Ngay sau đây, mời quý thính giả theo dõi sự kiện tổ chức Ân Xá Quốc Tế yêu cầu bạo quyền VN phải trả tự do vô điều kiện cho bà Nguyễn Thúy Hạnh. Bản tin chi tiết sẽ được Vân Khanh trình bày để mở đầu phần Tin Tức hôm nay …
ÂN XÁ QUỐC TẾ CHỈ TRÍCH VN VỀ VỤ BẮT GIỮ BÀ NGUYỄN THÚY HẠNH
Trong thông cáo báo chí đưa ra vào hôm thứ Năm 8/4, tổ chức Ân xá Quốc tế yêu cầu bạo quyền Hà Nội phải trả tự do ngay lập tức cho bà Nguyễn Thúy Hạnh, người vừa bị bắt giam vào ngày 7/4 với cáo buộc “tuyên truyền chống phá chế độ”.
Thông cáo khẳng định việc bắt giam bà Hạnh 58 tuổi là một hành động trắng trợn, có động cơ chính trị nhằm bịt miệng một nhà đấu tranh cho nhân quyền được dư luận rất kính trọng vì các nỗ lực của bà. Thông cáo nhấn mạnh thêm là dù biết bị bạo quyền sách nhiễu và có thể đi tù, bà Hạnh vẫn kiên trì các cuộc lạc quyên trợ giúp cho các tù nhân lương tâm và gia đình của họ.
Chính vì thế, tổ chức Ân xá Quốc tế yêu cầu bạo quyền VN phải trả tự do vô điều kiện cho bà Nguyễn Thúy Hạnh, người sáng lập quỹ 50K để trợ giúp cho các gia đình có tiền bạc để đi thăm nuôi các tù nhân lương tâm.
Cần nói thêm, trước sức ép của công an, quỹ này đã bị ngân hàng phong tỏa vào năm ngoái sau khi bà Hạnh kêu gọi các mạnh thường quân đóng góp để giúp đỡ cho gia đình cụ Lê Đình Kình, người bị bắn chết tại tư gia trong cuộc tấn công của hàng ngàn công an vào xã Đồng Tâm lúc rạng sáng ngày 9/1.
Bị bắt từ đêm 6/10 năm ngoái nhưng cho đến nay gia đình và luật sư vẫn chưa biết tung tích của Phạm Đoan Trang, việc này đã khiến các nhà báo nổi tiếng trên thế giới lên tiếng yêu cầu nhà cầm quyền CSVN phải trả tự do cho cô. Bá Cơ có thêm thông tin chi tiết như sau …
CÁC NHÀ BÁO NỔI TIẾNG TUYÊN BỐ ỦNG HỘ BÀ PHẠM ĐOAN TRANG
Các nhà báo nổi tiếng trên thế giới, từng được nhận giải thưởng của tổ chức Phóng viên Không biên giới, đã đồng loạt lên tiếng yêu cầu bạo quyền Hà Nội phải trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang, một nhà báo lề dân bị bắt giam suốt 6 tháng qua.
Trong thông cáo báo chí đưa ra vào hôm qua, tổ chức ký giả nói trên cho biết bà Trang bị mật vụ VN áp giải đi vào đêm 6/10 năm ngoái nhưng cho đến nay gia đình và luật sư vẫn chưa biết tung tích. Theo cáo trạng của công an, bà Trang bị buộc tội “tuyên truyền chống phá chế độ”.
Trong thông cáo, các ký giả nổi tiếng như Tomasz Piatek của Ba Lan, Swati Chaturvedi của Ấn Độ, Can Dundar của Thổ Nhĩ Kỳ, tuyên bố nhà báo Phạm Đoan Trang là một biểu tượng cho sự can đảm của giới làm báo. Bà Trang cũng từng được trao giải khích lệ của tổ chức Phóng viên Không biên giới vào năm 2019 nhưng không thể có mặt trong buổi trao giải vì bị bạo quyền VN cấm xuất cảnh.
Mỹ và các đồng minh hợp tác để đối phó với sự hung hăng của Trung cộng trên biển Đông. Bất chấp, Trung cộng vẫn cho giàn khoan khổng lồ khoan dò dầu khí như Tân Hoa Xã loan tin. Vân Khanh có thêm thông tin chi tiết như sau …
TRUNG CỘNG KHOAN SÂU VÀO ĐÁY BIỂN ĐÔNG ĐỂ TÌM KIẾM DẦU KHÍ
Trong một hành động khoe khoang và khiêu khích thế giới, Tân Hoa Xã, cái loa tuyên truyền của nhà nước Trung Cộng, tiết lộ là giàn khoan khổng lồ của họ đã khoan sâu vào đáy Biển Đông để tìm kiếm dầu khí.
Lời khoe khoang được đưa ra trong lúc tình hình Biển Đông đang trở nên căng thẳng sau khi Mỹ và các đồng minh Anh, Pháp, Úc và Ấn Độ điều động thêm các hải đội tác chiến đến vùng biển này để đối phó với sự hung hăng của Trung Cộng.
