Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh và Miên Dương trình bày sau đây.
1) MỸ RÚT VIỆT NAM KHỎI DANH SÁCH CÁC QUỐC GIA THAO TÚNG TIỀN TỆ
Hôm qua, 16/04/2021, bộ Tài Chính Hoa Kỳ cho biết Việt Nam cùng với Thụy Sĩ và Đài Loan đã vượt qua mức có thể thao túng tiền tệ, chiếu theo Luật Thương mại năm 2015 của Mỹ, nhưng không chính thức coi ba nước này là những quốc gia thao túng tiền tệ.
Trong « Báo cáo chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ » vào cuối năm 2020, do bộ trưởng Tài Chính Janet Yellen công bố, bộ Tài Chính Mỹ cho biết trong năm 2020, Đài Loan, Việt Nam và Thụy Sĩ đã vượt ngưỡng quy định cho phép. Tuy vậy, bộ Tài Chính Hoa Kỳ nói họ không có đủ bằng chứng chiếu theo luật năm 1988 để kết luận rằng Việt Nam, Thụy Sĩ hoặc Đài Loan đang thao túng tỷ giá hối đoái của họ để đạt được lợi thế thương mại hoặc ngăn cản việc điều chỉnh cán cân thanh toán.
Bộ Tài Chính Hoa Kỳ cho biết họ sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán với Việt Nam và Thụy Sĩ, hai quốc gia mà chính quyền Trump vào tháng 12 năm ngoái đã dán nhãn thao túng tiền tệ.
Theo hãng tin Reuters, việc Mỹ dỡ bỏ nhãn thao túng tiền tệ ít nhất trong sáu tháng tới sẽ làm giảm bớt một số áp lực đối với Thụy Sĩ và Việt Nam.
2) NHA TRANG DẸP BỎ HÀNG LOẠT CƠ SỞ PHỤC VỤ DU KHÁCH TÀU
Nhà cầm quyền thành phố Nha Trang loan báo sẽ ra tay hủy bỏ hàng loạt cửa tiệm đã xây dựng bất hợp pháp để phục vụ các du khách Tàu.
Khu phố Tàu nói trên được xây dựng phi pháp tại xã Phước Đồng và bị dư luận than phiền suốt mấy năm qua. Vào tháng 9 năm ngoái, nhà cầm quyền Nha Trang đã ra lệnh tháo dỡ các công trình này nhưng các chủ nhân vẫn không tuân lệnh.
Trong loan báo mới nhất, nhà cầm quyền xã Phước Đồng tuyên bố sẽ dùng biện pháp cứng rắn để dẹp bỏ 7 cửa tiệm nằm trên đường Nguyễn Tất Thành, gồm một tiệm tơ lụa, một quán cà phê, một nhà hàng đặc sản, một khu nhà trọ, một tiệm chuyên bán nữ trang và một nhà hàng sang trọng. Việc dẹp bỏ khu phố Tàu này sẽ diễn ra trong vòng 7 ngày.
3) VN SIẾT CHẶT BIÊN GIỚI VIỆT – MIÊN ĐỂ CHỐNG DỊCH VŨ HÁN
Trước tình hình đại dịch Vũ Hán bộc phát mạnh ở Campuchia, nhà cầm quyền VN đã ra lệnh siết chặt thêm biên giới Việt – Miên để ngăn chận nguy cơ dịch này sẽ lan sang VN.
Cần biết là vào hôm qua, thứ Ba 20/4, bộ y tế Campuchia đã xác nhận là nước này có 624 trường hợp nhiễm vào hôm Chủ Nhật 19/4 và hơn 400 vào hôm qua. Đây là các con số kỷ lục ghi nhận mỗi ngày kể từ khi đợt dịch thứ 3 bộc phát vào ngày 20/2, xuất phát từ 4 công dân Hoa Lục đào thoát khỏi một khu cách ly.
Trong số ca nhiễm mới nhất vào hôm qua, chỉ riêng ở thành phố Sihanoukville chiếm 144 trường hợp và 10 trường hợp ở tỉnh Takeo, sát biên giới VN. Đồng thời con số tử vong tại Campuchia cũng lên đến 45 người.
