Monday, April 5, 2021

“Bán nước” để “cứu Đảng” qua “Hội nghị Thành Đô”

Đất Nước Đứng Lên

Thưa quý thính giả, Hội nghị Thành Đô năm 1990 là hội nghị đưa đến một hiệp ước để CSVN bán nước cho CSTQ. Chỉ khi nào nhân dân đứng lên lật đổ bè lũ  bán nước này thì dân tộc Việt mới thoát khỏi số phận nô lệ giặc Tàu. Qua chuyên mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả theo dõi bài viết của Trần Trung Đạo với tựa đề: “Bán nước” để “cứu Đảng” qua “Hội nghị Thành Đô” _sẽ được Khánh Ngọc trình bày để tiếp nối chương trình.

Trần Trung Đạo

Sau chiến tranh biên giới, Đặng Tiểu Bình thay đổi cấp lãnh đạo, phương hướng phát triển kinh tế và mở rộng ảnh hưởng đến các nước tư bản tự do; trong lúc đó giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam tự cô lập trong chuyên chính vô sản, lạc hậu trong thời bao cấp, tem phiếu, thu mua để rồi đưa đất nước đến thảm trạng nghèo đói tận cùng suốt thập niên năm 1980.

Khi Liên Xô trên đà sụp đổ, không còn ai che chở, giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam lại lần nữa tìm về nương náu dưới chiếc bóng của đàn anh Trung Cộng.

Hội nghị bí mật tại khách sạn Kim Ngưu, Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên trong hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990 giữa phía Việt Nam gồm Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh và phía Trung Cộng gồm Giang Trạch Dân và Lý Bằng.

Hội nghị này thực chất là lễ cam kết một loại “công hàm Phạm Văn Đồng” khác.

Cựu thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ phân tích một cách chi tiết các diễn tiến dẫn tới sự kiện Thành Đô trong hồi ký của ông ta. Không ai, ngoài Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười và Nguyễn Văn Linh, biết chính xác nội dung hội nghị bí mật Thành Đô.

Tuy nhiên, qua thái độ nhu nhược và phản ứng yếu hèn của giới lãnh đạo CSVN trước các hành động chiếm đảo, bắn tàu, cắt dây cáp, giết người tàn nhẫn của hải quân Trung Cộng và mới đây bắt bớ hàng loạt người Việt gióng lên tiếng nói bất bình, cho thấy nội dung bán nước trong “công hàm Thành Đô” còn trầm trọng và chi tiết hơn cả “công hàm Phạm Văn Đồng”.

Tại sao lãnh đạo Trung Cộng chấp nhận sự quy phục của lãnh đạo CSVN?

Bởi vì:

  1. Là thế hệ chứng kiến sự tranh giành quyền lực giữa các lớp đàn anh, Giang Trạch Dân biết tham vọng quyền lực đã hòa trong mạch sống, hơi thở, máu thịt của Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh và giới lãnh đạo CSVN.
  2. Không giống như thời Liên Xô chưa sụp đổ, lần này đảng CSVN không còn một con đường thoát nào khác ngoài quy phục TC.
  3. Về an ninh lảnh thổ, Việt Nam là hành lang chiến lược trong vùng Nam Á.
  4. Vào thời điểm 1990, đối tượng cạnh tranh của Trung Cộng không còn là Việt Nam mà là Mỹ, Đức, Nhật.
  5. Mục tiêu bành trướng của Trung Cộng cũng không phải chỉ là Hoàng Sa -Trường Sa mà là cả vùng Thái Bình Dương.

Đọc hồi ký của Trần Quang Cơ để thấy mặc dù nhân loại sắp bước vào một thiên niên kỷ mới, nhận thức về chính trị và bang giao quốc tế của các lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam vẫn còn ngây thơ đến tội nghiệp.

Sau “công hàm Thành Đô” và tái lập quan hệ giữa hai đảng vào ngày 7 tháng 11 năm 1991, các lãnh đạo CSVN thay phiên nhau triều cống Trung Cộng. Lê Đức Anh sang Trung Cộng 28 tháng Giêng năm 1991, Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt sang Trung Cộng 5 tháng 11 năm 1991 và gần như hàng năm các lãnh đạo CSVN luân phiên nhau sang Trung Cộng để lập lại lời hứa phục tùng.

Sau khi đặt đảng CSVN trở lại trong vòng kiểm soát, ngày 25 tháng 2 năm 1992, Quốc vụ viện Trung Cộng thông qua “Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp” quy định lãnh hải rộng 12 hải lý, áp dụng cho cả bốn quần đảo ở Biển Đông trong đó có quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa).

Ba tháng sau đó, ngày 8 tháng 5 năm 1992 Trung Cộng ký hợp đồng khai thác dầu khí với công ty năng lượng Crestone của Mỹ, cho phép công ty này thăm dò khai thác dầu khí trong thềm lục địa của Việt Nam, nằm ở phía Tây Nam của quần đảo Trường Sa. Trung Cộng cũng hứa với công ty Creston sẽ bảo vệ bằng võ lực nếu Việt Nam can thiệp vào công việc của họ.

Ngoài các hoạt động khai thác dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam, Trung Cộng còn ngang ngược ra lịnh cấm đánh cá, thành lập các đơn vị hành chánh cấp huyện tại Hoàng Sa và Trường Sa, và cho phép hải quân Trung Cộng bắn giết ngư dân Việt Nam vô tội không phải chỉ một lần mà rất nhiều lần.

Các lãnh đạo Việt Nam, lo cho sự sống còn của đảng Cộng Sản, đáp lại bằng những lời than vãn gần như giống nhau sau những lần Trung Cộng xâm phạm chủ quyền.

Tại sao Trung Cộng không ngang ngược với Philippines, Mã Lai, Brunei, những quốc gia đang tranh chấp chủ quyền Trường Sa?

Bởi vì các quốc gia đó thật sự có chủ quyền chính trị, chính phủ trong sạch được bầu lên một cách hợp pháp, có nhân dân hậu thuẫn, có quốc tế kính trọng, có nhân loại cảm tình.

Một chiếc tàu đánh cá treo quốc kỳ Nhật, quốc kỳ Phi làm hải quân Trung Cộng e dè, kiêng nể trong lúc tàu đánh cá treo cờ đỏ sao vàng lại trở thành mục tiêu tác xạ.

Thật vậy, với một bên quyết tâm trả thù cho “một trăm năm sỉ nhục” bằng chủ trương bành trướng khắp thế giới và một bên chỉ mong được tiếp tục đè đầu cỡi cổ chính đồng bào mình.

Lãnh đạo Trung Cộng rất yên tâm vì họ biết rõ ngày nào đảng Cộng Sản còn cai trị nhân dân Việt Nam ngày đó Trung Cộng còn chi phối được Việt Nam.

Trước đây sử gia Lê Văn Hưu đã thốt lên câu đứt ruột trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: “Xin trời vì nước Việt ta sớm sinh thánh nhân, tự làm đế nước nhà”. Nếu sử gia sống trong thời đại này, hẳn ngài sẽ đổi thành “Xin trời vì nước Việt ta sớm đánh thức nhân dân để họ biết đứng lên, tự làm chủ nước nhà.”

No comments:

Post a Comment