Sunday, April 11, 2021

Phiên Tòa Nguyễn Hữu Đang

Nói Với Người Cộng Sản

Tiếp theo đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục “Nói với người cộng sản”. Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. “Nói với người cộng sản” do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Hoàng Ân

Tiến Văn

Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội,

Vậy là chỉ chưa tới 5 năm sau khi thống trị trên miền Bắc kể từ tháng 10 năm 1954, Hồ và đồng đảng đã loại bỏ hoàn toàn hệ thống tòa án và tư pháp có tính chất độc lập do người Pháp để lại. Hồ cũng cho dẹp hẳn Bộ Tư Pháp vào tháng 12 năm 1959 vì không còn nhu cầu che đậy bản chất độc tài của chế độ như hồi những năm trứng nước 1945.

Ngày 19 tháng 01 năm 1960, Hồ và đồng đảng đã cho mở “phiên tòa” điểm “Nhân văn-Giai phẩm” để răn đe công luận và khủng bố giới trí thức cấp tiến. Đây là “phiên tòa” nhằm vào năm nhân vật trong đó có ông Nguyễn Hữu Đang là người đã từng lãnh trách nhiệm trưởng ban tổ chức và chịu trách nhiệm dựng lễ đài độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 để Hồ chính thức bước lên bục quyền lực. Ngoài ra, còn có một bị cáo nổi tiếng khác là nữ văn sĩ Thụy An. Cả hai đều bị “tòa” kết án 15 năm tù.

Năm 2014 một nhà nghiên cứu người Mĩ, Giáo sư Peter Zinoman, đã tìm được một văn bản về phiên tòa này do Nguyễn Xuân Dương, kẻ giữ ghế “chánh tòa” lúc đó, ghi chép lại như một bản tổng kết về việc “đánh án” theo ngôn ngữ ngày nay hay dùng.

Chúng ta sẽ cùng nhau xem nguyên văn một số câu chữ của bản văn này:

Nguyễn Xuân Dương đặt tên cho văn bản này là

Giới thiệu kinh nghiệm công tác của tòa án về vụ án gián điệp phản cách mạng phá hoại hiện hành Nguyễn Hữu Đang và Thụy An

Sau khi nhận được hồ sơ của Công-an và thụ lý vụ án, Viện công-tố dựa vào hồ sơ và đề nghị của công-an, tiến hành nghiên cứu tìm hiểu nội dung và tính chất vụ án, tội trạng và vai trò của từng bị can rồi tiến hành thẩm cung… Vì là một vụ án quan trọng, phức tạp nên lúc hồ sơ công an chuyển sang, Tòa-án và Viện công-tố đã phối hợp làm các việc kể trên. Tòa-án tối cao cũng cử hai cán bộ nghiên cứu xuống giúp đỡ Tòa-án và Viện công-tố Hà Nội.” (hết trích số 1)

Thưa anh chị em và quí vị, chỉ qua một đoạn trích ngắn này chúng ta đã thấy ngay tính chất gian trá  của cái gọi là “tòa án” trong chế độ do Hồ dựng ra bởi “tòa án và viện công tố” đã phối hợp với công an để cùng thực hiện một công việc điều tra, xét hỏi nghi can; không những thế, cấp tòa cao nhất là “tòa án tối cao” cũng tham gia, phối hợp với các cấp dưới để cùng truy vấn nghi can. Đây là những hành vi hoàn toàn cấm kị trong hoạt động tố tụng để nhằm tìm ra sự thật. Nếu cả ba bộ phận, công an điều tra-bắt giữ, công tố kiểm sát và tòa án cùng thực hiện, bàn bạc thống nhất với nhau trong việc truy vấn, xét hỏi nghi can và những người liên can trong vụ án thì không cần phải đặt ra “tòa án” làm gì nữa vì kết luận đã có ngay trước khi xét hỏi, điều tra rồi.

Tuy nhiên, không chỉ ba bộ phận đó câu kết với nhau để truy vấn nghi can. Biên bản của Nguyễn Xuân Dương còn tự bộc lộ thế này:

Vụ án là một vụ án lớn có ảnh hưởng về nhiều mặt nên trước khi xử, Tòa-án đã đệ hồ sơ lên thỉnh thị Trung-ương để cho ý kiến về đường lối…

…, và sau khi có nhận định của Trung-ương, ba cơ quan Công-an, Tòa-án, và Viện công-tố đã chặt chẽ phối hợp với nhau tiến hành một số công tác sau đây: bổ sung hồ sơ, hỏi cung và giáo dục bị can, chuẩn bị kế hoạch phiên tòa.” (hết trích số 2)

Đoạn trích này đã tự khẳng định rằng tất cả những cơ quan gọi là “điều tra”, “kiểm sát-công tố” hay “tòa án” đều chỉ là các bộ phận dưới quyền của “Trung-ương” tức đảng Hồ-Tàu. “Tòa án” xử ra sao hay “Điều tra” kết luận thế nào đều phải theo nhận định, chỉ đạo của bọn chóp bu trong đảng Hồ-Tàu.

Những người sống trong các nước dân chủ sẽ không bao giờ hình dung ra một “tòa án” lại phải “đệ hồ sơ vụ án lên thỉnh thị” một đảng chính trị. Tuy nhiên đây lại là thực tế đã và đang xảy ra suốt từ năm 1954 đến nay tại Việt Nam từ khi đảng Hồ-Tàu nắm quyền lực.

Dư luận người Việt Nam hôm nay ai cũng tự ngầm hiểu các “phiên tòa” tại Việt Nam, nhất là các “phiên tòa” chính trị, đều là các “phiên tòa bỏ túi”. Nhưng chính trong biên bản cách đây 61 năm, Nguyễn Xuân Dương đã viết hẳn thế này:

Bản buộc tội và bản án cũng được chuẩn bị trước…

Tòa-án nằm trong hệ thống bộ máy chuyên chính của Nhà nước, phục vụ một yêu cầu chính trị nên luôn phải có sự lãnh đạo của Đảng.” (hết trích số 3)

Tới đây, chắc tất cả anh chị em và quí vị đều cảm thấy ngao ngán và căm phẫn vì sẽ không bao giờ dựa vào “tòa án” mà tìm được công lí vì tất cả các “phiên tòa” mở ra chỉ để phục vụ cho một âm mưu của bọn chóp bu trong đảng mà thôi.

Hoàng Ân cùng Tiến Văn xin tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị cùng anh chị em trong chuyên mục tuần tới.

11/04/2021

No comments:

Post a Comment