Chỉ một tháng sau việc bất thần tung ra biện pháp trừng phạt đánh thuế “thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc” lên đến 531%, Hoa Kỳ đã khiến giới chức thương mại Việt Nam” chịu sốc thêm một lần nữa khi thông báo với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về 8 công ty mà lẽ ra Việt Nam phải đăng ký là “doanh nghiệp nhà nước” theo quy tắc thương mại toàn cầu.
8 công ty mà Hoa Kỳ khai báo với WTO đều là những cái tên nổi đình
nổi đám ở Việt Nam: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và công ty
con là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam
(Petrolimex), Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco/SKYPEC),
Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam
(Vinafood I và Vinafood II), Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (SJC) và
Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).
“Gian lận thương mại” như thế nào?
Toàn bộ 8 doanh nghiệp Việt Nam mà Hoa Kỳ “tố” với WTO đều là doanh
nghiệp nhà nước và do Chính phủ Việt Nam sở hữu trên 50% cổ phần. Trong
quan hệ làm ăn ở Việt Nam, các doanh nghiệp này vẫn thường rất tự hào
với mác “quốc doanh” của họ. Không những thế, một số trong các doanh
nghiệp nhà nước này đã từ quá lâu nay được hưởng thế độc quyền kinh
doanh và do đó luôn tạo áp lực đáng kể đối với người tiêu dùng và xã hội
về giá cả theo lối “một mình một chợ”.
Độc quyền đến mức vào năm 2017, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã
trở thành một thứ đại án về nạn tham nhũng và thất thoát tài sản ghê
gớm.
Ngay trước mắt, vụ việc 8 doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam bị phía
Hoa Kỳ cáo buộc lên WTO chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động
xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp này, bởi cả 8 doanh nghiệp nhà
nước này đều tham gia hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu.
Vì sao Việt Nam quá cần “kinh tế thị trường”?
Vụ việc 8 doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam cố che giấu nguồn gốc
nhà nước không ngoài mục tiêu được lọt vào tiêu chuẩn ưu ái về thuế xuất
nhập khẩu của quy chế “kinh tế thị trường”.
Trong thực tế, “kinh tế thị trường” rất quan yếu đối với các nhu cầu
vay tín dụng, nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài và hưởng ưu đãi trong
hoạt động xuất nhập khẩu quốc tế của Việt Nam. Nếu được công nhận “kinh
tế thị trường”, hàng Việt Nam xuất khẩu sang nhiều quốc gia sẽ được
hưởng mức thuế suất nhẹ nhàng hơn nhiều so với hiện thời, do đó mang lại
lợi ích cho các danh nghiệp nhà nước, nhất là những doanh ngiệp độc
quyền nhà nước, bổ trợ cho chân trụ của khối “còn đảng còn mình” hãm bớt
đà rệu rã hiện thời và củng cố thêm hy vọng cho đảng “thở được ngày nào
hay ngày nấy”.
Từ năm 2013 đến nay, những chuyến đi Hoa Kỳ của các nhân vật như ông
Trương Tấn Sang – khi đó còn là chủ tịch nước, ông Nguyễn Tấn Dũng – khi
đó còn là thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc – thủ tướng đương nhiệm, vẫn
một mực đề nghị “Hoa Kỳ sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt
Nam”. Nhưng không hề có tính từ “xã hội chủ nghĩa” gắn kèm cửa miệng.
Đó là thói khôn vặt của giới chính khách Việt! Khi cần tỏ ra kiên
định thì luôn “chua” tính từ trên vào bất cứ khẩu hiệu nào. Nhưng để đối
ngoại thì lại giấu kín vào túi quần. Hành vi 8 doanh nghiệp Việt Nam
giấu kín gốc gác “nhà nước” của họ là một minh chứng về thói biển lận
đó.
Rốt cuộc, quốc tế đã không còn kiên nhẫn nổi với thói lập lờ về mặt
khái niệm trong lúc không có bất kỳ cải cách nào của Việt Nam. Vào tháng
5/2017, Bộ trưởng Bộ Thương Mại Hoa Kỳ Wilbur Ross đã phải nhắc lại
“Khởi động lại cơ chế trao đổi về quy chế thị trường cho Việt Nam” khi
gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Washington.
Nhưng cũng vào tháng 5/2017, đã xảy đến hiện tượng “đảng ngáng chân
chính phủ”. Cho dù Thủ tướng Phúc – với đức tính thực dụng về các giá
trị buôn bán – có thực lòng muốn đạt được quy chế “kinh tế thị trường”
chăng nữa, “Nghị quyết trung ương 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa” do cấp trên của ông Phúc là Tổng bí
thư Nguyễn Phú Trọng kiên định lặp lại tại Hội nghị trung ương 5, đã
khiến ông Phúc không biết ăn nói ra sao với quốc tế về sự khác biệt một
trời một vực giữa “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” và “kinh tế thị
trường”, chưa kể việc làm sao để đạt được “kinh tế thị trường” đó.
Nhưng đến năm 2017, khi hơi thở khủng hoảng toàn diện đang phả hầm
hập vào gáy chế độ, nghị quyết “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa” vẫn khư khư ôm ấp doanh nghiệp nhà nước
cùng vai trò chủ đạo của nó, trong lúc chỉ hé miệng đôi chút về “kinh tế
tư nhân có vai trò quan trọng.”
Đến lúc này, ngay cả những tờ báo tỏ ra chuyên chính nhất như Nhân
Dân, Quân Đội Nhân Dân cũng không còn quá mặn mà với điệp khúc “kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.”
Giờ đây luật “nhân quả” đã báo ứng. 8 doanh nghiệp mang trên mình gốc
gác nhà nước và thói độc quyền “thu cùng diệt tận” đối với dân chúng
Việt Nam đang phải đưa đầu nhận lãnh hậu quả quay lưng từ Hoa Kỳ và cộng
đồng quốc tế. Tiếp sau đó, rất có thể sẽ xuất hiện thêm những cái tên
doanh nghiệp nhà nước khác bị quốc tế xếp vào danh mục “gian lận thương
mại”./.
Phạm Chí Dũng
No comments:
Post a Comment