Mở đầu chương trình, Vân Hà và Nguyên Khải mời quý thính giả theo dõi chi tiết của các tin hôm nay.
1) CỰU ĐẠI UÝ CÔNG AN LÊ CHÍ THÀNH CÓ THỂ BỊ CÁO BUỘC THÊM TỘI “LỢI DỤNG QUYỀN TỰ DO DÂN CHỦ”
Nhà cầm quyền CSVN đang xem xét việc khởi tố thêm cáo buộc về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của BLHS đối với cựu đại uý công an Lê Chí Thành, sau khi bắt giữ ông này với cáo buộc “chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 của luật này, với mức án tù cao nhất cho mỗi tội danh là 7 năm.
Ông Thành được nhiều người biết đến khi mặc quân phục công an và phát các video trực tiếp trên mạng xã hội Facebook và YouTube, tố cáo một số lãnh đạo của trại giam Thủ Đức (tức Z30D), nơi ông Thành làm việc. Gần đây, ông cùng một số người khác quay các đoạn video giám sát cảnh sát giao thông làm việc, có lúc bị một số người mặc thường phục đe dọa. Công an thành Hồ cáo buộc rằng chỉ trong vài tháng đầu năm 2021, ông Thành cùng một số người khác có khoảng 20 lần có mặt ở nhiều nơi để cố tình tiếp cận, khiêu khích, cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên đường, trong khi thực tế thì ông giám sát việc công an có thực thi đúng nhiệm vụ hay là chèn ép người dân để ăn mãi lộ.
Tháng 7 năm ngoái, Cục Quản lý trại giam (Bộ Công an) quyết định kỷ luật, tước danh hiệu công an nhân dân đối với ông Thành.
2) CHỈ CÓ 75 NGƯỜI TỰ ỨNG CỬ VÀO QUỐC HỘI CSVN
Truyền thông nhà cầm quyền CSVN đưa tin chỉ có 75 người tự ứng cử vào quốc hội trong cuộc bầu cử vào cuối tháng 5 tới đây, mức thấp nhất trong các kỳ bầu cử gần đây.
Những người này được đưa vào danh sách ứng viên sau sự xét duyệt của uỷ ban trung ương mặt trận tổ quốc, một tổ chức hoạt động dưới sự kiểm soát chặt chẽ của đảng CS cầm quyền. Bằng nhiều thủ đoạn, kể cả bắt giữ hay đe doạ, nhà cầm quyền CS đã loại bỏ nhiều hồ sơ tự ứng cử của nhiều ứng viên độc lập, và chỉ giữ lại hoặc đưa vào danh sách những ứng viên không có khả năng có tiếng nói độc lập trong diễn đàn quốc hội.
Trong vài tháng qua, CSVN đã bắt giữ 2 ông Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của BLHS, sau khi họ có ý định hoặc đã ghi danh làm ứng viên độc lập.
Tuần qua, nhà cầm quyền còn bắt giữ và tra khảo một số người có ý định tự ứng cử, như trường hợp nhà thơ người Chăm là Đồng Chuông Tử, nhà báo độc lập Nguyễn Văn Sơn Trung… họ chỉ được trả tự do sau nhiều ngày bị giam giữ trong đồn công an. Bằng thủ đoạn “lấy phiếu tín nhiệm” ở khu dân cư hoặc ở nơi làm việc như đã làm trong kỳ bầu cử năm 2016, nhà cầm quyền CS đã loại bỏ ông Nguyễn Đình Cống, một giáo sư khả kính, từng giảng dạy tại Đại học Xây dựng.
Việc bắt giữ hay đưa về đồn công an một số ứng viên độc lập để tra khảo đã làm chùn chân những người có ý định tương tự. Quốc hội VN là một tổ chức bù nhìn của đảng CS, chỉ có nhiệm vụ hợp pháp hoá mọi quyết sách của đảng. Kể từ năm 1945 đến nay, chỉ có 1 dự luật được xây dựng bởi đại biểu quốc hội.
3) HOA KỲ VÀ TRUNG CỘNG RA TUYÊN BỐ CHUNG, CAM KẾT HỢP TÁC TRONG VIỆC ĐỐI PHÓ VỚI NẠN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Vào thứ Bảy ngày 17/4, ban lãnh đạo của Nga và Hoa Kỳ ra tuyên bố chung, khẳng định sẽ hợp tác để đối phó với việc khủng hoảng khí hậu. Tuyên bố được đưa ra ít ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu, dự kiến sẽ diễn ra vào các ngày 22-23/04, theo sáng kiến của Hoa Kỳ.
Trong thông cáo chung có đoạn ghi: “Hoa Kỳ và Trung Cộng cam kết hợp tác song phương và với các quốc gia khác để đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu, cuộc khủng hoảng cần được xử lý một cách nghiêm túc và khẩn cấp đúng như tình hình đòi hỏi. Ký tên vào tuyên bố chung là Đặc sứ Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry và người đồng nhiệm phía Trung Cộng Giải Chấn Hoa (Xia Zhenhua) trong chuyến viếng thăm của ông Kerry tới Hoa Lục trong tuần qua.
Bản tuyên bố chung nêu lên một loạt lĩnh vực mà hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể hợp tác. Washington và Bắc Kinh khẳng định sẽ “phát triển” các chiến lược dài hạn nhằm hướng tới trung hòa về khí thải, trước thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Anh vào đầu tháng 12 năm nay. Trong số các biện pháp đó có việc cắt giảm khí thải công nghiệp, khí thải trong việc sản xuất điện, tăng cường năng lượng tái tạo, phương tiện giao thông “sạch”, và một nền nông nghiệp có thể kháng cự lại những bất thường về khí hậu.
4) CĂNG THẲNG VỚI UKRAINE, NGA TĂNG CƯỜNG LỰC LƯỢNG HẢI QUÂN Ở HẮC HẢI
Hãng tin Reuters cho biết, hôm thứ Bảy ngày 17/04, hai tàu chiến Nga đã đi qua eo biển Bosphorus, thẳng hướng Hắc Hải. Trước đó, 15 chiến hạm Nga cũng đã đến khu vực này. Những chuyển động quân sự này diễn ra vào lúc căng thẳng giữa Nga với phương Tây và Ukraine gia tăng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi Nga hãy rút bớt quân bổ sung được triển khai dọc theo biên giới với Ukraine và bán đảo Crimea. Lời kêu gọi đưa ra sau cuộc hội kiến giữa Tổng thống Ukraine và Tổng thống Pháp tại điện Elysée hôm thứ Sáu. Cả ba vị lãnh đạo bày tỏ mối quan ngại chung, trước việc Nga gia tăng các hoạt động quân sự.
Tổng thống Macron khẳng định, nước Pháp sẵn sàng có những biện pháp trừng phạt trong trường hợp Moscow có “thái độ không thể chấp nhận”.
Nga bị cáo buộc đã triển khai hàng chục ngàn binh sĩ gần biên giới với Ukraine và tại bán đảo Crimea, bị sáp nhập vào Nga năm 2014. Giao chiến giữa Ukraine và phe ly khai ở Đông Ukraine lại bùng lên sau vài tháng tạm lắng, từ khi một lệnh ngưng bắn được ký kết hồi mùa hè năm ngoái.
No comments:
Post a Comment