Sunday, April 4, 2021

Tin Tức: Chủ Nhật 04.04.2021

Tin Tức

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Khánh Ngọc và Miên Dương

1)THÊM MỘT NHÀ BÁO TỰ DO BỊ CSVN BẮT GIAM

Vào thứ Sáu ngày 02.04, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành Hồ đã bắt giam nhà báo Nguyễn Hoài Nam để điều tra về cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 của Bộ Luật Hình sự 2015.

Ông Nguyễn Hoài Nam, sinh năm 1973, sẽ bị tạm giam 3 tháng để điều tra về cáo buộc trên. Trước khi bị bắt, ông Nam  từng làm việc cho nhiều báo trong đó có tờ Thanh Niên và Đài Tiếng nói Việt Nam, và mới nghỉ việc ở báo Pháp Luật Việt Nam cuối năm ngoái.

Trước khi bị bắt giam, trên trang Facebook cá nhân, ông Nam đã đăng hàng loạt bài viết trong các vụ sai phạm xảy ra tại Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam. Ngoài ra, ông còn đăng một số bài viết liên quan đến nhiều viên chức đang làm việc tại một số cơ quan tố tụng. Cuối tháng trước, trong bức thư ngỏ gửi Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, ông Nam tố cáo ‘”sự bắt tay” giữa công an và Viện Kiểm sát trong một số vụ án gây tình trạng bỏ lọt tội phạm, mà cụ thể là tham nhũng ở Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam.

Kể từ đầu năm đến nay, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã bắt giam ít nhất 6 người vì các cáo buộc liên quan đến an ninh, bao gồm 2 nhà báo và 4 Facebooker.

2) HAI THIẾU NIÊN BỊ BẢO VỆ TỔ DÂN PHỐ ĐÁNH CHẤN THƯƠNG ĐẦU TRONG PHÒNG GIÁM THỊ

Hôm thứ Sáu ngày 02.04, Bệnh viện Nhi đồng 1 ở thành phố Sài Gòn cho biết hai bệnh nhân trong vụ bạo hành ở phòng giám thị trường Trung học Cơ sở Nguyễn Văn Tố đã bị chấn thương đầu và cổ.

Cả hai thiếu niên này đều ở tuổi 14. Cả hai được đưa đến bệnh viện trong tình trạng đau đầu và cổ. Tuy nhiên, bệnh viện cho biết tình trạng hai bệnh nhân đã ổn định và sớm được xuất viện.

Một ngày trước đó, mạng xã hội đã loan tải một đoạn clip dài hơn một phút ghi cảnh 2 trẻ em bị nhân viên an ninh tổ dân phố 12, phường 14, quận 10, liên tục đấm, đá, tát vào mặt. Sự việc diễn ra tại phòng giám thị Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Văn Tố.

3) BAN LÃNH ĐẠO CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐÃ CHIA XONG CÁC VỊ TRÍ CAO CẤP

Hơn hai tháng sau đại hội lần thứ 13 của đảng cộng sản Việt Nam, ban lãnh đạo mới đã thoả thuận và chia nhau các vị trí chủ chốt của bộ máy đảng và nhà nước cho dù cuộc bầu cử quốc hội sẽ được thực hiện vào cuối tháng Năm.

Ông Nguyễn Phú Trọng chỉ còn chức tổng bí thư, chức vụ cao nhất của chế độ. Ông Nguyễn Xuân Phúc thôi chức thủ tướng đầy quyền lực để giữ chức vụ chủ tịch nước, một vị trí mang tính lễ nghi chứ không có thực quyền. Ông Phạm Minh Chính, người đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương đảng, sẽ đứng đầu chính phủ trong khi ông Vương Đình Huệ được sắp xếp vào ghế chủ tịch quốc hội. Tất cả việc sắp xếp này được hợp pháp hoá bằng các cuộc bỏ phiếu hình thức của quốc hội bù nhìn diễn ra từ ngày 31.03 đến 05.04.

Cựu bộ trưởng tài chính Đinh Tiến Dũng được đảng chỉ định làm bí thư thành uỷ Hà Nội, thay thế ông Huệ.

