Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Khánh Ngọc và Nguyên Khải
1) NHÀ THƠ CHUÔNG ĐỒNG TỬ BỊ MẤT TÍCH SAU KHI ĐẾN ĐỒN CÔNG AN
Gia đình nhà thơ người Chăm, ông Nguyễn Quốc Huy với bút danh Đồng Chuông Tử cho biết ông đã bị mất tích hơn hai ngày sau khi bị công an thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận đưa đi làm việc không rõ lý do.
Bạn bè ông cho biết nhà thơ trở về quê hương Ma Lâm để giải quyết một số công việc và gặp gỡ bạn bè, nhưng bị công an địa phương buộc đến đồn vào ngày 07/4. Gần đây, ông tuyên bố ứng cử đại biểu quốc hội để tranh đấu quyền lợi cho người Chăm, dù ông có viết trên Facebook rằng ông không hy vọng được trúng cử trong cơ chế đảng cử đảng chỉ định ở Việt Nam như hiện nay. Không rõ ông đã nộp hồ sơ tự ứng cử hay chưa.
Ông Huy làm thơ, viết báo và thời gian qua có kêu gọi hỗ trợ người dân nghèo, học sinh ở thị trấn Ma Lâm và xây dựng thư viện thiện nguyện cho người dân đến đọc sách.
Rất có thể ông Huy bị bắt liên quan đến việc tự tuyên bố ứng cử vào quốc hội. Trong tháng Ba, có ít nhất hai người bị bắt vì lý do trên là ông Trần Quốc Khánh và Lê Trọng Hùng ở Hà Nội, và họ đều bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”
2) BỘ TRƯỞNG GIAO THÔNG VẬN TẢI LẠI HỨA VẬN HÀNH ĐƯỜNG SẮT TRÊN CAO CÁT LINH-HÀ ĐÔNG VÀO CUỐI THÁNG TƯ
Bộ trưởng giao thông Nguyễn Văn Thể nói dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông sẽ được đưa vào vận hành thương mại trong cuối tháng tư sau khi được bàn giao cho thành phố Hà Nội.
Trong khi đó, thứ trưởng bộ này là ông Nguyễn Văn Đông hôm 31/3 nói rằng dự án đã bắt đầu được kiểm đếm hồ sơ và tài sản để bàn giao cho thành phố Hà Nội.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã phải chỉnh tiến độ cả chục lần từ khi bắt đầu khởi công vào tháng 10 năm 2011. Ngoài ra, kinh phí đầu tư cho dự án này đã bị đội giá thêm 250 triệu Mỹ kim từ 552 triệu lên 891 triệu.
Rất nhiều chuyên gia và đa số người dân nhận thấy rằng tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông gây mất mỹ quan cho Hà Nội và không bảo đảm an toàn vì sử dụng công nghệ lạc hậu của Trung Cộng.
3) CÁ CHẾT DẠT VÀO BỜ BIỂN Ở NGHỆ AN TRONG NHIỀU NGÀY LIÊN TIẾP
Truyền thông Việt Nam đưa tin trong nhiều ngày liên tiếp gần đây người dân ở Nghệ An phát hiện nhiều cá chết bất thường dạt vào bờ biển và người dân địa phương không dám ra khơi. Hiện tượng cá chết dạt vào bờ bắt đầu từ ngày 3/4, tập trung ở bãi biển xóm Hải Thịnh, xã Nghi Thiết và có một ít ở bãi biển xã Nghi Tiến. Cá chết có nhiều loại, có cả cá có giá trị cao như: cá chần, cá mú, cá hố… Ngoài ra, còn có nhiều loại sứa to chết nằm phơi trên cát hoặc vướng lại trong bãi đá, bốc mùi hôi thối.
Nghệ An là một trong nhiều tỉnh ven biển bị ảnh hưởng bởi sự xả thải của Formosa năm 2016. Cho đến nay, có nhiều ngư dân ở ven biển miền Trung vẫn chưa nhận được bồi thường của Formosa.
