Kính thưa quý thính giả,
Một người đã đi vào lịch sử của dân tộc bằng con đường rực rỡ hào quang dành cho những người có tấm lòng với đất nước, nhưng lại luyến tiếc cho số phận vì đã không làm được hết những điều mình muốn làm, để phục vụ cho non sông, gấm vóc. Người đã nổi tiếng vì trong lúc vận nước suy đồi dưới ách đô hộ, lắm kẻ trong giới quan lại chỉ biết xu nịnh, riêng người đã vững tâm với tinh thần quốc gia, dám đương đầu với người Pháp và giữ vững được tính liêm sỉ của một vị quan thấm nhuần Nho học. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Quận Công Nguyễn Hữu Bài” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Việt Thái
Năm cụ khi không rớt cái ình,
Đất bằng sấm dậy giữa thần kinh.
Bài không đeo nữa xin dâng lại,
Đàn chẳng ai nghe khéo dở hình.
Liệu thế không xong binh chẳng được,
Liêm đành chịu đói lễ đừng rinh.
Công danh như thế là hưu hỉ,
Đại sự xin nhường lớp hậu sinh.
Đó là 8 câu thơ Đường luật của nhà thơ Nguyễn Trọng Cẩn ghi lại với lối chơi chữ bằng tên của 5 vị quan bị bãi chức.
Phêrô Giuse Nguyễn Hữu Bài sinh năm 1863 trong một gia đình theo đạo Công giáo tại làng Cao Xá, tổng Xuân Hòa, phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ông thuộc dòng dõi thánh tử đạo Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh và là hậu duệ của đức Nguyễn Trãi.
Thuở nhỏ, ông theo học tại Tiểu chủng viện An Ninh, được xem là chủng sinh xuất sắc về học vấn và đạo đức. Sau đó nhờ có trí thông minh, ông được gửi đi tu học ở Đại chủng viện Penang, Mã Lai.
-Năm 1886, ông được triều đình cử đi cùng với nhà chức trách Pháp để phân định biên giới Việt – Trung ở Bắc Kỳ.
-Năm 1887, ông dẫn quân đi đánh thổ phỉ ở miền Thượng du Bắc Kỳ, được Lại Bộ Thuợng thư Nguyễn Trọng Hợp khen ngợi về tài đức và khí khái.
-Năm 1898, được bổ làm Bố Chánh tỉnh Thanh Hóa.
-Năm 1899, thăng Thị Lang Bộ Lại và Thương tá Cơ Mật viện Huế.
-Năm 1902, lên chức Tham tri Bộ Hình và được cử đi sứ nước Pháp.
-Năm 1908, lãnh chức Thượng thư Bộ Lại. Khi Khâm sứ Pháp Mahé đề nghị đào vàng bạc chôn ở lăng vua Tự Đức, ông nhất quyết phản đối. Dân chúng đương thời đã đặt ra câu tục ngạn: “Phế vua không Khả, đào mả không Bài“.
-Năm 1909, nhận thấy rất nhiều đất đai bị bỏ hoang, ông dành hết thời gian nghỉ ngơi của mình chú tâm vào việc khẩn hoang lập ấp cho đồng bào trong vùng. Ông giúp dân làm thủ tục xin khai khẩn đất hoang lập thành làng Phuớc Môn, phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng trị với diện tích trồng trọt gần 1000 mẫu ruộng và 1200 mẫu rừng. Ông còn huớng dẫn dân khai khẩn thêm ruộng đất ở vùng Ngũ Phước. Ông còn lập nên một đồn điền mới trên mười dặm vuông ở vùng đất đỏ gần sông Thạch Hãn với tên gọi là làng Cùa.
-Năm 1923, ông được thăng Thái phó, Võ hiển điện Đại học sĩ, Cơ mật Viện trưởng Đại thần. Sau đó ông được giữ chức Thượng thư Bộ Lại.
-Năm 1932, ông được vua Bảo Đại phong tước Phước Môn Quận công.
-Năm 1933, vua Bảo Đại muốn cải cách triều đình cho về hưu một lúc 5 Thượng thư các Bộ gồm: bộ Lại, bộ Hình, bộ Binh, bộ Lễ, bộ Công, với lý do là những Thượng thư này chỉ thông thạo Nho học, cần phải nhường chức vụ lại cho những người có trình độ học vấn Tây phương. Và ông là một trong số những Thượng thư bị bãi chức.
-Ngày 10/7/1935, ông đến dự lễ tấn phong của Giám mục Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn. Sau buổi tiệc, ông bị cảm lạnh. Khâm sứ Graffeuil, Bác sĩ Terrisse Quản đốc Y tế và Công sứ Quảng Trị là Alérini đến Phước Môn thăm ông. Khi thấy bệnh tình ông trở nên trầm trọng, đã đưa ông vào nhà thương Huế điều trị. Nhưng bệnh tình ông lại trở nặng thêm. Vào lúc 2 giờ sáng ngày 28/7/1935, ông từ trần tại Phủ Cam (Huế), hưởng thọ 73 tuổi. Linh cữu ông được đưa ra an táng tại mộ phần gần Phước Môn.
*****
Quận công Nguyễn Hữu Bài là một vị quan luôn quan tâm đến các vấn đề xã hội, văn hóa và giáo dục. Ông lập cơ sở Dục Anh, nuôi trẻ mồ côi tại Phuớc Môn và xuất tiền riêng cho người vào miền Nam mua gạo chở ra cứu đói cho dân Quảng Trị, nơi bị thiên tai mất mùa vào năm 1916.
Vừa thấm nhuần Nho học, vừa hấp thụ Tân học, thông thạo tiếng Pháp và La tinh, ông lại còn muốn phát triển văn hóa Việt và tự mình làm gương cho những nguời cùng thế hệ với những sáng tác bằng thơ Nôm. Những vần thơ của ông vừa trong sáng bình dị, thuộc nhiều thể loại, vừa thoát được những gánh nặng điển tích, vừa rung cảm và thiết tha khi diễn tả những nỗi niềm tâm sự của một sĩ phu đạt được mức danh vọng cao nhất của một đời người, nhưng không toại nguyện vì đã hết lòng hết sức tranh đấu cho quyền lợi của quốc gia dân tộc, mà không thu được kết quả như mong muốn. Ông chính là tấm gương sáng về tinh thần trung quân ái quốc để các thế hệ trẻ noi theo.
Đất nước Việt Nam hiện đang cần có những vị quan tài ba và đức độ như Quận công Nguyễn Hữu Bài, chứ không cần những kẻ “mua danh bán chức” trong tập đoàn lãnh đạo CSVN mà thực chất chỉ là những con “sâu dân, mọt nước” đang đẩy cả dân tộc vào vòng nô lệ mới của Tàu Cộng phương Bắc!
No comments:
Post a Comment