Tuần tới, quốc hội sẽ bỏ phiếu chuẩn y chính phủ mới của ông Chính. Ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam được cho là sẽ giữ chức vụ phó thủ tướng trong khi tổng tham mưu trưởng Phan Văn Giang sẽ đứng đầu bộ quốc phòng. Đại tướng Tô Lâm dường như sẽ tại vị chức bộ trưởng công an vốn mang quyền sinh quyền sát.

4) HOA KỲ VÀ CHÂU ÂU ĐANG HỖ TRỢ DỰ ÁN TÀU NGẦM CHO ĐÀI LOAN

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết nước này đang nhận sự trợ giúp từ Hoa Kỳ và nhiều quốc gia châu Âu trong dự án tàu ngầm bản địa của Đài Loan. Công ty Đóng tàu Quốc tế Đài Loan CSBC do nhà nước hậu thuẫn đã bắt đầu đóng các tàu ngầm mới vào năm ngoái, với mục tiêu giao chiếc đầu tiên trong số tám chiếc theo kế hoạch vào năm 2025.

Đài Loan, lãnh thổ mà Trung Cộng tuyên bố chủ quyền, từ nhiều năm nay đã nỗ lực cải tiến lực lượng tàu ngầm của mình, trong đó có một số tàu từ thời Đệ nhị Thế chiến. Năm 2018, Chính phủ Hoa Kỳ đã cho phép một số nhà sản xuất Mỹ tham gia chương trình này, một bước đi được nhiều người coi là giúp Đài Loan thủ đắc các cấu phần chính, dù vẫn chưa rõ những công ty nào đang tham gia.

Các nước châu Âu nhìn chung e ngại trong việc bán vũ khí cho Đài Loan do lo ngại việc này sẽ khiến Trung Cộng tức giận, dù vào năm 2018 Đài Loan cho biết họ đang bàn bạc với một công ty có trụ sở tại Gibraltar thuộc Anh về thiết kế của hạm đội tàu ngầm mới.

Hai trong số bốn tàu ngầm đang hoạt động của Đài Loan được đóng ở Hòa Lan trong những năm 1980, dù sau đó nước này từ chối bán thêm. Pháp cũng đã bán cho Đài Loan nhiều tàu tuần duyên và phi cơ chiến đấu. Năm ngoái, Đài Loan cho biết họ đang nỗ lực mua thiết bị từ Pháp để nâng cấp hệ thống gây nhiễu phi đạn của các tàu này.

5) CANADA THÁCH THỨC TRUNG CỘNG TRONG VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

Bộ Quốc phòng Canada đã chính thức thông báo sự kiện chiến hạm HMCS Calgary của nước này đi ngang qua vùng quần đảo Trường Sa trên đường từ Brunei đến Việt Nam trong hai ngày 29 và 30.03.

Trong hành trình qua Biển Đông, chiếc Calgary đã bị một tàu chiến Trung Cộng bám sát theo và chiến hạm Canada đã cập bến cảng Cam Ranh của Việt Nam hôm 31.03 để được “tiếp tế hậu cần.”

Cho dù chính quyền Canada đã giải thích lý do chiến hạm Canada băng qua Biển Đông bằng tính chất “thuận tiện” của lộ trình, giới quan sát đã gắn liền động thái này của Ottawa với bối cảnh quan hệ càng lúc càng căng thẳng giữa Canada và Trung Quốc, sau vụ Bắc Kinh cho bắt giữ hai công dân Canada làm việc tại Hoa Lục rồi đưa ra xét xử với cáo buộc làm gián điệp, để trả đũa vụ Ottawa cho bắt giữ rồi quản chế giám đốc tài chánh của tập đoàn công nghệ viễn thông Trung Cộng Hoa Vi.

Cho dù là quốc gia ngoài vùng Biển Đông, Canada đã cùng với Hoa Kỳ, Nhật, Anh, và Úc lên án hành vi của Trung Cộng tại vùng Đá Ba Đầu.

No comments:

Post a Comment