Hành động TQ xâm chiếm Đà Ba Đầu tại Trường Sa sát cạnh đảo Sinh Tồn do Việt Nam kiểm soát đang gặp sự chống đối mãnh liệt của Phi Luật Tân. Tuy nhiên sự im lặng hèn nhát của đảng CSVN sẽ đưa đến nhiều vùng biển và đảo của dân tộc rơi vào tay CSTQ.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Đá Ba Đầu – kịch bản Scarborough tái diễn?” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Hiếu Chân
Vài ngày gần đây, một rạn san hô nhỏ lúc chìm lúc nổi giữa Biển Đông có tên là đá Ba Đầu nằm trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa bỗng nổi lên thành một sự kiện quốc tế, thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới như là một dấu hiệu leo thang căng thẳng giữa các nước liên quan như Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, thậm chí là một phép thử với chính phủ còn non trẻ của Tổng Thống Joe Biden của Hoa Kỳ.
Đá Ba Đầu, theo cách gọi của người Việt, tên quốc tế là Whitson Reef hoặc Whitsum Reef, người Philippines gọi là Julian Felipe, còn người Trung Quốc gọi là Ngưu Ách Tiêu . Đây là một rạn san hô hình chữ V, tổng diện tích khoảng 10 cây số vuông, ở vị trí 9.6 độ vĩ Bắc, 114 độ kinh Đông, không có người ở, không nổi hẳn trên mặt biển và do đó không thuộc chủ quyền của nước nào.
Nhưng về vị trí địa lý nó có thể nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Philippines, cũng có thể thuộc về cụm đảo Sinh Tồn mà Việt Nam hiện kiểm soát đảo lớn nhất. Do đá Ba Đầu có vị trí chiến lược trên con đường vận tải từ bắc xuống nam quần đảo Trường Sa, sớm hay muộn cũng sẽ có một nước xâm chiếm nó dù Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (Code of Conduct – gọi tắt là COC) quy định không nước nào được chiếm hữu các đảo, đá, bãi cạn không có người ở trong quần đảo Trường Sa.
Thời điểm xâm chiếm đó có thể đã bắt đầu từ năm ngoái khi một số tàu đánh cá của Trung Quốc liên tục xuất hiện và neo đậu tại rạn san hô này. Tuần trước phi cơ tuần tiễu của Phi phát hiện hơn 220 tàu đánh cá Trung Quốc neo đậu thành một nhóm trong vùng nước của đá Ba Đầu. Các đội tàu này trông bề ngoài có vẻ giống tàu đánh cá thông thường nhưng chúng “không thực sự đánh cá” mà tập trung dàn đội hình san sát nhau theo chiều ngang và bật đèn màu trắng suốt đêm khi trời tối, theo báo cáo của tuần duyên Philippines.
Hôm 21 Tháng Ba vừa qua, ông Delfin Lorenzana, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines, ra tuyên bố khẳng định đây là tàu dân quân biển của Trung Quốc, hành động có tính chất khiêu khích trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi, yêu cầu Bắc Kinh rút hết tàu ngay lập tức và cảnh cáo Philippines sẽ có hành động thích hợp.
Về phần mình, chính phủ Bắc Kinh nói rằng, đây là tàu đánh cá của ngư dân, không phải là tàu dân quân biển, neo đậu để tránh biển động nhưng đến nay vẫn chưa chịu rút tàu đi.
Thủ đoạn sử dụng tàu đánh cá và tàu dân quân biển để chiếm đảo của Trung Quốc đã có từ lâu mà vụ xung đột Scarborough năm 2012 là một ví dụ.
Tuy nhiên, vụ Scarborough cũng là yếu tố chính thúc đẩy chính phủ Philippines nộp hồ sơ kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng Tài Quốc Tế về Luật Biển (The International Tribunal for the Law of the Sea, ITLOS) vào Tháng Sáu, 2013, lần đầu tiên buộc Trung Quốc phải đối mặt trực tiếp với công pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông.
Sang năm 2014, Bắc Kinh đề nghị rút lực lượng khỏi bãi Scarborough nếu Philippines rút đơn kiện ở ITLOS, nhưng Manila trả lời “như thế là không đủ.” Sau ba năm điều tra xét xử, ngày 12 Tháng Bảy, 2016, Tòa ITLOS ra phán quyết công nhận các yêu cầu của Philippines, bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò chín đoạn của Trung Quốc cũng như các đòi hỏi chủ quyền của nước này ở Biển Đông. Bắc Kinh không tuân thủ phán quyết của tòa, thậm chí gọi văn bản phán quyết là “tờ giấy lộn!”
Lần này ngựa quen đường cũ, Bắc Kinh lại giở thủ đoạn đưa tàu đánh cá tới trấn đóng khu vực đá Ba Đầu, chờ Philippines đưa tàu Hải Quân tới để thổi bùng xung đột lên một bước mới. Không khó để nhận ra ý đồ của Bắc Kinh là chiếm đóng rạn san hô này như đã từng chiếm đóng bãi Scarborough; đi xa hơn họ có thể bồi đắp và biến bãi cạn này thành một hòn đảo nhân tạo rồi xây dựng căn cứ quân sự như đã làm với bảy đá và bãi cạn đã chiếm được từ tay Việt Nam năm 1988. Một căn cứ quân sự nữa của Bắc Kinh mọc lên ở vị trí đá Ba Đầu sẽ là một đòn hiểm đe dọa lãnh thổ cả Philippines và Việt Nam.
Trước mắt, bằng hành động neo đậu số lượng đông đảo tàu đánh cá tại một khu vực tranh chấp, Bắc Kinh đang gây sức ép rất lớn về tâm lý và ngoại giao lên các nước liên quan. Hôm 28 Tháng Ba, 2021, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken viết tweet khẳng định: “Hoa Kỳ đứng cùng với đồng minh Philippines của mình đối mặt với việc tập trung dân quân biển của Trung Quốc tại WhitsunReef. Chúng tôi sẽ luôn luôn đứng cùng với các đồng minh của mình, đấu tranh cho một trật tự thế giới dựa trên luật lệ.”
Nếu Bắc Kinh thành công trong việc ngăn cản Mỹ và Philippines xích lại gần nhau trong chiến lược củng cố đồng minh mà Tổng Thống Joe Biden đề ra thì điều đó sẽ tạo một trở ngại không nhỏ cho các nước đồng minh Châu Á đang cần Mỹ chống lưng để đối phó với thế lực bành trướng của Trung Quốc./.
No comments:
Post a Comment