Vào hôm qua, một phái đoàn do ông Nguyễn Thành Long, bộ trưởng y tế cầm đầu, đã đến tỉnh Kiên Giang để giúp thành lập một bệnh viện dã chiến tại thành phố Hà Tiên. Hàng chục bác sĩ và y tá của bệnh viện Chợ Rẫy – Sài Gòn cũng được đưa đến tỉnh này để ứng trực. Cần biết là tỉnh Kiên Giang có đường biên giới dài hơn 60 cây số giáp Campuchia. Từ tháng 2 đến nay, hơn 1300 người đã băng qua biên giới này, trong đó có 13 người Tàu không có giấy tờ tùy thân.
4) TRUNG CỘNG ĐANG THUA SAU CUỘC CHIẾN CHỐNG COVID
Bắc Kinh đã thành công trong chiến lược phong tỏa để ngăn chặn dịch Vũ Hán và đã đẩy phương Tây vào một cuộc khủng hoảng. Nhưng hiện giờ tình thế đã đảo ngược khi giờ đây chiến lược vaccine tệ hại và sự phục hồi kinh tế giả tạo đang trở lại ám ảnh Trung cộng.
Một quan chức kiểm soát dịch bệnh hàng đầu của Trung Quốc đã thừa nhận vaccine ngừa của nước này có hiệu quả thấp. Các thử nghiệm ở nước ngoài cho thấy tỷ lệ phòng bệnh vaccine Trung cộng chỉ thấp ở mức 50% và nước này hiện đang xem xét việc phối hợp các vaccine khác nhau nhằm tăng hiệu quả. Đây là một thảm họa khi nước này đang kẹt trong bẫy miễn dịch Vũ Hán không bền vững và chỉ có thể kiểm soát dịch bằng cách đóng cửa biên giới với hầu hết người nước ngoài và hạn chế du lịch trong nước.
Về điểm này, ngay cả giới bình luận Trung cộng cũng tỏ ra rất thẳng thắn. Các nhà dịch tễ học Trung cộng đã cảnh cáo trên truyền hình rằng tỷ lệ phòng bệnh vaccine của họ không đủ để nước này đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, chứ đừng nói là đến cuối mùa Hè này.
5) ÚC HỦY BỎ THỎA THUẬN “VÀNH ĐAI VÀ CON ĐƯỜNG” VỚI TRUNG CỘNG-BẮC KINH TỨC GIẬN
Ngoại trưởng Úc Marise Payne ngày 21/4 đã chính thức hủy bỏ các thỏa thuận gây tranh cãi của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của tiểu bang Victoria với Bắc Kinh, nói rằng chúng không phù hợp với lợi ích quốc gia của Úc.
Bà Payne đã thực hiện quyền hạn được cấp gần đây theo Đạo luật Quan hệ Đối ngoại của Úc để chấm dứt tổng cộng bốn thỏa thuận giữa chính Úc và các nước Iran, Syria và Trung Quốc.
Theo luật mới, các cấp chính quyền địa phương và các trường đại học công lập của Úc phải thông báo cho Bộ trưởng Ngoại giao về các thỏa thuận và đề xuất đối ngoại hiện có để xem xét.
Hai thỏa thuận trong số đó đã được ký kết bởi Thủ hiến Daniel Andrews và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Bắc Kinh.
Thỏa thuận đầu tiên là một biên bản ghi nhớ vào năm 2018. Trong thỏa thuận này, tiểu Victoria cam kết thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng trong Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa của chính quyền Trung Quốc và Sáng kiến Con đường Tơ lụa trên biển Thế kỷ 21, thường được gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Thỏa thuận thứ hai là thỏa thuận khung năm 2019 về việc cùng thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con Đường.
Đạo luật Quan hệ Đối ngoại của chính phủ liên bang Úc cũng buộc chính quyền tiểu bang Victoria phải giao nộp các tài liệu liên quan đến thỏa thuận bí mật thứ ba được ký kết giữa Victoria và chế độ cộng sản Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment