Friday, September 30, 2022

Tin Tức, Thứ Sáu 30.09.2022

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Bá Cơ trình bày sau đây.

1/  14 PHỤ NỮ VIỆT ĐƯỢC GIẢI CỨU KHỎI ĐƯỜNG DÂY BUÔN NGƯỜI Ở PHI

Cảnh sát Philippines vừa giải cứu 24 nạn nhân, trong số đó có 14 phụ nữ VN và 10 phụ nữ Tàu, với hai nghi phạm người Tàu bị xem là đã giam giữ họ ở thành phố Paranaque.

Các nạn nhân đã được cảnh sát giải cứu trong một cuộc đột kích vào khu chung cư ở Barangay Tambo vào khoảng 11 giờ 30 tối ngày 27/9, theo loan báo của Trung tướng Jose Chiquito Malayo. Vụ đột kích đến từ một mật báo cho biết số phụ nữ nói trên bị giam giữ bất hợp pháp trong 3 căn chung cư ở Tambo.

Hai người Tàu đang canh gác các nạn nhân đã bị bắt trong cuộc đột kích nói trên là Du Wei 36 tuổi và Fang Zeng 28 tuổi. Các nạn nhân cho biết họ được hứa hẹn về “công việc nhẹ lương cao” tại Phi nhưng sau đó bị ép phải hành nghề mãi dâm.

Vào đầu tuần này, chính phủ Phi cho biết họ sẽ đóng cửa 175 công ty sòng bạc  trực tuyến và trục xuất khoảng 40 ngàn công dân Hoa Lục đang làm việc do những áp lực lên chính phủ về việc trấn áp nạn cá cược trực tuyến đầy mờ ám.

Theo ước tính thì có 121 ngàn công nhân đang làm việc tại các sòng bạc nói trên ở Phi vào năm 2020. Trong số này, có gần 70 ngàn công dân Trung Quốc và 3 ngàn người Việt Nam.

https://www.voatiengviet.com/a/6768847.html

2/  26 TỔ CHỨC QUỐC TẾ KÊU GỌI HỦY TÀI TRỢ CHO DỰ ÁN ĐIỆN CHÂN MÂY

Trong một lá thư gửi đến Công ty Tài chánh Quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới vào ngày 28/9, 26 tổ chức môi trường kêu gọi hủy bỏ tài trợ cho dự án Điện khí Chân Mây ở tỉnh Thừa Thiên.

Đây là dự án có công suất 4000 MW, với vốn đầu tư là 6 tỷ Mỹ kim do công ty Chân Mây làm chủ đầu tư. Trong lá thư, các tổ chức môi trường cho rằng việc tham gia vào một dự án xử dụng nhiên liệu hóa thạch là không cần thiết và gây hại cho môi trường, do đó không nên tài trợ cho dự án này.

Theo lá thư, việc tài trợ cho dự án cũng đi ngược lại các cam kết của chính phủ Mỹ về khí hậu trên thế giới. Theo hướng dẫn của Mỹ thì các ngân hàng đa phương chỉ cấp vốn cho các trường hợp thật đặc biệt và sau khi một loạt tiêu chuẩn được đáp ứng.

Cũng trong lá thư nói trên, những tổ chức về môi trường quốc tế cũng nhắc đến 4 nhà hoạt động môi trường Việt Nam bị bạo quyền bỏ tù với cáo buộc trốn thuế trong năm nay. Bức thư kêu gọi Ngân hàng Quốc tế và các cổ đông của tổ chức này phải có hành động đáp ứng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/campaigners-urge-ifc-to-ditch-reported-backing-for-vn-gas-project-09292022083714.html

3/ BÀ AUNG SAN SUU KYI BỊ KẾT ÁN THÊM 3 NĂM TÙ

Trong phiên xử vào hôm qua, thứ Năm 29/9, tập đoàn quân phiệt Miến Điện đã kết án thêm 3 năm tù đối với bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo tối cao của chính phủ dân sự bị lật đổ.

Bà Suu Kyi đã bị tuyên án 20 năm tù trong các tòa án vừa qua với cáo buộc tham nhũng và gian lận bầu cử. Lần này bà lãnh thêm 3 năm tù giam với cáo buộc “vi phạm những bí mật quốc gia”.

Từ sau cuộc đảo chánh quân sự vào đầu tháng 2 năm 2021, tập đoàn quân phiệt Miến đã mang bà Suu Kyi 77 tuổi ra xét xử về nhiều cáo buộc. Nếu xét xử xong toàn bộ, bà có thể lãnh án tổng cộng lên đến 120 năm tù. Cùng với bà Suu Kyi, ông Sean Turnell, một công dân Úc làm cố vấn kinh tế cho bà, đã bị tuyên án 3 năm tù cùng với ba cựu bộ trưởng bị lật đổ. Ông Turnell là người bị bắt giữ ngay sau cuộc đảo chánh.

Giám đốc đặc trách khu vực châu Á của tổ chức Giám sát Nhân quyền, bà Elaine Pearson, nhận định là một loạt các bản án vừa tuyên hôm nay cho thấy tập đoàn quân sự không chút ngần ngại khẳng định là một chế độ bất hảo bị quốc tế tẩy chay”. Tổ chức này kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy phối hợp hành động để “khôi phục tình hình nhân quyền tại Miến Điện”. 

