Thưa quý thính giả, Gần đây, một giáo sư sử học CSVN Phạm Hồng Tung
đề nghị mang đầy tính “Hán Nô” là Việt Nam phải tham khảo với Trung Cộng
trước khi soạn giáo trình dạy sử cho học sinh về cuộc chiến biê giới
Việt Hoa năm 1979. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của
Hoàng Hải Vân với tựa đề: “Não trạng nhược tiểu của giới sử học Việt
Nam”sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh
DLSN tối hôm nay.
Hoàng Hải Vân
Nhân một cơ quan ngôn luận của Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn lời một giáo sư sử học đề nghị : “Cuộc chiến tranh năm 1979 đã lùi xa 40 năm. Bây giờ chính là lúc giới sử học của hai nước nên ngồi lại, thảo luận những nguyên tắc cơ bản để dạy về những vấn đề liên quan đến lịch sử hai nước”, tôi thấy không cần phải tranh cãi về não trạng nhược tiểu đó. Chỉ xin nói lại nguồn gốc của não trạng này, một não trạng đã thành thâm căn cố đế trong giới sử học nước nhà, không chỉ bây giờ mà từ mấy trăm năm trước khi các sử quan đặt bút viết chính sử.
Bộ Đại Việt sử ký toàn thư (gọi tắt là Toàn thư) do Ngô Sỹ Liên chủ biên viết vào thời nhà Lê hiện là bộ sử lớn nhất và xưa nhất còn truyền bản (còn 2 cuốn sử khác nữa, nhỏ hơn, là Đại Việt sử lược và An nam chí lược viết từ thời nhà Trần được lưu giữ ở Trung Quốc cũng còn truyền bản, đã được giới sử học của ta dịch ra quốc ngữ). Toàn thư, sau này được các sử quan Lê-Trịnh bổ sung, là bộ sách chính giúp chúng ta biết về lịch sử nước nhà từ thời Hồng Bàng đến thời Hậu Lê. Các bộ chính sử sau đó, từ nhà Nguyễn đến ngày nay, đều dựa vào Toàn thư để viết về giai đoạn nói trên.
Toàn thư là do các hủ nho viết, nên ngoài việc sùng bái thi thư lễ nhạc Trung Quốc khiến cho nhiều sự kiện lịch sử bị nhốt trong lăng kính nho giáo, còn phạm phải những sai lầm nghiêm trọng khi lấy nguyên nhiều tài liệu của Trung Quốc đưa vào chính sử mà không hề đối chiếu nguồn. Một trong những sai lầm đó là khẳng định các thời kỳ Bắc thuộc, khiến cho ngày nay trên cửa miệng nhiều người Việt Nam ta cứ ra rả “1000 năm Bắc thuộc”.
Hơn 10 năm trước, tôi có viết loạt bài “Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động” đăng nhiều kỳ trên Báo Thanh Niên, trong đó có đưa ra các tài liệu chứng minh rằng không hề có cái gọi là Bắc thuộc lần thứ nhất trong lịch sử nước nhà, mà khẳng định cho đến năm 43, nước ta vẫn là một nước độc lập, rằng những nhân vật gọi là Thái Thú sang cai trị ở nước ta chẳng qua là cai trị khống, nghĩa là tuy được phong chức nhưng chưa bao giờ có mặt ở nước ta cả. Rằng cuộc chiến đấu của Hai Bà Trưng là cuộc chiến tranh vệ quốc chống Trung Quốc xâm lược chứ không hề là một cuộc “khởi nghĩa”. Rằng Sỹ Nhiếp, chỉ có gốc tổ tiên 6 đời là người Trung Quốc chứ không phải là một quan cai trị do Trung Quốc đưa sang, rằng ông chính là người Việt Nam và chính quyền Sỹ Nhiếp là một chính quyền Việt Nam độc lập, v.v…
Hai Bà Trưng sau khi đánh thắng bọn Trung Quốc xâm lược đã lấy lại 65 thành và đặt tên nước là Lĩnh Nam, chính là tên nước mới của một cương thổ rộng lớn được xác lập từ thời các vua Hùng, kéo dài lên đến phía nam hồ Động Đình, không chỉ gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến mà còn bao gồm cả các tỉnh An Huy, Giang Tây, Chiết Giang, Hàng Châu… của Trung Quốc ngày nay. Lấy một lúc 65 thành, một cuộc khởi nghĩa của nữ nhi sao có thể làm nổi.
