Sunday, September 18, 2022

Ủy Viên Bộ Chính Trị Trần Xuân Bách

Nói Với Người Cộng Sản

Tiếp theo đây, mời quí thính giả theo dõi chuyên mục ”Nói Với Người Cộng Sản”. Đây là diễn đàn để trình bày với các đảng viên đảng csVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. ”Nói Với Người Cộng Sản” do Tiến Văn biên soạn qua sự trình bày của Hoàng Ân.

Tiến Văn 

Thưa quí vị đảng viên lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,

Tuần trước chúng ta nhắc tới các ông Trần Xuân Bách, Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hộ. Đây chỉ là bốn nhân vật cộng sản đã thức tỉnh mang tính  tượng trưng trong số nhiều các đảng viên cộng sản đã thức tỉnh theo xu hướng chống lại độc tài đảng trị.

Trong bốn nhân vật vừa kể, ông Trần Xuân Bách là người đã giữ một vị trí quyền lực cao nhất khi thức tỉnh.

Hôm nay chúng ta cùng nhau nói về ông Trần Xuân Bách.

Ông Bách quê tại Nam Định, mảnh đất đã sinh ra nhiều nhân vật trong chế độ cộng sản như Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Mai Chí Thọ, Hoàng Minh Chính,...

Thời sau năm 1954, ông Trần Xuân Bách đã giữ nhiều chức vụ quan trọng của chính quyền độc tài trên miền Bắc như Phó Bí Thư Tỉnh ủy Ninh Bình, Giám Đốc Công An khu 3, Bí Thư tại nhiều tỉnh ở vùng châu thổ sông Hồng. Sau năm 1975, Trần Xuân Bách là một phụ tá tin cậy cho Lê Đức Thọ - nhân vật rất quyền thế và tàn bạo. Năm 1979 ông Trần Xuân Bách còn giữ vị trí tương đương với Toàn Quyền Việt Nam tại Cam Pu Chi A với bí số là Trưởng Ban B68.

Những nét sơ lược vừa kể đã cho chúng ta thấy cuộc sống và tư tưởng của ông Trần Xuân Bách gắn bó chặt chẽ với chế độ cộng sản; điều này cũng cho thấy độ phục tùng chế độ cộng sản và tiềm năng hoạn lộ của ông Trần Xuân Bách trong chế độ này đều ở mức rất cao trong phần đời tiếp theo.

Đúng như thế, ngay khóa 5 của đảng Hồ-Tàu, ông Trần Xuân Bách đã nằm trong Ban Bí Thư Trung Ương và giữ chức Chánh Văn Phòng Trung Ương của đảng Hồ-Tàu. Tới đại hội 6, ông Bách trở thành một trong ba ủy viên Bộ Chính Trị có quyền lực nhất. Ông Bách còn được nắm trọng trách kiểm soát ở mức cao nhất về tư tưởng của toàn đảng, toàn xã hội, với chức danh Trưởng Ban Tuyên Huấn Trung Ương, tiền thân của Trưởng Ban Tư Tưởng-Văn Hóa.

Thế nhưng, vào tháng 3 năm 1990, ông Bách đã bị kỷ luật, bị loại ra khỏi Bộ Chính Trị, bị cách hết mọi chức vụ, bị cho “về nhà ngồi chơi xơi nước” dưới sự theo rõi nghiêm ngặt của an ninh suốt 24 giờ một ngày. Bọn chóp bu, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Văn Linh và bộ sậu, đã viết như sau về việc kỉ luật Trần Xuân Bách :

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa 6 đã quyết định cách chức ủy viên Bộ Chính trị, bí thư trung ương, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng đối với đồng chí Trần Xuân Bách vì đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức và kỷ luật của Đảng, gây ra nhiều hậu quả xấu.

Tới đây, chúng ta có thể hỏi, vậy ông Trần Xuân Bách đã muốn hay làm điều gì mà “vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức, kỷ luật” của đảng Hồ-Tàu ? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta nên cùng nhau đọc lại một phần biểu tỏ của ông Trần Xuân Bách trước khi bị kỉ luật. Ông đã thổ lộ như sau với một nhà báo cộng sản đương thời :

Chúng ta đã đổi mới kinh tế, thực hiện sở hữu tư nhân, kinh tế thị trường. Đã đến lúc phải đổi mới chính trị, dân chủ hóa xã hội,...

Không đổi mới chính trị nhịp nhàng với đổi mới kinh tế thì đến một lúc nào đó sự phát triển kinh tế cũng sẽ bị chựng lại, bởi những rào cản quan liêu, tham nhũng, hạn chế sáng kiến. Đổi mới kinh tế là thực hiện đa nguyên kinh tế,...từ đó nảy sinh đa nguyên chính trị.

Đổi mới chính trị là từng bước chấp nhận đa nguyên chính trị song song với đa nguyên kinh tế. đúng như Mác, Ăng Ghen...

Từ một xã hội khép kín, chúng ta khởi xướng đổi mới, mở cửa, làm bạn với tất cả các nước. Vậy thì trong nước cũng phải là một xã hội mở chấp nhận tự do báo chí, tự do ngôn luận, nhiều tiếng nói có quan điểm khác biệt đối thoại, thương thảo, quyết định thuộc về đa số, nhưng thiểu số được tôn trọng và bảo vệ.

Như vậy, ông Trần Xuân Bách mong muốn thay đổi chế độ hoàn toàn là vì quyền lợi chung tốt đẹp hơn cho dân tộc, cho xã hội Việt Nam. Không những thế, ông Bách còn dự kiến, đảng cộng sản sẽ được “tôn trọng và bảo vệ” trong chế độ mới.

Đã hơn 32 năm trôi qua sau ngày ông Trần Xuân Bách bị loại khỏi bộ máy chính trị và phải sống một cuộc đời “tù tại gia” không án; hơn 16 năm, sau khi ông Trần Xuân Bách đã qua đời vào năm 2006; bọn chóp bu trong đảng Hồ-Tàu không chỉ không ngó chi tới những tư tưởng và ước muốn đúng đắn, cao thượng của ông Trần Xuân Bách, chúng còn gia tăng trấn áp những người có tư tưởng tương tự.

Những diễn biến này cho tất cả chúng ta thấy rằng trông chờ hay kiến nghị và hi vọng bọn chóp bu thay đổi hay chấp nhận các khuyến cáo thay đổi là chuyện không thể xảy ra. Chúng ta cần phải tìm ra một cách thức khác thực tế và hiệu quả hơn.

 

Hoàng Ân cùng Tiến Văn tạm biệt và xin hẹn quí vị, quí bạn trong chương trình tuần sau.

 

18/09/2022

 

No comments:

Post a Comment