Saturday, February 2, 2019

Liệt Hầu Nguyễn Khoái

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả, lịch sử Việt Nam ghi lại nhiều chiến công hiển hách của các anh hùng đời nhà Trần như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư .v.v. mỗi danh tướng đều có sắc thái riêng biệt tạo thành những vì sao sáng trên nền trời nước Việt. Ngoài ra, còn có một danh tướng xuất thân bình dân đã đại phá giặc Nguyên tại Hàm Tử Quan và lập đại công trong chiến thắng Bạch Đằng lẫy lừng sau đó. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Liệt Hầu Nguyễn Khoái” của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh và Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Việt Thái

Thời nhà Trần, có hai nhân vật cùng họ cùng tên Nguyễn Khoái và cùng được sử sách đề tên. Một người là danh tướng, một người là danh thần.

Nguyễn Khoái là danh tướng giỏi về thủy chiến, chỉ huy quân Thánh Dực dưới thời vua Trần Nhân Tông (1278 – 1293), từng lập công lớn trong hai cuộc chiến chống quân Nguyên – Mông xâm lược lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288).
Thời nhà Trần, quân Thánh Dực là một trong những đoàn quân chủ lực của triều đình. Tướng chỉ huy đoàn quân này ngoài tài năng và uy tín, còn phải có một quá trình thử thách lâu dài.
Trong cuộc chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ hai, Nguyễn Khoái chỉ huy đoàn quân Thánh Dực theo bảo vệ Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông, đồng thời sẵn sàng chiến đấu theo lệnh của vua Trần Nhân Tông.
Trải qua 3 năm tính từ khi đạo quân Toa Đô vượt biển vào đánh phá đất Chiêm Thành vào năm 1282, đạo quân này tuy đã bị thiệt hại nhiều, nhưng vẫn là một đạo quân hùng mạnh.
Khi quân của Toa Đô từ đất Chiêm Thành tiến ra để kết hợp với cánh quân chủ lực của Thoát Hoan, tạo thành hai gọng kềm từ Nam lên và từ Bắc xuống, Toa Đô hùng hổ tiến ra vùng châu thổ sông Hồng. Sử Việt ghi chép:
“Toa Đô từ Chiêm Thành kéo ra đánh phá và cướp bóc suốt dọc đường đi. Chúng trèo đèo vượt sông, từ châu Ô, châu Lý, châu Hoan và châu Ái, tiến ra Tây Kết. Nhà vua bàn với quần thần rằng:
‘Giặc đi xa muôn dặm để mưu cướp nước người, do không chiếm được nên mới bỏ đi. Nay nhằm lúc chúng đang mỏi mệt mà đem quân ta đánh phủ đầu thì ắt chúng sẽ mất hết nhuệ khí và sẽ bị phá tan’.
Bàn xong, Nhà vua liền hạ lệnh cho Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản cùng Tướng Nguyễn Khoái đem quân tinh nhuệ đi đón đánh Toa Đô. Khi tiến quân đến Hàm Tử, hai bên đụng trận đánh nhau rất quyết liệt”.
Trận này Tướng Nguyễn Khoái đã lập công lớn khi đánh tan đạo quân của tướng giặc là Toa Đô. Thắng lợi của chiến dịch Hàm Tử có ảnh hưởng lớn đến thắng lợi của chiến dịch Tây Kết, và ngược lại. Thắng lợi này mở đường cho một loạt các chiến thắng sau đó, đẩy quân Nguyên – Mông vào thế bị động để rồi cuối cùng bị bại trận.
Trong cuộc chiến tranh chống quân Nguyên – Mông xâm lược lần thứ ba (1288), Tướng Nguyễn Khoái lại tiếp tục lập được chiến công vẻ vang trong trận Bạch Đằng, góp phần lớn vào thắng lợi của cả dân tộc.
Lợi dụng mức thủy triều lên xuống của sông Bạch Đằng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sai quân đóng cọc dưới lòng sông, đầu cọc bịt sắt nhọn. Khi thủy triều lên cao thì bãi cọc bị che khuất, Ngài dùng kế nhử chiến thuyền quân giặc vào khu vực này và đợi thủy triều rút xuống làm cho thuyền quân Nguyên – Mông bị mắc cạn, mới điều động thủy quân do Tướng Nguyễn Khoái chỉ huy dùng thuyền nhỏ lao ra công hãm tiêu diệt. Và Nguyễn Khoái đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này khiến cho giặc hốt hoảng, vừa cố sức chống đỡ, vừa tìm đường tháo chạy.
Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục viết: “Bấy giờ, thủy triều rút xuống rất nhanh, Tướng Nguyễn Khoái thống lãnh quân Thánh Dực xông ra, đánh mạnh vào đội hình giặc, phá tan được quân Nguyên. Ngay lúc ấy, đại binh Nhà vua cũng vừa tiến tới. Ô Mã Nhi phải thu thập chiến thuyền còn lại để tháo chạy, chẳng ngờ, thuyền vướng cọc gỗ, bị lật nhào xuống nước. Quân Nguyên chết không biết là bao nhiêu mà kể. Quân ta bắt được của chúng hơn 400 chiếc thuyền”.
Triều đình nhà Trần đánh giá rất cao công lao của Tướng Nguyễn Khoái. Tháng 4 năm 1289, vua Trần Nhân Tông định công ban thưởng cho các tướng sĩ và Nguyễn Khoái được phong tước Hầu. Nguyễn Khoái là một trong số rất ít người không thuộc hàng quý tộc được hưởng đặc ân này.
* * *
Nhìn về triều Trần, bất cứ con dân nước Việt nào cũng cảm thấy vận mệnh đất nước đã may mắn khi sản sinh ra hàng loạt những người có tài văn thao võ lược trong thời đế quốc Mông Cổ đang tung hoành từ Á sang Âu, với nhiều quốc gia bị tiêu diệt, mà tiêu biểu là nước Đại Lý, một quốc gia có mối giao hảo tốt đẹp với Đại Việt.
Đảng CSVN luôn phê phán nặng nề các triều đại phong kiến, nhưng dù muốn bóp méo lịch sử đến đâu chăng nữa, họ cũng không thể bôi nhọ được những văn thần võ tướng của triều Trần đã đổ máu để giữ vững giang sơn Đại Việt và mở rộng cõi bờ về phương Nam. Họ sẵn sàng quỳ xuống xin nhà vua chém đầu mình, chứ nhất quyết không chịu đầu hàng quân giặc, hay chấp nhận dâng một tấc đất nào cho đế quốc Hán – Hồ để cầu hòa.
Trường hợp Nguyễn Khoái được phong Hầu được xem như là một ngoại lệ hiếm hoi vì lúc bấy giờ ông là một trong những người không thuộc hàng quý tộc. Và điều này cho thấy, một trong những nguyên nhân chính mà nhà Trần đã 3 lần chiến thắng giặc Nguyên – Mông là nhờ tập hợp được toàn dân với tinh thần “dân quân một lòng”. Chiến thắng của nhà Trần mãi mãi là niềm tự hào của con dân nước Đại Việt trong sự nghiệp bảo vệ non sông gấm vóc.
Rất tiếc sử Việt không ghi chép những diễn biến vào cuối đời của danh tướng Nguyễn Khoái. Thế nhưng, chỉ vài dòng nhắc đến tên ông trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, đã đủ để tên tuổi của ông mãi mãi được vinh danh trong lòng dân tộc.

No comments:

Post a Comment