Friday, January 5, 2018

TBT Nguyễn Phú Trọng có vi hiến hay không?

Quan Điểm

Ngày 28 tháng 12 vừa qua, tờ Người Lao Động, một trong nhiều cơ quan ngôn luận của CSVN loan tin như sau:
“Sáng nay 28-12, Chính phủ khai mạc Hội nghị trực tuyến với các địa phương, tập trung vào thảo luận những giải pháp triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Đây cũng là lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo tại một phiên họp Chính phủ.”
Các chế độ cộng sản trong truyền thống Bolshevik, tuy là những chế độ độc tài toàn trị, nhưng trong lịch sử, tất cả các đảng CS luôn luôn sơn phết bản chất toàn trị của chế độ, bằng một bộ mặt dân chủ trá hình. Chính vì thế, các đảng CS thường nhất thể hóa chức vụ lãnh tụ đảng với chức vụ lãnh đạo hành pháp như nguyên thủ quốc gia hoặc thủ tướng, hầu có thể danh chánh ngôn thuận tham gia và điều hành guồng máy quốc gia. Lê Nin, Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Kim Chính Ân, Hồ Chí Minh đều tuân thủ truyền thống này.
Tuy nhiên, đảng CSVN đã không áp dụng truyền thống đó nhất thể hóa đó một cách tuyệt đối.
Khi Hồ Chí Minh còn sinh tiền thì ngoài chức vụ chủ tịch đảng, ông còn giữ chức vụ chủ tịch nước. Sau khi ông qua đời các TBT Lê Duẫn, Trường Chinh và Nguyễn Văn Linh chỉ giữ chức bí thư quân ủy trung ương. Các TBT Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh không kiêm giữ chức vụ quan trọng này. Riêng TBT Đỗ Mười là kiêm cả 2 chức vụ bí thư quân ủy trung ương và thủ tướng. Như vậy là chỉ trừ trường hợp của các ông Hồ Chí Minh và Đỗ Mười, người lãnh đạo đảng không lãnh đạo hành pháp. Sự kiện TBT Nguyễn Phú Trọng chỉ kiêm nhiệm chức bí thư quân ủy trung ương nằm trong truyền thống đặc thù đó của đảng CSVN.
Lý do là vì một trong những phương châm sống còn cùa đảng CSVN là duy trì độc đảng không khoan nhượng, nhưng chia đều quyền lợi cho các phe nhóm nội bộ. Bốn nhóm quyền lợi chính bao gồm chính phủ dưới sự điều hành của thủ tướng, ngôi vị nguyên thủ quốc gia dưới sự lãnh đạo của chủ tịch nước, quyền lập pháp dưới sự lãnh đạo của chủ tịch quốc hội và đảng CSVN đưới sự lãnh đạo của TBT Ban Chấp Hành Trung Ương.
Trước ngày 28 tháng 12, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã rào trước đón sau rằng:
“Cả hệ thống chính quyền các cấp rất mong mỏi và trân trọng mời Tổng Bí thư dự hội nghị Chính phủ trực tuyến với các địa phương”.
Tuy nhiên đây là một hiện tường hoàn toàn chưa có tiền lệ.
Câu hỏi nhiều nhà phân tích chính trị nêu ra trên các diễn đàn và báo chí là:
TBT Nguyễn Phú Trọng không những họp nội các mà còn chỉ đạo thủ tướng và nội các như thế có vi hiến hay không?
Trước hết, chúng ta phải ý thức rằng cả câu hỏi lẫn trả lời đều chỉ có tính hàn lâm và không có giá trị thực tế. Lý do là vì một sự phân tích pháp lý nghiêm chỉnh chỉ có thể thực hiện trong phạm vi những bản hiếp pháp dân chủ chân chính và điều này hoàn toàn bất khả thi trong bối cảnh hiến pháp 2013 hoàn toàn thiếu nghiêm chỉnh của CSVN.
Thật vậy, chương VIII của HP 2013 không trao quyền phán xét tính hợp hiến hay vi hiến của một tác động của cá nhân hay tập thể cho Tòa Án Tối Cao Nhân Dân hoặc một tòa án hiến pháp độc lập như thường xảy ra trong các quốc gia dân chủ.
Khi đọc kỹ văn bản hiến pháp lạ lùng này, chúng ta nhận thấy tuy điều 119 phần (1) ghi rằng “Mọi hành vi vi phạm hiến pháp đều bị xử lý” và điều 119 phần (2) cũng ghi thêm “ Cơ chế bảo vệ hiến pháp do luật định”, nhưng các dân biểu quốc hội của CSVN đều là những bù nhìn của đảng. Đến nay đã 4 năm từ ngày HP hình thành mà Quốc Hội vẫn chưa ra luật quy định cơ chế bảo vệ hiến pháp, thì lấy đâu ra những biện pháp xử lý các hành vi vi phạm hiến pháp?
Những người lập luận là TBT Nguyễn Phú Trọng vi hiến có thể căn cứ vào điều 95 phần (1) và phần (2) của HP 2013 nguyên văn như sau:
1.Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội quy định.
Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số.
2. Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao; báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Như thế là hiến pháp không hề quy định một vị trí chính thức nào cho TBT đảng, trong tiến trình tham gia điều hành nội các quốc gia cả.
Dĩ nhiên những người bênh vực cho TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ vin vào điều 4 HP như sau:
Điều 4 phần (1) ghi “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”
Tuy nhiên, điều 4 chưa hề quy định TBT có quyền tham gia và điều hành trực tiếp nội các của chính phủ.
Chính vì thế, chúng ta có thể kết luận không thể tranh cãi rằng, hành động tham gia họp nội các của TBT đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng là một hành động vi hiến.
Chiếu theo điều 119 của HP 2013, đây là một hành vi phải bị luật pháp xử lý. Tuy nhiên vì sự cố tình trì trệ chấp hành điều 119, quốc hội CSVN đã không ra luật quy định cơ chế bảo vệ HP theo điều 119 phần (2) nên chính quyền hoàn toàn bất lực trước hành động vi hiến này.
Sở dĩ TBT Nguyễn Phú Trọng có thể ngang nhiên khinh bỉ nội các vốn là một định chế rường cột của quốc gia và một cách gián tiếp ông còn khinh bỉ sự thông minh của toàn dân tộc Việt, là nhờ vào sự kiểm soát toàn diện 2 định chế quyền lực quan trọng của nhà nước. Đó là quân đội và công an.
Đã đến lúc toàn dân phải vùng lên đạp đổ độc tài, xây dựng một nền dân chủ hiến pháp hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính, hầu từ đó về sau, không còn một cá nhân hay tập thể nào có thể ngang nhiên xé bỏ giềng mối quốc gia và khinh thường trí thông minh của dân tộc Việt Nam nữa.
Xin cám ơn quý thính giả đã nghe bài quan điểm của chúng tôi.
LLCQ

No comments:

Post a Comment