Monday, April 12, 2021

Nhân quyền theo định nghĩa Bắc Kinh

Bình Luận

Kính thưa quý thính giả, các đảng CS đều gian dối và bạo lực. Định nghĩa nhân quyền đối với họ có nghĩa là nhân dân là những nô lệ trong một trại tù khổng lồ do các đảng viên làm cai ngục.  Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình luận của Phạm Phú Khải với tựa đề: “Nhân quyền theo định nghĩa Bắc Kinh” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.

Phạm Phú Khải

Vào ngày 22 tháng 2 năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị đã có bài phát biểu tại phiên họp thứ 46 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Trong bài phát biểu này, Vương Nghị muốn định nghĩa lại nhân quyền. Ông Vương nêu lên 4 quan điểm chính sau đây:

Một, chúng ta nên ôm lấy một triết lý nhân quyền đặt trọng tâm vào người dân.

Hai, chúng ta nên đề cao tính phổ biến lẫn tính đặc thù của quyền con người.

Ba, chúng ta nên thúc đẩy một cách hệ thống tất cả các khía cạnh của quyền con người.

Bốn, chúng ta nên tiếp tục thúc đẩy đối thoại và hợp tác quốc tế về nhân quyền.

Để biện minh cho các nguyên tắc trên, ông Vương cho rằng: Hòa bình, phát triển, công bằng, công lý, dân chủ và tự do là những giá trị chung của toàn nhân loại và được tất cả các quốc gia công nhận; nhưng mặt khác, các quốc gia khác nhau về lịch sử, văn hóa, hệ thống xã hội và trình độ phát triển kinh tế, xã hội. Hơn nữa, ông Vương nhấn mạnh rằng nhân quyền không phải là độc quyền của một số ít quốc gia, và hơn nữa không nên được sử dụng như một công cụ để gây áp lực với các quốc gia khác và can thiệp vào công việc nội bộ của họ.

Ở đây, có vài điều đáng nói.

Một, các giá trị hòa bình, phát triển, công bằng, công lý, dân chủ và tự do, tuy phổ quát, nhưng đừng vội cho rằng Bắc Kinh hiểu nó giống như cách hiểu phổ quát của Tây phương. Nó không nhất thiết là cách định nghĩa của Bắc Kinh. Hòa bình, đối với Bắc Kinh, cũng có nghĩa là Quân đội Giải phóng Nhân dân được trang bị vũ khí tối tân bên cạnh các nước láng giềng, như trên Biển Đông, chẳng hạn. Phát triển của họ cũng có nghĩa là bất chấp môi trường hay cái giá phải trả về sự đầy đọa nhân sinh. Công bằng có nghĩa là người cộng sản và con em của họ là trên hết.

Hai, ông Vương nhấn mạnh sự khác biệt về lịch sử, văn hóa, hệ thống xã hội và trình độ phát triển kinh tế, xã hội để biện minh rằng, cách nhìn nhận và tiếp cận nhân quyền khác của Bắc Kinh. Ông Vương muốn biện luận rằng, Bắc Kinh luôn có cách nhìn riêng, và đó là quyền của họ, mà các nước khác cần phải tôn trọng. Tức là đừng xen vào, hay phê phán, tình trạng nhân quyền của Trung Quốc, vì đó là chuyện nội bộ.

Bài phát biểu của ông Vương mang chiến lược đối ngoại lẫn đối nội.

Về mặt đối ngoại, thì trước các áp lực quốc tế ngày càng lên án về tội diệt chủng của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ (Uyghurs), và sự đàn áp quyền tự do ngôn luận và chính trị của người Hồng Kông trong năm qua, ông Vương muốn lợi dụng diễn đàn quốc tế này để phản bác các chỉ trích từ Mỹ và các quốc gia khác.

Về mặt đối nội, ông Vương cũng muốn thuyết phục người dân Trung Quốc rằng nhân quyền, dân chủ và tự do rồi sẽ đến, nhưng nó sẽ khác với các nước khác; ưu tiên hiện nay là phát triển, an ninh, v.v… Ông Vương nêu cao thành tích nhân quyền của Bắc Kinh qua thành tựu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân nông thôn lên khỏi mức nghèo đói. Ông Vương biện luận rằng: “Nâng cao ý thức của người dân về lợi ích, hạnh phúc và an ninh là mục tiêu cơ bản của quyền con người cũng như mục tiêu cuối cùng của quản trị quốc gia. Triết lý lấy người dân làm trung tâm có nghĩa là người dân phải là người chủ thực sự của đất nước họ, và họ nên tham gia vào quản trị quốc gia và tham vấn chính trị. Điều đó cũng có nghĩa là khoảng cách giàu nghèo cần được thu hẹp và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của người dân.”

Nhưng những điều ông Vương nói chỉ toàn mang tính tuyên truyền, dối trá, vì trên thực tế, Bắc Kinh chỉ làm hoàn toàn ngược lại. Bất cứ ai lên tiếng nói khác với quan điểm chính thống của Bắc Kinh thì an ninh không còn gì là bảo đảm cả.

Hành động của Bắc Kinh qua bài phát biểu của ông Vương Nghị cho thấy, thay vì cấm cản công dân của họ biết về tình hình nhân quyền như trước đây, nhất là sau biến cố Thiên An Môn, Bắc Kinh hiện đang thay đổi chiến lược và chiến thuật: Nhân quyền phải được nhìn qua định nghĩa mới của họ; và định nghĩa mới này sẽ mang tính cách cạnh tranh với Mỹ và các nền dân chủ khác.

ĐCSTQ luôn muốn nhấn mạnh tính cách riêng của họ. Chẳng hạn, với xã hội chủ nghĩa, hay kinh tế thị trường, thì giới lãnh đạo Bắc Kinh cũng muốn cho thêm vào các chữ “với đặc tính Trung Hoa” (with Chinese characteristics). Gần đây, với nhân quyền, như đã trình bày trên, họ cũng muốn dùng “nhân quyền theo đặc tính Trung Hoa”, như một công cụ, để biện minh cho sự vi phạm trầm trọng của mình, qua đó, hợp thức hóa các chính sách nhân quyền của họ hiện nay và tương lai.

Đó là lý do mà các nền dân chủ cấp tiến phải mạnh mẽ liên minh với nhau và bắt buộc Trung Quốc phải tôn trọng quy luật và giá trị chung, thay vì tái định nghĩa để thao túng nhân quyền, kinh tế hay các lĩnh vực khác để phục vụ cho mục tiêu bá quyền của họ./.

No comments:

Post a Comment