Thế sự du du nại lão hà,
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma.
Tạm dịch:
Việc lớn chưa xong tuổi đã già,
Đất trời thu gọn tiệc ngân nga.
Gặp thời bần tiện thành công dễ,
Lỡ bước anh hùng dạ xót xa.
Giúp chúa những mong xoay trục đất,
Rửa dòng không lối kéo ngân hà.
Bạc đầu thù nước còn chưa trả,
Mấy độ mài gươm bóng nguyệt tà.
Đó là bài thơ nổi tiếng mang tên “Cảm hoài” của võ tướng Đặng Dung. Bài thơ này đã thể hiện ý chí sắt đá của một anh hùng bất phùng thời.
Đặng Dung ra đời tại xã Tả Hạ, huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An (nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ông là con của Quốc công Đặng Tất và là tướng tài của Trần Quí Khoách. Dưới triều nhà Hồ, Đặng Dung đã giúp cha cai quản vùng Thuận Hóa. Khi giặc Minh tiến sang xâm chiếm nước Việt, nhà Hồ sụp đổ, Đặng Dung cùng cha tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi (tức Giản Định Đế).
Năm 1409, sau trận chiến ở Bô Cô (thuộc tỉnh Nam Định ngày nay), Giản Định Đế nghe lời dèm pha của hoạn quan Nguyễn Quỹ, cho rằng Đặng Tất chuyên quyền nên đã giết Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân.
Đặng Dung tức giận rời bỏ Giản Định Đế, cùng Nguyễn Cảnh Dị (con của Nguyễn Cảnh Chân) rước Trần Quý Khoách từ Thanh Hóa về đất Chi La thuộc Hà Tĩnh, tôn làm vua (tức Trùng Quang Đế) và lập căn cứ địa tại vùng đất Nghệ An.
Tháng 7/1409, Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị tiếp tục chỉ huy nghĩa quân tiến ra Bắc chiếm lấy vùng Hạ Hồng, Chí Linh, đẩy quân Minh vào thế bị động ở nhiều nơi. Vua Minh phải sai tướng Trương Phụ đem 10 vạn quân sang cứu viện. Đặng Dung chận đánh quân của Trương Phụ ở cửa Hàm tử, nhưng vì địch quân quá đông nên thua trận, Ông phải rút vào vùng Nghệ An cố thủ.
Đến giữa năm 1410, Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị tiến quân ra đánh Hạ Hồng, Bình Than phá tan quân của Giang Hạo. Nhưng vì lực lượng vẫn còn yếu thế nên phải rút về giữ vùng đất Thanh Hóa, Nghệ An. Tháng 4 năm 1413, Ông đem quân ra Vân Đồn, Hải Đông chận đốt đoàn thuyền vận lương của quân Minh rồi lại rút về Nghệ An.
Tháng 12 năm 1413, nghĩa quân tiến đánh quân Minh ở Ái Tử (Quảng Trị). Mặc dầu lực lượng hai bên chênh lệch, nhưng quân của Ông vẫn anh dũng chiến đấu và bất ngờ tập kích bộ chỉ huy của quân Minh vào lúc nửa đêm. Ông lên thuyền chỉ huy của quân Minh nhưng bắt hụt tướng giặc là Trương Phụ. Trong trận này, nghĩa quân đốt phá nhiều thuyền bè, vũ khí của quân Minh.
Đầu năm 1414, Đặng Dung, Trần Quí Khoách, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy đều bị quân giặc mai phục và bắt giữ ở Sa Bồ Cán. Tháng 4 năm 1414, vua Minh ra lệnh áp giải 4 tướng lãnh này về Yên Kinh (Trung Hoa). Trên đường di chuyển, Đặng Dung và Trần Quí Khoách đã nhảy xuống sông tự tử.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên ghi chép:
“Đang khi đôi bên quân Nam và quân Bắc cầm cự nhau thì Đặng Dung bí mật dùng bộ binh và tượng binh mai phục, vào nửa đêm thì bất ngờ đánh úp vào doanh trại của Trương Phụ. Đặng Dung nhảy lên thuyền chỉ huy định bắt sống Trương Phụ nhưng vì không biết mặt Trương Phụ nên Trương Phụ nhảy xuống thuyền nhỏ chạy thoát. Quân Minh bị tan vỡ đến quá nữa, thuyền bè, khí giới bị đốt phá gần hết…”
Cụ Trần Trọng Kim cũng viết:
“Từ khi thua trận ấy rồi, Trần Quý Khoách thế yếu quá không thể chống với quân giặc được nữa, phải vào ẩn núp ở trong rừng núi. Chẳng được bao lâu Trần Quý Khoách, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung, Nguyễn Súy đều bị bắt và bị giải về Yên Kinh… Cha con ông Đặng Dung đều hết lòng giúp nước phò vua, tuy không thành công, nhưng tấm lòng trung liệt của nhà họ Đặng cũng đủ làm cho người đời sau kính phục và đã lập đền thờ Đặng Dung ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh”.
* * *
Không phải ngẫu nhiên mà Đức Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô Đại Cáo hai câu thơ:
“Thế nước có lúc thịnh lúc suy,
Nhưng anh hùng hào kiệt thời nào cũng có”.
Võ tướng Đặng Dung là một trong những anh hùng hào kiệt đó. Nhưng ông không có được may mắn như những tướng lãnh sinh cùng thời với ông là Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo đã đầu quân dưới trướng Bình Định Vương Lê Lợi và đã đạt được chí nguyện giải cứu sơn hà xã tắc, dựng lại ngọn cờ tự chủ cho dân tộc.
Thế nhưng các trận chiến của Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị đã khiến cho quân Minh không thể bình định dễ dàng đất nước Đại Việt, tạo cơ hội cho các lực lượng kháng chiến khác trỗi dậy ở khắp nơi, trong đó có nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi.
Điều đáng nói nhất là, dù biết rõ thế lực đơn bạc của mình, Đặng Dung vẫn một lòng quyết chí theo đuổi công cuộc đấu tranh, được thể hiện qua bài thơ “Cảm Hoài” bi thương nhưng hào hùng nói trên.
Chính vì thế, dù có số phận bi thảm là cha bị giết và cá nhân ông thì rơi vào tay giặc, nhưng Đặng Dung vẫn xứng đáng được xếp vào danh sách các võ tướng oai hùng của dân tộc Việt. Nhưng đặc biệt nhất là, trong hoàn cảnh đen tối hiện nay, đất nước đang cần nhiều người “dù tóc đã bạc” nhưng vẫn “mài kiếm dưới trăng” trong hoài bão giải cứu dân tộc trước hiểm họa làm nô lệ cho bọn Đại Hán!
Việt Thái
No comments:
Post a Comment