Trên phương diện chủ quyền quốc gia thì chủ trương quốc phòng “4 không” của CSVN đồng nghĩa với chủ trương bán nước cho Trung Cộng, hầu duy trì sự cai trị của Đảng CSVN.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Trương Nhân Tuấn với tựa đề: “Chủ trương quốc phòng “4 không” của Việt Nam phải chăng là kết tinh của việc ‘không suy nghĩ’?” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Trương Nhân Tuấn
Việt Nam có công bố “Sách trắng quốc phòng năm 2019”, trong đó có chủ trương “4 Không”:
- Không tham gia liên minh quân sự;
2- Không liên kết với nước này để chống nước kia;
3- Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác;
4- Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Trước kia là “3 không”, cái không thứ tư chỉ mới thêm vô năm 2019.
Việt Nam cần ghi thêm một cái “không” nữa thành “5 không”. Đứng đầu bảng phải là “không suy nghĩ”.
Nếu ta nhớ lại cuộc chiến 1979, Trung Quốc “cho Việt Nam một bài học”. Việt Nam “theo phe này chống phe kia”. Việt Nam đã ký hiệp ước hỗ tương với Liên Xô và gia nhập khối kinh tế COMECON do Liên Xô đứng đầu. Việt Nam theo Liên Xô chống Trung Quốc. Sau khi khối Cộng sản sụp đổ qua sự phân liệt của Liên bang Xô viết, đầu thập niên 1990, Việt Nam chơ vơ, do đó phải quay qua Trung Quốc, khấu đầu với Bắc kinh để cầu hòa.
Kết quả chính sách “3 không” hay “4 không” của quốc phòng Việt Nam, là do Trung Quốc áp đặt, như một điều kiện để được thiết lập lại bang giao. Cái không thứ tư mới thêm vào cũng không làm thay đổi cốt lõi của chính sách quốc phòng của Việt Nam. Hiến chương Liên Hiệp quốc trong những điều căn bản đã ngăn cấm việc sử dụng vũ lực, hay đe dọa bằng vũ lực để giải quyết các tranh chấp. Ghi thêm điều 4 này vô là thừa.
Chính sách “3 không”, hay “4 không” của quốc phòng Việt Nam cho thấy lãnh đạo CSVN khước từ thực thi chủ quyền quốc gia, trên phương diện quyền kết hợp với đồng minh để phòng thủ tập thể, bảo vệ an ninh và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Ở điểm 1, Việt Nam có quyền liên minh quân sự với một quốc gia khác ngoài khu vực, không phải để gây hấn với quốc gia nào khác, mà để “tổng hợp sức mạnh” với bạn bè nhằm bảo vệ quốc gia mình.
Trong khối ASEAN, Phi và Singapore đều có kết ước hỗ tương với Mỹ.
Đảng CSVN từ bỏ quyền chính đáng “phòng thủ tập thể” là hành vi tự nguyện từ bỏ, hay hạn chế chủ quyền.
Chủ quyền cao nhứt quốc gia là quyền vũ trang để tự vệ.
Ở điểm 3, việc cho phép đồng minh đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ quốc gia, nếu thấy cần thiết, là hành vi thể hiện tính độc lập của quốc gia trong quan hệ quốc phòng nhằm mục đích tự vệ. Từ khước điều này đồng nghĩa với việc mất độc lập và chủ quyền của quốc gia bị hạn chế.
Hiện nay chỉ có Nhật và trong chừng mực nước Đức là bị hạn chế về chủ quyền trong lãnh vực quốc phòng mà thôi. Nhật bị mất chủ quyền tối thượng là không được tham gia chiến tranh ngoài lãnh thổ, bởi vì đây là sự áp đặt của Mỹ, phía chiến thắng trong Thế chiến thứ II.
Vì vậy ta có thể khẳng định, Trung Quốc đã áp đặt cho Việt Nam từ thập niên 1990, như Mỹ áp đặt cho Nhật. Việt Nam phải từ bỏ quyền “phòng thủ tập thể”, từ nay Việt Nam không được theo bất kỳ một phe nào khác, ngoài Trung Quốc.
Nói trắng ra là Việt Nam phải ngoan ngoãn đứng dưới cái bóng của Trung Quốc, trở thành một chư hầu của Trung Quốc.
Ta thấy chính sách “bốn không” về quốc phòng của Việt Nam có hệ quả như tự mình trói tay mình, trên những vấn đề ở biển Đông. Nếu có xung đột với Trung Quốc, nhiều khả năng Việt Nam sẽ đứng một mình.
Khi Trung Quốc áp đặt “bốn không” cho Việt Nam như là điều kiện để tái lập lại bang giao thì ở Biển Đông, Trung Quốc đã thành công loại bỏ một chỗ đứng cho Mỹ. Đối phó với Mỹ trong khu vực đơn giản trở thành đối phó với Phi. Dĩ nhiên điều này dễ dàng cho Trung Quốc thực hiện các tham vọng của họ ở Biển Đông hơn là, nếu Việt Nam và Phi cùng có liên minh với Mỹ.
Ta thấy ở điểm này Trung Quốc có tầm nhìn xa. Cũng không khác Mỹ tước quyền tham dự chiến tranh của Nhật. Mục đích là để Nhật lệ thuộc vào quốc phòng của Mỹ.
Còn Trung Quốc làm vậy đối với Việt Nam là để Việt Nam không trở thành một mối nguy hiểm, hoặc là Việt Nam trong tương lai không thể cản trở những tham vọng về “biển Xanh” của Trung Quốc.
Nếu không phải vậy thì cần thêm 1 cái “không” nữa lên đầu bảng, đó là “không suy nghĩ”./.
No comments:
Post a Comment