Thursday, April 8, 2021

TIN TỨC: Thứ Năm, ngày 08 tháng 04 năm 2021

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức  sẽ được Vân Khanh và Miên Dương trình bày sau đây.

1) BÀ NGUYỄN THUÝ HẠNH BỊ BẮT

Bà Nguyễn Thuý Hạnh, một trong những người hoạt động nhân quyền nổi trội tại Hà Nội vài năm trở lại đây, vừa bị bắt sáng hôm qua 7/4/2021.

Thời gian gần đây, bà Hạnh liên tục lên tiếng đòi ngân hàng Vietcombank trả lại hơn 500 triệu tiền phúng điếu từ mọi nơi gửi về tài khoản của bà để giúp đỡ gia đình cụ Lê Đình Kình sau vụ thảm sát Đồng Tâm hồi tháng 1/2019. Công an Hà Nội cáo buộc số tiền này nhằm tài trợ khủng bố nên đã ra lệnh cho ngân hàng Vietcombank phong toả tài khoản của bà. Tuy nhiên, sau khi vụ án Đồng Tâm kết thúc vài tháng trước, toà án không nhắc đến và cũng không xác định đây là tiền tài trợ khủng bố. Theo nguyên tắc, số tiền phải được trả lại cho bà Hạnh cùng với lời xin lỗi công khai và bồi thường tổn thất tinh thần cho bà nhưng công an đã giải quyết vụ bê bối này bằng cách bắt giam bà.

Nguyễn Thuý Hạnh là người khởi xướng và điều hành Quỹ 50K- quỹ do người dân tự nguyện đóng góp nhằm mục đích giúp đỡ các gia đình TNLT khó khăn. Cuối năm 2020, do áp lực từ phía nhà cầm quyền và do tình trạng sức khoẻ giảm sút, bà Hạnh đã tuyên bố ngừng mọi hoạt động liên quan đến Quỹ này.

Bà Hạnh bị bắt sau nhiều tháng bị khủng bố, triệu tập và theo sát. Tư gia của bà cũng bị công an đóng chốt canh gác nhiều ngày nay. Cơ quan an ninh điều tra bắt bà Nguyễn Thuý Hạnh khi chồng bà, ông Huỳnh Ngọc Chênh không có mặt ở Hà Nội vì lý do công việc.

Nhiều giờ sau khi bắt bà Hạnh, cổng thông tin điện tử của công an Hà Nội loan tin, bà Hạnh bị giam giữ để điều tra về hành vi “chống nhà nước”, điều 117 BLHS-2015.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh bình luận về vụ bắt bớ này là “một trong những cú dứt điểm của công an HN, để hoàn toàn quét sạch tất cả những trạm thông tin tự do vốn gây bất lợi cho phía nhà nước”.

Chỉ trong vòng 6 tháng qua, rất nhiều người bị bắt liên quan đến quyền tự do biểu đạt. Có thể kể tên một số người như nhà báo Phạm Đoạn Trang, nhà báo Nguyễn Hoài Nam, blogger Lê Trọng Hùng, bác sĩ Nguyễn Duy Hướng và nhiều facebookers khác. Vụ bắt bà Nguyễn Thuý Hạnh sẽ không phải vụ cuối cùng khi cuộc mua bán vị trí trong quốc hội sắp được ĐCSVN tiến hành.

2)  SỐ LƯỢNG TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM TẠI VN GIA TĂNG MẠNH TRONG ĐẠI DỊCH

Trong báo cáo nhân quyền được công bố vào hôm thứ Ba 6/4, tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết năm 2020 là một năm đầy bất hạnh cho giới bất đồng chính kiến tại VN, với số lượng tù nhân lương tâm gia tăng mạnh trong lúc đại dịch Vũ Hán hoành hành trên toàn cầu.

Theo báo cáo nói trên, số lượng tù nhân lương tâm đã tăng lên mức kỷ lục là 173 người trong vòng một năm qua, đặc biệt là trong thời điểm diễn ra đại hội đảng lần thứ 13. Đây là mức cao nhất kể từ khi Ân xá Quốc tế lập bảng kiểm kê từ năm 1996. Không chỉ có số lượng người bị bắt, báo cáo còn nhấn mạnh đến tình trạng hành hạ tinh thần và thể xác các tù nhân lương tâm trong các trại tù VN.