Tân Hoa Xã cho biết là Trung Cộng đã xử dụng hệ thống khoan có tên là “Sea Bull 2” để thu thập một lõi trầm tích dài 230 thước ở độ sâu hơn 2 cây số. Theo Tân Hoa Xã, kỹ thuật khoan dò này có thể giúp khám phá các nguồn khí thiên nhiên dưới đáy biển. Tuy nhiên bản tin không nói rõ vị trí khoan dò là ở vị trí nào.
Tình hình eo biển Đài Loan ngày càng căng thẳng trước động thái hung hăng của Trung cộng. Đài Loan tuyên bố sẵn sàng chiến đấu đến cùng. Bá Cơ có thêm thông tin như sau …
ĐÀI LOAN BỐ TRÍ THÊM HÀNG TRĂM PHI ĐẠN Ở HAI ĐẢO ĐÔNG SA VÀ BA BÌNH
Trước sức ép càng ngày càng tăng của Trung Cộng, quân đội Đài Loan đã bố trí thêm 292 phi đạn phòng không ở quần đảo Đông Sa và đảo Ba Bình thuộc Trường Sa.
Hành động nói trên được tiến hành gấp rút sau khi Trung Cộng tiếp tục xâm nhập sâu vào không phận Đài Loan bằng các oanh tạc cơ, chiến đấu cơ và máy bay không người lái.
Vào hôm thứ Tư 7/4, bộ quốc phòng Đài Loan tuyên bố là sẽ bắn rơi các máy bay không người lái của Trung Cộng nếu xâm nhập vào không phận của họ. Trong khi đó, ngoại trưởng Đài Loan tuyên bố là sẵn sáng chiến đấu đến cùng nếu Trung Cộng tấn chiếm đảo Đông Sa nói riêng và Đài Loan nói chung.
Nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải tại các vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Anh quốc điều động Hạm Đội ra biển lớn. Vân Khanh có thêm thông tin chi tiết như sau …
NƯỚC ANH SẼ ĐIỀU ĐỘNG HẠM ĐỘI ĐẾN ÂN ĐỘ DƯƠNG VÀ THÁI BÌNH DƯƠNG
Tuyên bố trong cuộc họp báo ở thủ đô Jakarta vào hôm qua, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết là một hạm đội Anh, cầm đầu bởi hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth, sẽ đến khu vực Ấn độ dương và Thái bình dương vào cuối năm nay nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải tại các vùng biển này.
Ông Raab cho biết là nước Anh và Indonesia dù cách xa nhau nhưng hai nước đều chia xẻ những lợi ích chung trên biển, vì thể có trách nhiệm phải duy trì và tôn trọng công ước quốc tế về luật biển.
Trong khi đó, theo tiết lộ của tờ báo quân sự Jane, chính phủ Indonesia vào đầu tuần này đã khởi công xây dựng một căn cứ tàu ngầm trên một hòn đảo nhìn ra Biển Đông. Tư lệnh hải quân Nam Dương, Đô đốc Yudo Margono, là người đã đặt viên đá đầu tiên trong buổi lễ khởi công ở đảo Pulau Besar, hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Natuna. Tổng chi phí xây dựng căn cứ này lên đến 40 triệu Mỹ kim.
Anh từng tuyên bố sẵn sáng đón nhận 5 triệu di dân Hongkong, và một trong số đó là thủ lãnh trẻ La Quán Thông vừa được nước này chấp thuận cho tỵ nạn chính trị. Bá Cơ kết thúc phần Tin Tức hôm nay với nội dung như sau …
MỘT THỦ LÃNH ĐẤU TRANH HỒNG KÔNG ĐƯỢC TỴ NẠN CHÍNH TRỊ TẠI ANH
Ông La Quán Thông, tên tiếng Anh là Nathan Law, vừa cho biết là nước Anh đã chấp thuận đơn xin tỵ nạn chính trị của ông vào hôm thứ Tư 7/4.
Là một thủ lãnh trẻ tuổi đấu tranh cho dân chủ tại Hồng Kông, ông Thông đã sang Anh vào tháng 7 năm ngoái khi bạo quyền Trung Cộng áp đặt đạo luật an ninh quốc gia tại khu tự trị Hồng Kông. Ông cho biết là sau nhiều lần phỏng vấn, sở di trú Anh đã chấp thuận đơn xin tỵ nạn của ông.
Theo nhận định của giới quan sát viên, việc nước Anh cho phép ông La Quán Thông được tỵ nạn chính trị sẽ tạo thêm căng thẳng trong mối quan hệ Anh – Hoa, vốn đã căng thẳng sau khi nước Anh tuyên bố sẵn sáng đón nhận 5 triệu di dân Hồng Kông.
Trong lời phản đối vào hôm qua, Trung Cộng cáo buộc nước Anh đã che chở “những tên tội phạm bị truy nã”, điển hình là nhà đấu tranh La Quán Thông.
No comments:
Post a Comment