Để tưởng niệm “Người Lính Già Vũ Cao Quận”, Đài ĐLSN trân trọng giới thiệu tập hồi ký “Chín ngày trong một đời người”. Hồi ký do Bá Cơ diễn đọc và sẽ được phát thanh vào mỗi tối thứ Tư hàng tuần. Sau đây là bài 12
Đến 2 giờ chiều tiếng mở khóa khua lách cách. Tôi lại lên đường đi cung. Lại hỏi và lại đáp.
Hỏi: Mục đích chuyến đi Hà Nội lần này của anh? Anh đã đến gặp những ai? Và đã nhận những tài liệu gì? Của những ai đưa? (họ lại lặp lại nhiều lần trong những lần hỏi cung trước)
Đáp: Tôi hiểu ý hỏi của các ông. Là một người dân bình thường thì việc đi từ Hải Phòng lên Hà Nội là thường tình, có công việc thì cứ đi. Chứ nói là có mục đích gì thì e rằng to tát quá. Tôi là con thứ nhưng đang làm nhiệm vụ con trưởng thay anh em quy tập mộ bố mẹ và các anh chị em tôi đã mất về một chỗ. Việc xây cất mộ đã gần xong, tôi lên báo cáo với ông anh trưởng và cô em gái tôi. Tôi thì nghèo nên mỗi lần lên Hà Nội đều tính toán, một công đôi việc kết hợp việc nhà rồi tiện thể đi thăm bạn bè. Và chuyến đi lại đúng vào dịp Đại hội IX của Đảng cộng sản Việt Nam, tôi thích tò mò nghe chuyện “bếp núc” của Đại Hội hơn là những gì đăng ở trên báo. Tôi đã thăm bác Trần Độ, bác Hoàng Minh Chính, bác Lê Hồng Hà, bác Phạm Quế Dương và Nguyễn Thanh Giang. Đã gọi là chuyện “bếp núc” của Đại Hội thì là những chuyện tầm phào, nghe để biết vậy chứ thân phận thứ dân loại 2 như tôi lo làm gì nổi chuyện của thiên đình. Cũng xin nhắc lại tôi là một công dân bình thường có phải là một tổ chức, đoàn thể gì mà đi nhận tài liệu. Mỗi người có cho tôi một vài bài viết của họ mà không tờ báo nào đăng. Mà tôi lại thích đọc những bài mà các tờ báo chính thống không thích đăng và không dám đăng. Vả lại những bài viết đó đều có tên tuổi, địa chỉ, số phone đàng hoàng. Nào là của bác Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Thanh Giang… lại nữa của đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Đức Tâm, của 3 ông tướng Phùng Thế Tài, Hoàng Minh Thảo và Lê Tự Đồng… nói toàn những chuyện tầy trời cả.
Hỏi: Thế còn bài viết của Bùi Tín, quyển Tổ Quốc Ăn Năn của Nguyễn Gia Kiểng, bài đòi tổ chức hội nghị Diên Hồng của người nào đưa cho anh?
Đáp: Tôi đến thăm nhiều anh một lúc nên ai đưa tôi không thể nào nhớ được.
Hỏi: Anh phải khai báo thành khẩn, phải nói rõ người nào đưa cho anh để sau này chúng tôi còn xem xét chiếu cố tội lỗi anh phạm phải?
Nghe nói đến 2 chữ “tội lỗi” và “chiếu cố”, tôi hơi mất bình tĩnh dù rằng mấy ngày qua tôi luôn tự nhủ phải luôn luôn bình tũnh “dĩ bất biến ứng vạn biến”, tôi đáp trả có chút gay gắt.
Đáp: Thưa các ông, cái gì nhận, tôi nhận rồi. Tôi lưu trữ các tài liệu, những bài viết của những người chân chính. Tôi có truyền cho mọi bạn bè cùng đọc để biết rõ hơn về cuộc đời này mà các ông gán cho tôi tội tàng trữ tài liệu xấu, tán phát. Tôi đã nhận cả rồi, tôi cần được truy tố trước tòa án. Chỉ có trước tòa án thì mới phân biệt rõ đúng sai, mới phân rõ có tội hay không có tội. Còn bài viết của Bùi Tín, quyển Tổ Quốc Ăn Năn của Nguyễn Gia Kiểng tôi hoàn toàn không nhớ ai đã đưa cho tôi. Nay các ông bắt được tôi mang nó, tôi xin chịu trách nhiệm về tôi.
Hỏi: Nếu anh không khai thật thì tôi nói cho anh rõ. Nguyễn Gia Kiểng là một phần tử xấu, là bạn với Phạm Quế Dương, mà Quế Dương lại là cộng tác viên của tờ Thông Luận, một tờ báo phản động của nước ngoài. Vậy những tài liệu trên chỉ có Quế Dương giao cho anh thôi.
Đáp: Đấy là ông nói chứ không phải tôi nói. Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Thanh Giang, Phạm Quế Dương… còn dám nói, dám viết những chuyện còn “tầy trời” hơn nhiều, tôi biết rõ là ông nào giao cho tôi mấy tài liệu trên, tôi sẵn sàng khai đúng người đó và một trong các ông đó đều có đủ bản lĩnh dám nhận là đã đưa những tài liệu đó cho tôi. Nên tôi không nhớ thì khai là không nhớ, chứ ông B đưa lại khai ông A thì còn mặt mũi nào nhìn nhau nữa.
Cứ truy, cứ vặn vẫn chỉ như vậy và giờ nghỉ cũng đã đến. Thiếu tá V.C.N. bảo tôi: “Anh cũng cần có thái độ thành khẩn, mềm đi một chút, đừng cứng nhắc để chúng tôi còn báo cáo lên cấp trên về thái độ tốt của anh, tạo điều kiện sớm trả tự do cho anh”.
Trên đường về buồng giam, người đại úy quản giáo mới nhưng thái độ đối với tôi khác hẳn hôm đầu tiên vào trại, họ lăng lẽ nhưng đôi mắt họ nhìn tôi dịu hơn nếu không nói là đồng cảm. Tôi nghĩ không hiểu có đúng không, đã lâu lắm rồi ở đây không có “tù chính trị”, nay đột nhiên như trên trời rơi xuống một ông già tù chính trị gầy gò, ốm yếu hẳn là trong trái tim sắt đá, lạnh băng của họ hãy còn lại những giọt máu của lòng nhân ái.
No comments:
Post a Comment