“… Tính cách bần tiện đi cùng
với nỗi sợ hãi bấy lâu nay của kẻ cầm quyền tàn bạo đã được
thấy rõ thêm qua việc làm thấp kém là lấy mất đỉnh hương tượng
trưng cho tâm linh của dân tộc ...” Liên tục chương trình, qua chuyên mục Chuyện Nước Non Mình, mời quý thính giả theo dõi bài viết của Trân Văn với tựa đề: “Đức Thánh Trần Đột Nhiên Cần … Trang Nghiêm”, sẽ được Hoàng Ân trình bày sau đây.
Trân Văn.
Hai thành ngữ “lợi bất cập hại” và “họa vô đơn chí” giờ cùng ứng vào
việc dời đỉnh đặt ở chân tượng Trần Hưng Đạo, tọa lạc trước Bến Bạch
Đằng, quận Nhất, Saigon, đi nơi khác đúng vào ngày 17 tháng 2 năm 2019.
Nếu trong ngày 17 tháng 2, chỉ có ông Nguyễn Thiện Nhân – Bí thư
Thành ủy thành hồ bị công chúng xúm vào nguyền rủa trên mạng xã hội thì
hôm sau, 18 tháng 2, có thêm bà Trần Kim Yến, Bí thư quận 1 “đưa đầu
chịu báng”.
Cứ theo tường thuật của báo giới Việt Nam thì việc dời đỉnh đặt ở
chân tượng Trần Hưng Đạo là chủ trương riêng của quận ủy và chính quyền
quận Nhất, không dính dáng gì tới thành ủy, chính quyền tại thành hồ
và tất nhiên ông Nhân… vô can.
Cho dù bà Yến khẳng định, việc dời đỉnh đúng vào ngày 17 tháng 2 –
thời điểm nhiều người cư trú ở Saigon dự tính sẽ đến nơi đặt tượng Trần
Hưng Đạo, thắp hương tri ân liệt sĩ và tưởng niệm đồng bào uổng tử trong
cuộc chiến chống Trung cộng xâm lược cách nay 40 năm – là “bình
thường” (vì theo kế hoạch chỉnh trang các khu vực công cộng ở quận 1) và
“hợp lý” (vì chỉ nên đặt đỉnh ở đình, đền, chùa, miếu), song hành động
mà bà Yến khăng khăng là “bình thường và hợp lý” (1) này đã biến toàn bộ
nỗ lực “rửa mặt” của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam
(sắp đặt để hệ thống truyền thông chính thống đồng loạt lên tiếng về
cuộc chiến ở biên giới Việt – Trung cách nay 40 năm, tổ chức một hội
thảo cấp quốc gia về cuộc chiến,…) thành… công cốc! Sự nghi ngại và bất
bình của công chúng đối với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt
Nam không những không giảm mà còn cao hơn.
Chưa kể lập luận của bà Yến còn tạo ra tiền đề và việc dời đỉnh ở
chân tượng Trần Hưng Đạo tại Saigon còn tạo ra tiền lệ để công chúng đòi
dời hết đỉnh đặt trước tượng những lãnh tụ như: Hồ Chí Minh (2), Nguyễn
Văn Cừ (3), Trường Chinh (4),… đi nơi khác.
Trong tâm thức của người Việt, đỉnh – nơi dâng hương có tính công
cộng – là vật thiêng chẳng khác gì bát hương trên bàn thờ gia đình – chỗ
trú ngụ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những thân nhân đã khuất. Khấn
vái, cắm vào đỉnh hay vào bát hương một thẻ nhang không chỉ đơn thuần là
bày tỏ sự tôn kính, nỗi nhớ mong mà còn nhằm tạo lập, gìn giữ mối liên
kết giữa hữu hình với vô hình.
Bởi xúc phạm, đập phá bát hương có thể dẫn đến những hậu quả đặc biệt
nghiêm trọng, kể cả an ninh, trật tự của cả một khu vực, nên tháng 5
năm 2015, sau khi có hàng trăm bát hương ở Nghĩa trang Kha Lâm (Kiến An,
Hải Phòng) và kế đó là Nghĩa trang Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) bị đập
nát, nhiều luật sư, cựu thẩm phán cùng cho rằng, cần khởi tố, điều tra
hành vi “xâm phạm mồ mả” để an dân.
Không phải tự nhiên mà đỉnh hay bát hương chưa bao giờ là đối tượng
cần được “chỉnh trang”. Đặc biệt là đỉnh trước tượng một nhân vật như
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo) không đơn thuần là
đỉnh. Với cha ông người Việt, Trần Hưng Đạo không chỉ là Anh hùng dân
tộc, ông còn là một “Thượng đẳng Phúc thần” phù hộ cho sự nghiệp chống
ngoại xâm, bảo vệ quốc gia, dân tộc, trừ tà, sát quỉ.
Thờ Đức Thánh Trần là tín ngưỡng dân gian. Một khảo luận của Đại học
Quốc gia Hà Nội năm 2004, cho biết, riêng Việt Nam hiện có khoảng 1.000
cơ sở tín ngưỡng thờ “Đức Thánh Trần”. Đền thờ Đức Thánh Trần không chỉ
có ở Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh
Hóa, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Dương,
TP.HCM,… mà còn ở cả bên ngoài Việt Nam.
Đỉnh mới bị dời khỏi chân tượng Trần Hưng Đạo đối diện Bến Bạch Đằng,
Saigon đã nằm ở đó từ giữa thập niên 1960. Ai cũng biết lý do chính dẫn
tới dời đỉnh không phải do “chưa đúng vị trí, chưa trang nghiêm” mà vì
còn đỉnh thì còn người đổ đến thắp hương, tri ân liệt sĩ, tưởng niệm
đồng bào uổng tử ở biên giới Việt Trung hồi 1979, ở Hoàng Sa 1974, ở
Trường Sa 1988.
Dưới mắt hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, tri ân
liệt sĩ nguy hại cho “di sản quý báu là sự tương đồng ý thức hệ giữa
Việt Nam và Trung cộng với đặc trưng là một đảng cộng sản lãnh đạo”,
nền tảng của “mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc”, “chi
phối cách ứng xử của cả hai”, bởi giới lãnh đạo Việt Nam cần có “một
người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác”.
Tương tự, những buổi thắp hương tưởng niệm đồng bào sẽ khiến “khuynh
hướng ghét Trung cộng, ngại nói điều hay về Trung cộng” trở thành “phổ
biến” và “nguy hiểm” vì “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ vẫn phải bảo vệ…
thành quả cách mạng, giữ quan hệ hữu nghị với Trung cộng”. “Thành quả
cách mạng” là tối thượng, không thể có ngoại lệ, kể cả đó là Đức Thánh
Trần!
Bảo vệ “thành quả cách mạng” bất chấp luân thường, bất kể đạo lý, làm
lấy được, nói lấy được sẽ còn được trong bao lâu? Chưa biết! Chỉ biết
lợi rõ ràng là bất cập hại và họa chắc chắn không chỉ đổ vào đầu bà Trần
Kim Yến, ông Nguyễn Thiện Nhân. Thêm lần này, không biết bà Yến và
những người như bà đã thấm thế nào là mặt trái của “Ăn cơm chúa, múa tối
ngày” hay chưa?
No comments:
Post a Comment