Khoa học chứng minh rằng, có một tương quan nghịch chiều rõ rệt giữa chế độ độc tài và sức khỏe của người dân bị độc tài cai trị.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Jason Nguyễn chuyển dịch với tựa đề: “Độc tài có hại cho sức khỏe” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
(Dịch từ bài viết “Autocracy Is Hazardous for Your Health” nằm trong khuôn khổ Dự án Sức khỏe Toàn cầu (Global Health Program) của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations – CFR)
Nền dân chủ không còn chết đi trong đêm tối nữa. Nó chết giữa ánh sáng ban ngày, sau mỗi cuộc bầu cử, khi các cử tri đón nhận những nhà lãnh đạo dân túy và chuyên quyền hứa hẹn sẽ dẹp bỏ các rào cản và mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn, là điều mà nền dân chủ đã không làm được.
Không phải những cuộc đảo chính quân sự lúc nửa đêm hay các giao dịch sân sau mờ ám đã đưa những kẻ mạnh bạo (strongmen) lên nắm quyền lực ở Nicaragua, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela – những nền dân chủ trong quá khứ mà nay đã gia nhập hàng ngũ các nước chuyên quyền trên thế giới. Chính những bất mãn hằng ngày về các khoản phí chăm sóc sức khỏe cao, trường học kém hiệu quả, và các chính trị gia tham nhũng đã khiến cử tri ở các quốc gia trên bầu chọn những lãnh đạo dân túy. Từ khi nắm được quyền lực, các nhà lãnh đạo này đã công khai và dần dà làm tổn hại các cuộc bầu cử công bằng, nền truyền thông tự do, và những ràng buộc thể chế (với nhà cầm quyền) – vốn là những trụ cột quan trọng của một nền dân chủ. Việc đó lại được cổ vũ bởi những người ủng hộ đang nóng lòng chờ kết quả.
Kết quả của xu hướng trên là sự tăng lên về số lượng các quốc gia đang trải qua quá trình chuyên chế hóa (autocratization) trên toàn cầu, hoặc sự suy giảm đáng kể về chất lượng nền dân chủ của những nước này. Đồng thời, con số các quốc gia đang trải qua quá trình dân chủ hóa – hoặc những cải thiện đáng kể về chất lượng nền dân chủ – vốn đạt đỉnh vào năm 1994 ngay sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đã bắt đầu có xu hướng giảm kể từ thời điểm đó.
Các cử tri có thể quay sang ủng hộ chính quyền chuyên chế vì những hứa hẹn về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng, ít nhất là về mặt sức khỏe, những kỳ vọng trên đã không được đáp ứng. Tuổi thọ trung bình đã giảm 2% ở các quốc gia dân chủ mà gần đây trở thành chuyên quyền (Honduras, Nicaragua, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela), so với các nước dân chủ không trải qua quá trình này.
Những tác động nguy hại của chế độ chuyên quyền vẫn còn mạnh mẽ ngay cả khi tính đến những khác biệt về kinh tế giữa các nước và loại trừ Venezuela, nơi có hệ thống y tế đang sụp đổ.
Một khi không có áp lực của việc tranh cử công bằng hoặc trách nhiệm giải trình trước một nền truyền thông tự do, các lãnh đạo chuyên quyền có ít động lực hơn những người đồng cấp trong các nền dân chủ để làm các công việc nặng nhọc, như duy trì một cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe tiên tiến và cải thiện việc chăm sóc y tế cho các căn bệnh mãn tính. Thay vì áp dụng các biện pháp để cải thiện sức khỏe của người dân, các lãnh đạo chuyên quyền ở các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ đã khai thác sự chia rẽ sắc tộc và giai cấp, cũng như cậy nhờ sự bảo trợ để giữ vững quyền lực.
Quá trình chuyên quyền hóa thật sự nguy hại cho sức khỏe. Ảnh hưởng của quá trình này đến tuổi thọ có thể là do thiếu những thành tựu của nền dân chủ trong việc giảm số người tử vong do các bệnh không lây nhiễm, vốn đang gia tăng nhanh chóng ở nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Trải nghiệm dân chủ của một quốc gia – là thước đo cho biết một đất nước đã trở nên dân chủ đến mức nào, và trong bao lâu – còn quan trọng hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước đó trong việc làm giảm các ca tử vong bởi các bệnh về tim mạch, chấn thương do tai nạn giao thông, ung thư, và các bệnh không lây nhiễm khác.
Một
nghiên cứu trước đó ước tính rằng, sự tiến bộ trong trải nghiệm
dân chủ đã giúp ngăn chặn 16 triệu ca tử vong trên toàn cầu từ năm 1995 đến
2015, chỉ tính riêng các bệnh về tim mạch. Chúng ta thấy các quốc gia đã được
hưởng lợi từ những cải thiện về sức khỏe liên quan đến trải nghiệm dân chủ. Các
quốc gia vùng Baltic, Brazil, Mông Cổ, Ba Lan, và Nam Phi đã trải qua những cải
thiện đáng kể nhất về sức khỏe khi những nước này bắt đầu tiến trình dân chủ
hóa đất nước. Đáng buồn thay, một vài nước trong số đó, bao gồm Brazil và Ba
Lan, giờ đây có thể đang chuyển hướng sang nền chuyên chế.
Các
cuộc bầu cử và sức khỏe người dân của một quốc gia là hai thứ ngày càng không
thể tách rời. Các thiết chế và quy trình dân chủ, đặc biệt là các kỳ bầu cử tự
do và công bằng, có thể cải thiện sức khỏe của người dân, đặc biệt là đối với
các bệnh về tim mạch và các bệnh không truyền nhiễm khác. Các cử tri nên cảnh
giác với những nhà lãnh đạo dân túy hứa hẹn mang đến một nền y tế tốt hơn bằng
cách làm xói mòn trách nhiệm giải trình và việc xây dựng sự đồng thuận một cách
từ tốn và cẩn trọng – những đòi hỏi thiết yếu của một nền dân chủ./.
No comments:
Post a Comment