4) UỶ BAN ĐỐI NGOẠI THƯỢNG VIỆN HOA KỲ RA DỰ LUẬT ĐỐI PHÓ VỚI TRUNG CỘNG
Một số thành viên chủ chốt của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ giới thiệu một dự luật quan trọng tăng cường khả năng của Hoa Kỳ nhằm đẩy lùi ảnh hưởng tòan cầu đang mở rộng của Trung Cộng bằng cách quảng bá nhân quyền, cung cấp viện trợ an ninh và đầu tư để chống lại thông tin xuyên tạc.
“Luật Cạnh tranh Chiến lược 2021” chỉ thị các sáng kiến ngoại giao và chiến lược phản công Bắc Kinh, phản ánh tinh thần cứng rắn đối phó với Trung Cộng từ cả hai phía Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội Hoa Kỳ.
Dự luật dài 200 trang nêu vấn đề cạnh tranh kinh tế với Trung Cộng nhưng cũng nêu các giá trị nhân đạo và dân chủ, chẳng hạn như áp đặt những chế tài về việc Bắc Kinh đối xử với người sắc tộc thiểu số Hồi giáo Ngô Duy Nhĩ và ủng hộ dân chủ tại Hong Kong.
Dự luật nhấn mạnh sự cần thiết “ưu tiên đầu tư quân sự cần thiết để đạt những mục tiêu chính trị của Hoa Kỳ tại vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.” Dự luật khuyến nghị 655 triệu Mỹ kim cho nguồn quỹ bảo trợ quân sự nước ngoài tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong năm tài chánh 2022-2026 và tổng cộng 450 triệu cho Sáng kiến An ninh Hàng hải Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cùng các chương trình liên hệ trong cùng thời gian.
Dự luật này sẽ được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ thảo luận về những tu chính và biểu quyết vào ngày 14/4.
5) HOA KỲ BAN HÀNH QUY TẮC MỚI CHO PHÉP TIẾP XÚC TỰ DO HƠN VỚI QUAN CHỨC ĐÀI LOAN
Ngày 09/4, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố các quy tắc mới về các cuộc tiếp xúc giữa các quan chức chính phủ Hoa Kỳ với các quan chức Đài Loan theo chiều hướng giảm nhẹ các hạn chế hiện hành.
Bộ Ngoại giao khẳng định quyết tâm của chính quyền Biden “tự do hóa” các quy tắc để phản ánh “mối quan hệ không chính thức ngày càng sâu sắc” giữa Hoa Kỳ và Đài Loan. Tuy nhiên, bản hướng dẫn được sửa đổi không bao gồm tất cả những thay đổi từng được cựu ngoại trưởng Mike Pompeo đưa ra trong những ngày cuối của chính quyền Trump.
Những hướng dẫn mới này là một bước tiến so với các phiên bản trước đó… bằng cách khuyến khích các hoạt động giao tiếp với các đối tác Đài Loan và xóa bỏ các hạn chế không cần thiết, khuyến khích các cuộc họp theo cấp làm việc với quan chức Đài Loan tại các tòa nhà liên bang và cũng có thể diễn ra tại văn phòng đại diện của Đài Loan, điều trước đây đã bị cấm.
6) HOA KỲ ĐƯA 7 CƠ SỞ PHÁT TRIỂN SIÊU MÁY TÍNH TRUNG CỘNG VÀO SỔ ĐEN
Giữa tuần này, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết đã bổ sung bảy thực thể hoat động trong lĩnh vực siêu máy tính của Trung Cộng vào danh sách đen kinh tế vì đã hỗ trợ các nỗ lực quân sự của Bắc Kinh.
Các cơ sở bị cho vào sổ đen bao gồm Công nghệ Thông tin Thiên Tân Phytium (Tianjin Phytium Information Technology), Trung tâm Thiết kế IC Thượng Hải (Shanghai High-Performance Integrated Circuit Design Center), Vi Điện tử Sunway (Sunway Microelectronics), cùng với 4 Trung tâm Siêu Máy tính Quốc gia ở Tế Nam, Thâm Quyến, Vô Tích, và Trịnh Châu.
Thượng viện Hoa Kỳ đang chuẩn bị xem xét một dự luật sâu rộng mang tên “Cạnh tranh Chiến lược năm 2021” nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Cộng.
No comments:
Post a Comment