Sunday, April 4, 2021

Hồ Chí Minh và Cơ Quan Tư Pháp (2)

Nói Với Người Cộng Sản

Tiếp theo  đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục “Nói với người cộng sản”. Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. “Nói với người cộng sản” do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Hoàng Ân

Tiến Văn

Thưa quí vị đảng viên lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,

Tuần này chúng ta tiếp tục nói về ý đồ của Hồ muốn khống chế hoàn toàn quyền lực tư pháp để dễ bề trấn áp người đối lập.

Trước khi đi vào chi tiết, chúng ta cần điểm lại một số mốc về Hồ cho đến thời điểm năm 1948.

Năm 1911, vào khoảng 20 tuổi, Hồ đã phải lưu lạc ra hải ngoại. Trên con đường kiếm kế sinh nhai rất gian truân, Hồ đã từng viết đơn theo học trường đào tạo quan chức thuộc địa tại Pháp nhưng bị từ chối. Sau đó, Hồ đã chạy theo trào lưu cộng sản đang bùng nổ ở châu Âu. Hồ được Đệ Tam Cộng Sản tuyển dụng làm nhân viên ăn lương và hoạt động tại châu Á. Hồ đã qua nhiều khóa đào tạo tại Nga Xô. Vào năm 1948, chính quyền của Hồ vẫn đang trong giai đoạn phải củng cố ở tất cả các mức độ từ tổ chức cho tới kinh tài. Lúc này, chính quyền của Hồ đang phải ẩn náu để chống đỡ các cuộc truy lùng của người Pháp. Hồ ráo riết bắt liên lạc lại với phe cộng sản của Mao bên Trung Hoa và tìm kiếm sự ủng hộ của Xít-Ta-Lin bên Nga Xô. Vì vậy trong thời kì này, chính quyền Hồ hầu như chưa dám có nhiều hành động trắng trợn làm lộ bản chất độc tài toàn trị. Về tư pháp, Hồ và đồng đảng vẫn phải chấp nhận để nhiều cán bộ tư pháp thể hiện sự độc lập cả về quan điểm lẫn trong thực thi xét xử; Hồ chỉ dám nêu ra ý muốn triệt tiêu sự độc lập của tư pháp một cách kín đáo và khéo léo. Hồ thường để sự tấn công tư pháp độc lập cho các thủ hạ phía dưới thể hiện như các bồi bút Quang Đạm, Tân Dân trên báo Sự Thật. Song, về mặt chiến lược, Hồ và đồng đảng ráo riết xây dựng một chế độ chính trị độc tài, sắt máu, phản dân chủ theo mô hình do Lê Nin thiết lập ở Nga Xô.

Qua những bài viết bồi bút của Hồ chúng ta cũng thấy lộ ra sự lo hãi của Hồ trước quan điểm tư pháp độc lập. Trong một bài bôi nhọ những trí thức kêu gọi giữ gìn tính độc lập cho tư pháp, bồi bút Quang Đạm viết:

 

Xin trích: “… vì lòng tự ái và chủ nghĩa tự do của giới trí thức, vì ý thức xã hội và quan niệm theo học thuyết, vì ganh tị địa vị, quyền hạn, một số trí thức đó vẫn giữ khư khư thái độ riêng rẽ với chính quyền nhân dân, chủ trương ‘tư pháp độc lập để bảo vệ tự do cá nhân’ được xem như là một chân lý vĩnh viễn tuyệt đối… nhiều khi công việc trấn áp các lực lượng phản động đã vấp phải trở lực nghiêm trọng về thái độ ý thức và quan niệm sai lầm ấy.” hết trích

Không dừng ở tấn công bằng báo chí, cuối năm 1948 Hồ đã đích thân ra một sắc lệnh để gạt bỏ bộ phận tư pháp muốn giữ độc lập ra khỏi chính quyền. Đây là sắc lệnh mang số hiệu SL 254, ban hành ngày 9 tháng 11 năm 1948. Sắc lệnh này cho phép cái gọi là Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính có quyền tư pháp bao hàm cả việc bắt giữ, xét xử và cấm người ra khỏi nơi cư trú. Tuy nhiên, để che đậy và dễ dàng biện bạch với dư luận, sắc lệnh này qui định các ủy ban kháng chiến phải “hỏi ý kiến Giám đốc tư pháp” tại các vùng hành chính.

Điều trớ trêu của sắc lệnh này là chính nó phản lại Sắc Lệnh số 40 do chính Hồ kí ra ngày 29 tháng 3 năm 1946 qui định chỉ có cơ quan tư pháp mới có quyền ra lệnh bắt người. Ngay cả trong trường hợp khẩn cấp cần bắt người liên quan tới an ninh quốc gia, Sắc lệnh số 40 này cũng qui định chỉ có tòa án mới có quyền quyết định cuối cùng về nghi can và có thể buộc trả tự do cho nghi can. Nhưng đó là thời điểm năm 1946 khi Hồ mới cướp được chính quyền.

Sang năm 1950, khi Mao đã thắng tại Trung Hoa và đồng ý trợ giúp cho Hồ về chính trị lẫn kinh tế, Hồ ra một sắc lệnh khác cho phép các thành phần công nông vô học ngồi hẳn vào ghế quan tòa. Đây là sắc lệnh số 158-SL ra ngày 17 tháng 11 năm 1950. Sắc lệnh này có nghĩa Hồ loại hẳn các trí thức độc lập ra khỏi tư pháp nhưng cũng là một bước để chuẩn bị cho cuộc “Cải cách ruộng đất” sẽ diễn ra bằng những “phiên tòa” đấu tố dã man sẽ diễn ra không lâu sau đó.

Vẫn chưa hài lòng, đến năm 1959 Hồ và đồng đảng còn đi tới quyết định giải tán hoàn toàn Bộ Tư Pháp. Đây cũng là một chuẩn bị để Hồ và đồng đảng hoàn toàn an tâm cho dựng ra các vụ án oan lịch sử như “Nhân văn-Giai phẩm” hay “Xét lại chống Đảng”. Nạn nhân không chỉ là những nhân sĩ, trí thức cấp tiến, yêu mến tự do mà còn là những đồng đảng, ân nhân nhưng không còn đồng quan điểm với Hồ.

Tuần sau chúng ta sẽ khảo sát một biên bản “phiên tòa” rất nổi tiếng đã diễn ra vào đầu năm 1960 ngay sau khi Bộ Tư Pháp bị giải thể.

Hoàng Ân cùng Tiến Văn tạm biệt và xin hẹn quí vị, quí bạn trong chương trình tuần sau.

04/04/2021

No comments:

Post a Comment