Saturday, April 24, 2021

Vua Đinh Tiên Hoàng

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả, sau gần 1000 năm Bắc thuộc, một người có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước và trở thành hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Đinh, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, mở đầu cho thời kỳ độc lập tự chủ của dân tộc Việt. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài Vua Đinh Tiên Hoàng” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Việt Thái

Đinh Tiên Hoàng, tên húy là Đinh Bộ Lĩnh, là vị vua sáng lập triều đại nhà Đinh và nước Đại Cồ Việt. Đại Cồ Việt là tên nước mở đầu cho thời kỳ độc lập, tự chủ sau gần 1000 năm Bắc thuộc.

Đinh Bộ Lĩnh sinh ngày 22/3/924 tại thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng. Cha là Đinh Công Trứ, nha tướng của Dương Đình Nghệ, giữ chức Thứ sử Hoan Châu. Đinh Công Trứ mất sớm, Đinh Bộ Lĩnh theo mẹ về quê sống nương nhờ người chú ruột là Đinh Thúc Dự.

Từ thuở nhỏ, Đinh Bộ Lĩnh là người có khả năng lãnh đạo chỉ huy, cùng các bạn chăn trâu lấy bông lau làm cờ, bày trận đánh nhau. Trong đám bạn đó, có Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu CơTrịnh Tú là những người sau này cùng Đinh Bộ Lĩnh tạo nên sự nghiệp.

Năm 944, Ngô Quyền mất, anh vợ là Dương Tam Kha tự lập làm vua, xưng là Dương Bình Vương. Các nơi không phục, nhiều thủ lãnh nổi lên hùng cứ một phương và thường đem quân đánh phá lẫn nhau.

Năm 950, Ngô Xương Văn, con thứ hai của Ngô Quyền, lật đổ Dương Tam Kha giành lại ngôi vua. Sau đó Ngô Xương Văn đón anh trai là Ngô Xương Ngập về làm vua. Đến năm 954, Ngô Xương Ngập bị bệnh mà mất.

Năm 965, Ngô Xương Văn đi đánh thôn Đường và Nguyễn ở Thái Bình bị phục binh giết chết. Con của Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Xí nối ngôi, nhưng quá suy yếu phải đưa quân về giữ đất Bình Kiều. Từ năm 966, bắt đầu hình thành “Loạn 12 sứ quân”.

Đinh Bộ Lĩnh tập hợp thanh niên ở vùng Hoa Lư, đầu quân với sứ quân Trần Minh Công ở Thái Bình. Đinh Bộ Lĩnh cưới Trần Nương và trở thành con rể của Trần Minh Công. Khi Trần Minh Công mất, Đinh Bộ Lĩnh thay quyền, đưa quân về Hoa Lư, chiêu mộ thêm binh lính, chống nhà Ngô và các sứ quân khác. Chỉ trong vòng 2 năm, Đinh Bộ Lĩnh lần lượt đánh thắng 11 sứ quân khác, được xưng tụng là Vạn Thắng Vương.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, xưng là Đinh Tiên Hoàng, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Ngài là người khai mở triều đại nhà Đinh – sau thời kỳ Bắc thuộc –  khẳng định nước Nam độc lập tự chủ, không lệ thuộc phương Bắc.

Ngài thiết chế triều nghi, định phẩm hàm cho quan văn và quan võ. Phong cho Nguyễn Bặc là Định Quốc công, Đinh Điền là Ngoại giáp, Lê Hoàn làm Thập đạo Tướng quân, Lưu Cơ làm Đô hộ Phủ sĩ sư, Tăng thống Ngô Chân LưuKhuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục, Đạo sĩ Đặng Huyền Quang làm Sùng chân Uy nghi và phong cho con trưởng là Đinh Liễn làm Nam Việt Vương.

Năm Canh Ngọ (970), Ngài đặt niên hiệu là Thái Bình, cho đúc tiền đồng, là tiền tệ xưa nhất của nước Việt, gọi là đồng tiền Thái Bình. Đồng tiền này có hình tròn, lỗ vuông, có thể xâu thành chuỗi. Một mặt có bốn chữ “Thái Bình Hưng Bảo”, mặt sau có đúc chữ “Đinh”.  

Ngài lại lập con út là Hạng Lang làm Thái tử. Vì vậy đầu năm 979, Đinh Liễn tức giận sai người giết Hạng Lang. Theo chính sử tháng 11 năm Kỷ Mão, một viên quan tên Đỗ Thích, mơ thấy sao rơi vào miệng, tưởng là điềm báo được làm vua nên đã giết Ngài và Đinh Liễn.

Ngài băng hà vào năm 56 tuổi, làm vua được 12 năm, được an táng tại Sơn Lăng trên núi Mã Yên, thuộc Trường Yên, Hoa Lư. Nhiều đền thờ được dân chúng dựng lên nhằm tưởng nhớ và tôn vinh vị hoàng đế đầu tiên của nước Đại Cồ Việt.

*****

Gần 5 ngàn năm qua, lũ giặc phương Bắc chưa bao giờ từ bỏ tham vọng xâm chiếm nước Nam và dân tộc Việt đã trải qua 4 thời kỳ bị đô hộ, sử sách gọi đó là 4 thời Bắc thuộc.

Nay có thêm một thời kỳ mới, được xem như thời “Bắc thuộc lần thứ năm” từ năm 1945, sau khi Hồ Chí Minh cướp chính quyền của chính phủ Trần Trọng Kim và thời kỳ này không biết đến bao giờ mới chấm dứt.

Chính thời Bắc thuộc hiện nay là thời kỳ đen tối nhất trong sử Việt qua những gì mà đảng CSVN đã và đang gây nguy hại cho dân tộc, phản bội tổ quốc, đưa đất nước vào vòng nô lệ mới. Thê thảm nhất trong thời kỳ này là thái độ “tàn ác với người dân yêu nước” kể cả những đảng viên đã góp máu xương cho chế độ, cụ thể là vụ án tại xã Đồng Tâm, bạo quyền CS đã giết chết cụ Lê Đình Kình và kết án tử hình 2 đứa con cụ là Lê Đình Công và Lê Đình Chức.

Và hơn thế nữa, tập đoàn CSVN đã “ươn hèn, khiếp nhược trước Tàu Cộng phương Bắc” không dám lên tiếng khi quân Tàu giết hại ngư dân Việt ngoài biển Đông. Những điều này đã làm cho con dân nước Việt khắp nơi ngậm ngùi đau xót và cảm thấy tủi nhục đối với các bậc Tiền nhân.

Một chế độ “thối nát đến tận cùng” không thể trường tồn, nó sẽ bị diệt vong, sớm hay muộn là do người dân có thức tỉnh và có quyết tâm vùng lên đạp đổ chế độ độc tài phi nhân để mở ra một sinh lộ mới cho dân tộc hay không?

No comments:

Post a Comment