Vài ngày nay, mỗi đêm trong các đô thị lớn trên cả nước có hàng ngàn xe máy túa ra từ khắp nẻo đường, rồi rú ga nẹt “pô”, la hét inh ỏi đầy phấn khích của các nam thanh nữ tú, khiến người ta tưởng rằng đang diễn ra một cuộc “cách mạng xe máy” đòi quyền sống, quyền làm người, đòi tự do dân chủ ở Việt Nam. Nhưng không phải vậy, người ta tràn ra đường chỉ để ăn mừng chiến thắng những trận bóng đá bên xứ Trung Hoa. Với khí thế hừng hực lửa mà độ nóng của nó đã khiến quần áo của một số thanh niên, thiếu nữ bị “bốc hơi”, trơ tấm thân trần truồng giữa phố phường và miệng không ngớt réo gọi tên Hồ Chí Minh cho tăng phần hưng phấn.
Nhiều người ngạc nhiên và tự hỏi chỉ là một trận bóng đá thôi, làm cái gì mà phải lên đồng tập thể như thế? Cũng chẳng quá đáng lắm đâu! Rau nào thì sâu nấy. Bởi sau bốn mươi mấy năm đất nước hòa bình và nằm dưới sự cai trị của đảng, Việt Nam đi từ hết thất bại này đến thất bại khác. Chế độ chính trị của đảng thì đã lỗi thời, phá sản. Các nước trên thế giới càng dân chủ thì họ càng văn minh, còn lãnh đạo những nước thích độc tài, theo cộng sản thì đều đem dân tộc đó trở về thời kỳ ăn lông ở lỗ. Kinh tế của csVN giờ còn thua cả Kampuchia, chỉ mong được bằng nước Lào, mà cũng chưa chắc đã đuổi kịp họ. Dưới con mắt quan sát của quốc tế, ngoài thành tích vi phạm tự do, dân chủ, nhân quyền và tôn giáo thì giờ đây lãnh đạo csVN còn lộ nguyên hình là một nhà nước thích bắt cóc, khủng bố xuyên quốc gia qua vụ Trịnh Xuân Thanh xẩy ra ở Đức. CSVN tuyên truyền rằng Việt Nam đang ở trong thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ, nhưng để hiểu đúng đất nước này, phải trích hai câu thơ trong “Bài Thơ Tháng Tám” của nhà thơ Bùi Minh Quốc rằng: “Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa. Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi” mới chính xác. Sự tủi nhục của một dân tộc rất cần một lối thoát, khỏi sự mặc cảm tự ti của chính mình. Nên không ngạc nhiên lắm khi csVN cổ súy người dân Việt say mê bóng đá, là một môn thể thao có tính đối kháng cao. Tuy vậy Việt Nam vẫn chưa thể một lần vô địch bóng đá khu vực Đông Nam Á.
Vậy thì Giải bóng đá U23 Châu Á có gì danh giá, mà khiến cho cổ động viên nước nhà hồ hởi phấn khởi là thế? Thật ra Vòng Chung Kết U23 châu Á, không thuộc lịch trình thi đấu của Liên Đoàn Bóng Đá Thế giới (FIFA). Theo chuyên gia Scott McIntyre của FOX Sports Asia đã phân tích, Giải U23 châu Á nên được đánh giá về những màn trình diễn và tiềm năng của nó, hơn là kết quả của các trận cầu. Nói cho dễ hiểu đây là sân chơi cho các đội bóng trẻ, có dịp phô diễn tài nghệ cá nhân và trong tương lai có khả năng khoác áo đội tuyển quốc gia. Đơn giản chỉ có thế, nên đừng vì giải có hai chữ Châu Á, mà báo chí trong nước tự sướng giật tít theo kiểu: “U23 Việt Nam đặt cả châu Á dưới chân bằng chiến thắng để đời”, nghe nó kệch cỡm khôi hài cũng giống như Đinh La Thăng tuyên bố sẽ biến Sài gòn thành Singapore, nghe nó ấu trĩ như Nguyễn Xuân Phúc nói muốn biến Hà Nội thành Paris ..v.v…
Có một sự thật là dù đội bóng U23 Việt Nam có giành chức vô địch Châu Á của năm nay đi nữa, thì đất nước này cũng chẳng thể thoát khỏi hàng ngũ những quốc gia chậm tiến, nghèo đói. Cũng vẫn phải xấu hổ, khi cầm cuốn hộ chiếu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để ra nước ngoài. Thắng một trận bóng thì cũng đâu có giải quyết được tình trạng thất nghiệp, đâu thể làm cho thuế phí giảm, viện phí, học phí không tăng. Thanh niên Việt Nam có biết đâu rằng trong lúc các bạn chạy xe xuống phố hò reo chiến thắng bóng đá, thì ông thủ tướng csVN đã âm thầm kiến tạo giá xăng tăng để móc túi các bạn hợp pháp. Trong lúc giới tài xế đang căng mình chiến đấu để chống lại các trạm BOT hút máu dân đen, đòi hỏi nhà nước phải hành xử công bằng và hợp lý, thì ông thủ tướng liêm chính bằng Công điện số 82, đã ra lệnh cho công an sẵn sàng bắt bớ những tài xế này. Nếu trong niềm vui chiến thắng trận túc cầu, mà các bạn trẻ cùng với cánh tài xế kéo đến để giải phóng các trạm BOT đặt phi lý, thì chắc hẳn niềm vui đã nhân đôi. Nhưng thật tiếc điều này chưa diễn ra. Còn ở miền Trung đau thương vì thảm họa môi trường do Formosa gây ra, hàng ngàn ngư dân đang xuống đường biểu tình đòi nhà nước bồi thường thiệt hại. Giá như các bạn thay vì cởi đồ gọi tên Bác Hồ, mà cùng với ngư dân kêu gào thực thi công lý, thì đất nước này sẽ có cơ may thay đổi tận gốc rễ.
Trong một quốc gia, nếu người trẻ không thông hiểu lịch sử tiền nhân, không quan tâm giải quyết những vấn nạn thời cuộc hiện tại và không lường trước được sự an nguy của dân tộc trong tương lai, thì quốc gia ấy sẽ bị suy yếu và biến thành miếng mồi cho ngoại bang xâu xé. Cuộc vui nào rồi cũng tàn, chế độ nào rồi cũng qua đi, riêng quốc gia, dân tộc cần phải trường tồn. Dân tộc Việt Nam đã trả một cái giá quá đắt cho một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, và hàng ngàn năm chinh chiến chống ngoại xâm. Nước Mỹ không vô địch bóng đá thế giới nhưng họ vẫn là siêu cường số một thế giới. Còn Singapore, một Quốc đảo nhỏ bé vùng Đông Nam Á, đứng thứ 3 trong danh sách 10 nước giầu nhất thế giới, với thu nhập bình quân tính theo PPP đạt gần 85.000 USD. Tuổi trẻ Việt Nam có bao giờ tự hỏi, thanh niên hai quốc gia này đã nghĩ gì và làm gì cho đất nước họ? Hãy tự tìm câu trả lời đi các bạn.
Lý Trần Công
No comments:
Post a Comment