Cho nên 65 thành đó phải có dân ta, có quân ta, tuy bị Trung Quốc chiếm nhưng vẫn còn lực lượng, lực lượng này đã hưởng ứng cuộc chiến tranh vệ quốc của Hai Bà Trưng mà nổi dậy đuổi giặc. Chính quyền của Trưng nữ vương là chính quyền độc lập, có luật pháp khác với luật pháp của Trung Quốc (Mã Viện từng điều tấu lên Hán đế rằng Việt luật so với Hán luật khác nhau 10 điều), là chính quyền độc lập với Trung Quốc liên tục kể từ thời các vua Hùng, cho đến năm 43 khi Mã Viện mang đại quân thôn tính. Sử ghi Trưng Trắc và chồng bà là Thi Sách đều là con của các Lạc tướng, mà Lạc tướng chính là tướng của các vua Hùng. Bởi vậy, không thể có thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất.
Về cái gọi là “Bắc thuộc lần thứ 2”, sau khi thôn tính nước ta, Hán Quang Vũ đế tuy có cai trị nhưng rất lỏng lẻo, vì nhà Đông Hán sau loạn Vương Mãng đã phải đối phó với vô số vấn đề nội bộ. Sau đó Trung Quốc cai trị nhưng cai trị khống là chủ yếu vì nhà Hán suy yếu. Thời Tam Quốc, nước ta theo giấy tờ thì thuộc Đông Ngô của Tôn Quyền, nhưng đọc sử Tàu ta thấy Đông Ngô xử lý chuyện của mình đã mướt mồ hôi hột, sức đâu mà đến cai trị nước ta, cho nên chính quyền của Sỹ Nhiếp thực tế là chính quyền độc lập. Đến đầu nhà Tấn, Trung Quốc tuy thống nhất nhưng chỉ mạnh trong thời gian đầu, sau đó lại loạn lạc chia năm xẻ bảy. Khi Lý Bí xưng đế lập nước Vạn Xuân thì kết thúc “Bắc thuộc lần thứ 2”.
Nhà Tùy tái thống nhất Trung Quốc, nhưng chỉ được một đời, đến Tùy Dạng đế lại tiếp tục loạn. Đến thời Đường, Trung Quốc cai trị nước ta tương đối bài bản nhưng liên tục bị các hào kiệt nước ta khởi nghĩa đánh đuổi. Một loạt các nhân vật lừng lẫy như Lý Tự Tiên, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Khúc Thừa Dụ … đứng lên giành độc lập. Cũng cần nhắc đến trường hợp đặc biệt là Cao Biền. Ông là quan cai trị có tiếng tăm nhất của Trung quốc ở nước ta nhưng có nhiều sử liệu cho thấy Cao Biền muốn đứng về phía dân ta mà cát cứ xưng vương, vì lẽ đó trong Chiếu dời đô, Lý Thái Tổ đã trân trọng gọi ông là “Cao vương”. Nhà Đường suy, Trung Quốc chỉ còn đám cóc nhái, tuổi gì mà sang cai trị được nước ta! Cho nên Ngô Quyền đã dễ dàng đuổi đám thảo khấu Nam Hán ra khỏi bờ cõi. Đến thời Tống, Nguyên thì chính quyền Tiền Lê – Lý – Trần của ta đã mạnh, đánh cho chúng nó te tua không còn manh giáp. Vào thời Minh, tuy có Bắc thuộc khoảng 20 năm, là thời gian Bắc thuộc rõ ràng nhất, nhưng không dài, nước ta sớm giành được độc lập với cuộc kháng chiến oanh liệt của Lê Lợi – Nguyễn Trãi.
Các sử gia của ta khi viết sử đã không hề động não, máy móc gọi là “Bắc thuộc” mà không xem xét bối cảnh lịch sử của từng triều đại của Trung Quốc.
Tóm lược chuyện của ngàn năm trong một đoạn ngắn dĩ nhiên là không đầy đủ, không làm sáng tỏ được những chỗ mù mờ, do chỉ để nói một não trạng nhược tiểu của những người viết sử.
No comments:
Post a Comment