chiến sĩ hy sinh
bảo vệ biên giới, biển đảo. Ông cũng thường nêu quan điểm trái với nhà nước
trên trang fb cá nhân. Tuy chưa biết rõ ông Sơn bị bắt vì tội danh gì, nhưng có
thể đoán ông bị tù vì liên quan đến quyền tự do biểu đạt, thường được phía nhà nước
gọi là “xâm phạm an ninh quốc gia” với các điều luật như 88, 117, 331 hay 109.
Trong bối cảnh phong trào dấu tranh trong nước bị chững lại, việc ông
Sơn bị bắt khiến nhiều người ngạc nhiên. Các vụ bắt bớ một vài năm trở lại đây
cho thấy cộng sản gia tăng đàn áp ở mức tối đa, nhắm vào bất cứ người dân nào
và không cần cân nhắc hay chọn lựa như thời điểm những năm trước.
2/ LUẬT SƯ VÕ AN ĐÔN SẼ KIỆN CÔNG
AN TỈNH PHÚ YÊN
Vào hôm qua, thứ Tư 28/9, Luật sư Võ An Đôn cho biết là sẽ đệ đơn kiện
công an tỉnh Phú Yên vì đã ngăn chận không cho gia đình ông sang Mỹ định cư.
Gia đình ông Đôn đã quay về lại tỉnh Phú Yên sau khi bị công an phi
trường Tân Sơn Nhất cấm xuất cảnh vào tối 27/9 với lý do “vì an ninh quốc gia”.
Trong biên bản, công an cho biết là ông có thể liên lạc với công an Phú Yên để
giải quyết vấn đề này.
Luật sư Đôn vào hôm qua cho biết là việc tạm dừng xuất cảnh
là sai trái và không có căn cứ. Theo ông, đây là một quyết định mang tính áp
đặt và trù dập gia đình ông. Ông cho biết là ngày mai sẽ lên làm việc với công
an Phú Yên, và nếu như không có lý do chính đáng, ông sẽ kiện ra tòa và đòi bồi
thường thiệt hại.
Ông Đôn cũng khẳng định là theo luật pháp VN, các công dân
có quyền đi lại tự do trong nước và nước ngoài. Ông nhấn mạnh là mình bị tước
thẻ luật sư từ 5 năm qua và chỉ ở nhà làm nông dân, không đụng chạm tới ai.
Giải thích lý do đi tỵ nạn chính trị ở Mỹ, ông cho biết là cuộc sống của gia
đình gặp nhiều khó khăn và sự chèn ép của bạo quyền Phú Yên.
Trước khi lên đường đi định cư, ông rút hết học bạ của 3
đứa con cũng như cho hết đồ đạc của gia đình nên giờ đây khi quay lại Phú Yên
ông sẽ phải mua sắm lại, nhà cửa may mắn vẫn còn do giá rẻ nên chưa bán.
3/ DƯ LUẬN VN
PHẪN NỘ VÌ CẢNH SÁT SÓC TRĂNG ĐÁNH HỌC SINH
Báo chí lề đảng và
dư luận trên mạng đã tỏ ra xôn xáo về một cuốn video cho thấy cảnh một cảnh sát
đánh tới tấp một thiếu niên trên đường vào ngày 25/9.
Sau khi đoạn video dài gần 5 phút được tung lên mạng, dư
luận tỏ ra phẫn nộ khiến giám đốc công an tỉnh Sóc Trăng phải loan báo đã đình
chỉ 4 công an thị xã Vĩnh Châu vì có dính líu đến vụ này. Cuốn video cho thấy
một công an mặc đồ đồng phục màu vàng và một viên cảnh sát mặc đồ màu xanh thẫm
đi xe gắn máy đã bất ngờ chận lại một thiếu niên đang lái xe gắn máy, đằng sau
chở một thiếu niên khác.
Sau đó cả hai thiếu niên đã bị hai cảnh sát này dùng dùi
cui đánh tới tấp vào thiếu niên cầm lái, thậm chí còn dùng mũ an toàn đánh vào
thiếu niên. Nhiều người khẳng định là hai cảnh sát này rất côn đồ, coi thường
pháp luật và thể hiện thú tính điên cuồng.
Nội vụ được xác định đã xảy ra hôm 25/9 ở thị xã Vĩnh Châu,
tỉnh Sóc Trăng. Giám đốc công an tỉnh Sóc Trăng vào ngày thứ Tư 28/9 cho biết
đã yêu cầu công an thị xã phải báo cáo toàn bộ để giải quyết.
https://www.voatiengviet.com/a/6766937.html
4/ NAM HÀN LÀ NHÀ XUẤT CẢNG VŨ
KHÍ LỚN THỨ 8 TRÊN THẾ GIỚI
Theo thống kê của viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế, có trụ sở tại thủ đô
Stockholm – Thụy Điển, Nam Hàn hiện là nhà xuất cảng vũ khí lớn thứ 8 trên thế
giới so với vị trí 31 của hai mươi năm trước.
