Sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, đầu thế kỷ thứ 10 là thời kỳ tự chủ đầu tiên, khôi phục lại nền độc lập của Nam Việt. Thời kỳ này, người Việt đã tự cai trị lãnh thổ nhưng chưa xưng vương và chưa đặt quốc hiệu. Bề ngoài, vẫn là một phần lãnh thổ của phương Bắc với tên gọi “Tĩnh Hải quân” và người đứng đầu chỉ nối tiếp nhau làm Tiết độ sứ như một quan cai trị của Trung Hoa, nhưng về thực chất là một chính quyền độc lập của người Việt.
Thời kỳ này bắt đầu khi Khúc Thừa Dụ lên nắm quyền thay thế Tiết độ sứ của nhà Đường và kết thúc khi đức Ngô Quyền tiêu diệt Kiều Công Tiễn và đánh thắng quân Nam Hán, lập ra nhà Ngô năm 938.
Việc giành lại quyền tự chủ của nước Việt khởi sự vào cuối thế kỷ thứ 9 khi nhà Đường suy yếu trầm trọng, với tình trạng sứ quân diễn ra khắp nước Tàu. Cuộc khởi nghĩa của Hoàng Sào từ năm 874 đến năm 884, đã khiến cho triều đình nhà Đường lung lay tận gốc rễ.
Đầu thế kỷ thứ 10, quyền hành của nhà Đường rơi vào tay gian thần Chu Toàn Trung, các lãnh chúa quân phiệt đua nhau tạo phản, chia cắt nước Tàu thành năm đời mười nước (thời Ngũ đại Thập quốc).
Tại An Nam, quan Tiết độ sứ khi đó là Chu Toàn Dục, vô cùng độc ác, làm mất lòng người và bị dân Việt gọi là “Ngục thượng thư”. Sau đó Độc Cô Tổn sang thay Chu Toàn Dục nhưng vì không cùng phe với Chu Toàn Trung nên chỉ vài tháng sau bị thuyên chuyển ra đảo Hải Nam và bị giết chết. Từ đó vùng An Nam không có quan lại nào của nhà Đường được cử sang cai trị.
Khi ấy tại Hồng Châu (tỉnh Hải Dương ngày nay) có một hào trưởng tên là
Khúc Thừa Dụ, có lòng khoan dung bác ái nên rất được dân chúng mến phục. Được dân chúng ủng hộ, Khúc Thừa Dụ đưa quân tiến ra chiếm đóng thành Đại La, tự xưng là Tiết độ sứ và lập ra guồng máy cai trị độc lập. Biết thế yếu, vào ngày 7/2/906, nhà Đường phải phong thêm tước vị “Đồng bình Chương sự” cho Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ.
Họ Khúc áp dụng chính sách ngoại giao khôn khéo đối với triều đình phương Bắc, với chủ trương “độc lập thật sự, việc thần phục chỉ là trên danh nghĩa”. Tuy chính quyền mang danh hiệu của nhà Đường nhưng mọi việc đều do Khúc Thừa Dụ quyết định. Sau đó, Khúc Thừa Dụ tự phong cho con là Khúc Hạo chức vụ “Tĩnh Hải hành quân Tư mã quyền tri lưu hậu”, tức chức vụ thống lĩnh quân đội và sẽ là người kế vị chức vị Tiết độ sứ.
Ngày 23/7/907, Khúc Thừa Dụ mất, Khúc Hạo lên kế vị. Họ Khúc truyền nối làm Tiết độ sứ 3 đời là Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ, trực tiếp cai trị vùng đất An Nam từ năm 905 đến năm 930.
Mặc dù Khúc Thừa Dụ không xưng vương, nhưng đời sau nhớ ơn và tôn vinh như những vị vua. Khúc Thừa Dụ được gọi là Khúc Tiên chủ, Khúc Hạo là Khúc Trung chủ và Khúc Thừa Mỹ là Khúc Hậu chủ. Trong 3 đời họ Khúc, Khúc Hạo là người được nhắc đến nhiều nhất vì những đóng góp to lớn của ông đối với đất nước.
* * *
Cái tên An Nam của nước Việt phát xuất từ khi nhà Đường làm bá chủ ở Trung Hoa sau khi tấn chiếm nhiều đất đai ở khắp bốn phương, đặt tên là An Tây, An Đông, An Bắc và An Nam đô hộ phủ. Trong mấy trăm năm đó, nhiều vị anh hùng của dân tộc Việt đã đứng lên đánh đuổi quân Đường như Mai Hắc Đế, Phùng Hưng..v.v. nhưng đều thất bại vì lực lượng hùng hậu của nhà Đường vào các thời điểm đó.
Cho đến khi nhà Đường suy yếu với loạn sứ quân thì một cơ hội bằng vàng đã đến với dân tộc khi An Nam hoàn toàn thiếu vắng guồng máy cai trị của nhà Đường. Và Khúc Thừa Dụ là người đã biết chụp bắt cơ hội ngàn năm một thuở đó. Nhưng không chỉ chiếm thành giữ đất, Khúc Tiên chủ đã tạo dựng một guồng máy hành chánh độc lập cho dân Lạc Hồng. Nếu không có dòng họ Khúc tạo dựng nền móng vững chắc sau 30 năm xây dựng thì có lẽ các tướng lãnh sau này như Dương Diên Nghệ và Ngô Quyền khó huy động được toàn dân vào cuộc kháng chiến chống quân Tàu, chấm dứt cơn quốc nạn kéo dài cả ngàn năm.
Nhìn lại giai đoạn hào hùng đó của giòng họ Khúc, người ta không khỏi ngậm ngùi khi nhìn về thế nước hiện nay. Sau một ngàn năm thoát khỏi ách đô hộ của người Tàu, với hàng đống núi xương sông máu, dân tộc Việt lại bắt đầu rơi vào vòng lệ thuộc của người Hán, dưới chiêu bài “4 tốt” và “16 chữ vàng”.
Lịch sử cho thấy Khúc Thừa Dụ đã lợi dụng cơ hội bằng vàng để vùng lên “thoát Trung”, trong khi tập đoàn lãnh đạo Việt Nam hôm nay lại cương quyết tuân thủ các mật ước ở hội nghị Thành Đô, cam tâm làm chư hầu cho Trung Cộng để bám giữ quyền bính.
Đồng ý là mỗi thời thế mỗi khác nhau. Nhưng không lẽ thời xưa cha ông chúng ta vô cùng hào hùng và ngạo nghễ, mà bây giờ con cháu lại yếu hèn và ngu muội đến như thế hay sao?
Không lẽ tập đoàn lãnh đạo VN hiện nay chỉ là người Tàu đội lốt, tương tự như thân phận của Hồ Chí Minh đang bị các học giả người Tàu vạch trần lai lịch suốt mấy tháng qua, nhưng cả đảng vẫn câm miệng như hến, không dám phản bác? Thật là đau lòng cho dân tộc!
Việt Thái
No comments:
Post a Comment