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20220929-mi%E1%BA%BFn-%C4%91i%E1%BB%87n-c%E1%BB%B1u-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-aung-san-suu-kyi-l%C3%A3nh-th%C3%AAm-3-n%C4%83m-t%C3%B9

4) MỸ, CHÂU ÂU CHUẨN BỊ CÁC BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT MỚI ĐỐI VỚI NGA                                                                                                                                                                                             

Mỹ và Liên minh châu Âu đang sẵn sàng áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, mặc dù một số thành viên EU đang dè dặt về cuộc suy thoái kinh tế ở châu Âu đang gia tăng.                                                                                                                                                        

Theo các quan chức tham gia cuộc đàm phán, Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, có khả năng sẽ đề xuất các biện pháp kiểm soát xuất nhập khẩu mới đối với Nga. Nó cũng sẽ đề xuất đưa thêm các quan chức Nga và lực lượng ly khai ủng hộ Điện Kremlin vào danh sách trừng phạt trong những ngày tới.

Trong khi đó, chính quyền Biden đang chuẩn bị một loạt các biện pháp trừng phạt mới của riêng mình. Các quan chức cho biết vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về hàng hóa nào sẽ bị Mỹ nhắm tới.

Tuy nhiên, bất kỳ quyết định nào cũng sẽ tính đến những gì các quan chức phương Tây cho là sự leo thang nguy hiểm của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong lời kêu gọi điều động quân đội mới , đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân và những nỗ lực mới nhất của ông nhằm thôn tính các phần lãnh thổ Ukraine.

5) HÀNH PHÁP HOA KỲ XÁC NHẬN TRUNG CỘNG NGỪNG HỢP TÁC CHỐNG MA TÚY

Quan chức về chính sách ma túy hàng đầu của Tòa Bạch Ốc Rahul Gupta hôm thứ Tư 28 tháng 9 cho biết Bắc Kinh đã sử dụng chuyến thăm Đài Loan gần đây của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi như một "cái cớ để lùi lại hợp tác" về chống buôn bán ma túy.

Ông Rahul Gupta, nói rằng cơ quan ông đã yêu cầu làm việc lại với các quan chức Bắc Kinh về việc ngăn chặn việc buôn lậu các chất ma túy bất hợp pháp - bao gồm cả fentanyl - vào Hoa Kỳ vốn đã bị đình trệ, và Tòa Bạch Ốc đang cố gắng lôi kéo Trung cộng "trở lại bàn ăn” (từ trong ngoặc kép).

Sau khi Pelosi đến thăm Đài Loan và gặp gỡ các quan chức được bầu vào đầu tháng 8, Bắc Kinh đã kết thúc các cuộc thảo luận về buôn bán ma túy như một phần trong phản ứng của mình, làm dấy lên lo ngại ở Washington. Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh bất hảo và cuối cùng sẽ thống nhất với đại lục, bằng vũ lực nếu cần. Trong nhiều năm, Bắc Kinh đã mở cửa cho các cuộc đàm phán về nhiều cách để trấn áp các hoạt động buôn bán bất hợp pháp ở Hoa Lục.

 

5/ THẾ GIỚI CÀNG ÍT THIỆN CẢM ĐỐI VỚI TRUNG CỘNG

Dư luận tại Mỹ và tại các nước tiên tiến khác nhìn về Trung Cộng với ánh mắt tiêu cực hơn dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, theo kết quả khảo sát của trung tâm nghiên cứu Pew.

Ông Tập Cận Bình 69 tuổi dự trù sẽ giành thêm một nhiệm kỳ thứ 3 chưa từng có tiền lệ tại đại hội đảng cộng sản Trung Hoa vào ngày 16 tháng 10 tới đây.

Cuộc khảo sát được công bố hôm 28/9 cho thấy quan điểm không ưa chuộng Trung Cộng tại các nền kinh tế phát triển, trước khi trở nên tồi tệ hơn giữa các mối quan tâm bao gồm nhân quyền và sức mạnh quân sự, với một số thay đổi rõ nét nhất từ năm 2019 đến năm 2020. Các thay đổi này đến từ phần cảm nhận về việc Trung Cộng giải quyết dịch bệnh Vũ Hán, cũng như cuộc thương chiến Mỹ - Hoa và việc bành trướng quân sự ở Biển Đông.

Tại Hoa Kỳ, hơn 80% số người được hỏi bày tỏ là “không cảm tình” với Trung Cộng, tăng từ mức 79% vào năm 2020. Tỷ lệ những người “không tin tưởng” ông Tập làm đúng trong các vấn đề thế giới là 87% ở Nam Hàn, tăng từ 29% vào năm 2015.

Bộ ngoại giao Trung Cộng đã bác bỏ báo cáo của Pew khi được hỏi bình luận trong một cuộc họp báo thường kỳ vào hôm qua, thứ Năm 29/9, với lý do là họ Tập được 1 tỷ 400 triệu người Tàu ủng hộ và có uy tín cao trên cộng đồng thế giới.

https://www.voatiengviet.com/a/khao-sat-pew-nguoi-dan-cac-nuoc-tien-tien-%C3%AD-thien-cam-voi-tq-duoi-thoi-tap-can-binh/6769303.html

 

 

No comments:

Post a Comment