Chính phủ Nam Hàn không hề che giấu tham vọng được lọt vào 5 nước sản
xuất vũ khí, gồm các nước Mỹ, Nga, Pháp, Trung Cộng và Đức. Năm 2022 là năm
thành công nhất của ngành quốc phòng Nam Hàn, đặc biệt là với hợp đồng vũ khí
trị giá 14 tỷ Mỹ kim với Ba Lan, gồm 48 chiến đấu cơ F-50, vài trăm xe tăng K2
và súng cối tự hành K9.
Trước đó theo hợp đồng mới nhất trong năm nay, Nam Hàn cũng cung cấp hệ
thống phòng không Cheongung cho Vương quốc Ả rập Thống nhất có trị giá hơn 3 tỷ
rưởi Mỹ kim, và cung cấp súng cối K9 cho Ai Cập với giá 1 tỷ 700 trăm triệu Mỹ
kim.
Cần biết là trong vòng 10 năm qua, khối lượng vũ khí xuất cảng
của Nam Hàn đã tăng gấp 10 lần. Năm 2012, quốc gia Đông Á này chỉ xuất cảng khoảng
3 tỷ Mỹ kim thiết bị quân sự.
Nam Hàn hiện cũng cạnh tranh với các tập đoàn phương Tây
trên nhiều thị trường nhờ vào khả năng sản xuất thiết bị quân sự trung bình nhưng
lại có phẩm chất cao với giá rẻ. Nam Hàn xem sản xuất vũ khí là một công nghiệp
mũi nhọn, đến từ thời Tổng thống Moon Jae-in.
5) BÌNH NHƯỠNG BẮN HAI HỎA TIỄN ĐẠN ĐẠO TRƯỚC
CHUYẾN THĂM CỦA PHÓ TT HOA KỲ - HARRIS ĐẾN NAM HÀN
Triều Tiên đã bắn hai hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn ngoài
khơi bờ biển phía đông của họ vào thứ Tư, một ngày trước khi Phó Tổng thống Hoa
Kỳ Kamala Harris chuẩn bị đến Seoul.
Vụ phóng hỏa tiễn diễn ra hai ngày sau khi các lực lượng
Nam Hàn và Hoa Kỳ tiến hành một cuộc diễn tập quân sự ở vùng biển ngoài khơi bờ
biển phía đông Seoul với sự tham gia của một hàng không mẫu hạm.
Tham mưu trưởng
liên quân Nam Hàn cho biết hỏa tiễn đã được phóng từ khu vực Sunan của Bình Nhưỡng,
thủ đô của Triều Tiên, trong khoảng thời gian từ 09:10-09:20 GMT) thứ Tư 28
tháng 9 năm 2022.
"Các hành động
khiêu khích của Triều Tiên sẽ tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và phản ứng của
Nam Hàn và Hoa Kỳ, đồng thời chỉ làm sâu sắc thêm sự cô lập của Triều Tiên với
cộng đồng quốc tế", Tham mưu trưởng Liên quân cho biết trong một tuyên bố.
6) HOA KỲ PHÁT HIỆN TÀU CHIẾN TRUNG-NGA Ở
BIỂN BERING
Hãng tin AP cho hay một
quan chức Hoa Kỳ đã tiết lộ vào hôm 26/9 rằng, một tàu tuần tra của Lực lượng
Phòng vệ Bờ biển Hoa Kỳ trong nhiệm vụ tuần tra định kỳ ở Biển Bering đã chạm
trán với một tàu tuần dương mang hỏa tiễn dẫn đường của Trung Cộng vào ngày
19/9.
Sau đó, một tàu tuần tra của Lực lượng Phòng
vệ bờ biển Hoa Kỳ mang tên USS Kimball cũng đã phát hiện hai tàu hải quân khác
của Trung Cộng và bốn tàu hải quân Nga, trong đó có một tàu khu trục.
Chiếc USS Kimball tiếp
tục bám theo, trong khi các chiến hạm Trung Cộng và Nga nhanh chóng phân tán
khỏi đội hình.
Một chiếc máy bay C-130
Hercules từ trạm Cảnh sát biển ở Kodiak, Alaska, được điều động đến trợ giúp
cho chiếc Kimball.
“Mặc dù đoàn tàu trên hoạt động đúng quy tắc và chuẩn mực quốc tế, song
chúng tôi sẽ hiện diện tại khu vực để bảo đảm lợi ích của Mỹ ở môi trường hàng
hải xung quanh Alaska không bị ảnh hưởng”, Chuẩn tướng Nathan Moore, quan
chức Lực lượng Phòng vệ Bờ biển của Mỹ, cho biết.
Sự hiện diện của tàu
Trung Cộng và Nga ở Alaska diễn ra một tháng sau khi Tổng thư ký NATO Jens
Stoltenberg cảnh báo về sự quan tâm của Bắc Kinh đối với Bắc Cực và việc Nga
xây dựng quân đội ở đây.
No comments:
Post a Comment