Một điểm đáng chú ý là báo cáo cũng nhận định các tập đoàn Facebook và YouTube đã tiếp tay cho bạo quyền VN trong việc gia tăng kiểm duyệt, loại bỏ các trang bất đồng chính kiến với chế độ CSVN.

3)  CÁ CHẾT DÀY ĐẶC Ở THƯỢNG NGUỒN SÔNG SÀI GÒN

Giới chức tỉnh Bình Dương đang mở cuộc điều tra về nguyên nhân cá chết dày đặc trong các lồng bè ở thượng nguồn sông Sài Gòn.

Trả lời báo chí vào sáng thứ Tư 7/4, nhà cầm quyền huyện Dầu Tiếng cho biết là chưa tìm thấy dấu vết về việc xả thải của các nhà máy công nghiệp như trong cáo buộc của người dân.

Cần biết là kể từ ngày 2/4 tuần trước, sau một cơn mưa lớn ở huyện Dầu Tiếng, hiện tượng cá chết dày đặc trong lồng bè diễn ra trên sông Sài Gòn, với mức thiệt hại là hơn 80 tấn cá, có trị giá hơn 4 tỷ đồng. Không chỉ có cá lồng bè, các thủy sản bên ngoài cũng nổi lên trắng sông.

Trong một diễn biến tương tự ở tỉnh Phú Thọ, nhà cầm quyền vừa đưa ra kết luận về 40 tấn cá chết trong các lồng bè trên sông Lô. Theo đó thì nguyên nhân cá chết là vì thời tiết giá lạnh, người chăn nuôi giảm lượng thức ăn nên cá chết vì “đói lạnh”.

4)  THÊM MỘT NHÀ MÁY TRUNG CỘNG BỊ ĐỐT PHÁ Ở MIẾN ĐIỆN

Làn sóng phản kháng bằng bạo động đang leo thang tại Miến Điện vào hôm qua, vơi một nhà máy dệt của Trung Cộng bị đốt phá và 7 vụ nổ bom tại các công sở ở thành phố Yangon.

Cần nhắc lại, vào tháng trước, khoảng 30 nhà máy của Trung Cộng ở thành phố Yangon cũng bị dân Miến Điện đốt phá vì tin rằng Bắc Kinh tiếp tay cho cuộc đảo chánh của quân đội Miến.

Theo nhiều nguồn tin, trong số các cơ sở bị nổ tung ở Yangon vào hôm thứ Tư 7/4 có trụ sở hành chánh tỉnh, một quân y viện và một trung tâm thương mại. Trong khi đó, lực lượng an ninh tiếp tục nổ súng bừa bãi vào người biểu tình trên toàn quốc, khiến ít nhất 11 người chết ở thị trấn Kale và 2 người chết ở Yangon. Tính đến hôm qua, tập đoàn quân phiệt đã tán sát hơn 600 người dân và hơn 3 ngàn người bị bắt giam.

5)  TRUNG CỘNG TỬ HÌNH HAI QUAN CHỨC GỐC HỒI HỘT

Một tòa án ở khu tự trị Tân Cương vào hôm qua đã tuyên án tử hình hai quan chức gốc Hồi Hột với cáo buộc “gây phân hóa dân tộc” và “âm mưu ly khai”.

Hai người này là ông Shirzat Bawudun, cựu quan chức sở tư pháp, và ông Sattar Sawut, cựu giám đốc sở giáo dục Tân Cương. Cả hai đều bị án tử hình nhưng đình hoãn thi hành 2 năm. Theo cáo trạng, ông Bawudun đã móc nối với Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, một tổ chức bị LHQ liệt vào danh sách khủng bố. Ông cũng bị kết tội thực hiện các nghi thức tôn giáo bị cấm đoán trong hôn lễ của con gái.

Riêng ông Sawut bị kết tội đưa các nội dung ly khai sắc tộc, chủ thuyết tôn giáo, bạo lực và khủng bố vào trong sách giáo khoa giảng dạy cho sắc tộc Hồi Hột, dẫn đến cuộc bạo loạn ở thành phố Urumqi vào năm 2009 khiến ít nhất 200 người thiệt mạng.

Cần nói thêm, Trung Cộng đang chật vật đối phó với các sự trừng phạt của thế giới về tội diệt chủng sắc dân Hồi Hột ở Tân Cương, với các trại tập trung khổng lồ đang giam nhốt hàng triệu người thuộc sắt dân này.

No comments:

Post a Comment