Tuesday, August 9, 2016

VIỆT NAM TRƯỚC TÌNH THẾ MỚI

Bàn luận về tình hình Việt Nam, trong thời gian qua đã có nhiều cái nhìn khác nhau. Sau chuyến viếng thăm của Obama, dư luận có vẻ phấn khởi trước sự tiếp đón nồng nhiệt của quần chúng, không phải của nhà nước cộng sản, tạo cảm tưởng rằng, dân Việt đang thật sự khao khát dân chủ. Nhưng ảnh hưởng của hiện tượng nhiễm độc môi sinh Vũng Áng truớc thái độ vô trách nhiệm của nhhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, nhiều người đã biểu tỏ nỗi thất vọng ê chề, nghĩ rằng Việt Nam đã mất, đúng như câu hỏi của nhạc sĩ trẻ Việt Khang “Việt Nam tôi đâu?”
Nói chung, người ta chưa tìm thấy ánh sáng cuối đuờng hầm, tiêu biểu như nhà văn Võ Thị Hảo đã lên tiếng vạch trần lộ trình đao phủ TC đang bức tử VN. Theo Võ Thị Hảo, tiến trình bức tử Viêt Nam của TC đang diễn ra như một chiến lược toàn diện.
Trước tiên là chiếm rừng biên giới. Nhà cầm quyền CSVN đã hăm hở giao đất rừng dọc biên giới mà hầu hết là những vị trí hiểm yếu về an ninh quốc phòng cho TC thuê tới 50 năm theo đó TC tha hồ tung tác trong đó. Nhận định của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng thực sự CSVN đã bán rừng và dồn đất nước VN vào tình trạng tự sát,
Thứ đến là đặc khu kinh tế. Với nhẫn tâm để ngỏ cửa cho kẻ xâm lược vàoVN, Hà Nội còn tạo điều kiện đặc biệt dễ dàng cho người Hoa kinh doanh, sản xuất, trốn thuế, thuê đất trồng lúa, rau quả, thuê mặt nước nuôi tôm cá… lập những đặc khu TQ như Bình Dương, Vũng Áng – Hà Tĩnh, Đà Nẵng và nhiều nơi khác. Chính sách về kinh tế thương mại này đã giết chết nền sản xuất của VN và biến VN thành thị trường tiêu thụ hàng rởm và độc hại của TC.
Tiếp theo là xâm chiếm biển đảo. TC đã chiếm Hoàng Sa- Truờng Sa, vẽ đường luỡi bò 9 đoạn, bào tùm hết cả Biển Đông, đem giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tấn công ngư thuyền VN. Nhất là bồi đắp các đảo nhân tạo, xây phi đạo, đem chiến đấu cơ, tàu ngầm đến các vùng biển tranh chấp, bất chấp phản ứng của thế giới và các nước trong vùng
Ngoài ra, TC còn chỉ thị CSVN đàn áp lòng yêu nuớc của người dân, dùng văn hóa tư tưởng, báo chí truyền thông, công an côn đồ để ngăn chặn, vu cáo, mạt sát, khủng bố, đánh đập, bỏ tù, bao vây về kinh tế, cắt cả nguồn sống của những ai dám bày tỏ lòng yêu nước, bảo vệ tự do dân chủ và phản đối TC xâm lược. Những hành động trấn áp man rợ nguời biểu tình đòi trong sach hóa môi trường là một thí dụ điển hình.
Còn phải nói tới sự kiện TC ra lệnh cho CSVN tuyên truyền láo khoét để dẹp tan dư luận, Bộ trưởng quốc phòng VN đã tán tận lương tâm khi khẳng định rằng “quan hệ Việt Trung vẫn phát triển tốt đẹp” và coi việc xâm lược của TC chỉ là “mâu thuẫn gia đình”.
Theo Võ Thị Hảo, sở dĩ TC tự tung tự tác như thế vì chúng coi Việt Nam thuộc về TC như là chuyện đã rồi. Nhà giáo Trần Đình Sử và tiến sĩ Hà Sĩ Phu mới đây cũng cảm nhận chuyện “thoát Trung” là chuyện hầu như đã qúa muộn!
Cuốn sách mang tên “Chết bởi tay Trung Quốc” của hai giáo sư kinh tế Petro Navarro và Greg Autry, đã cảnh báo thế giới về đại họa Trung Quốc để tìm cách đối phó. Nhưng thật đáng buồn, VN “đã chết bởi tay TQ”! Nhưng khốn nạn nhất là cái chết lại do VN tự chuốc lấy. Chết chỉ vì nhà cầm quyền cộng sản bằng mọi giá, thà hy sinh lãnh thổ, danh dự, đất nước, nhân dân chứ không chịu mất Đảng. Còn Đảng thì còn mình!
Đáng buồn nhất là đa số người VN đã bị cộng sản cuớp mất linh hồn, như Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã ghi nhận. Nhiều người đã “chết trong tân hồn”, biến thành vô cảm, đã buông xuôi và mặc kệ mọi sự, cam chịu dao kề cổ. Người VN cũng như nhà cầm quyền, chỉ dám mơ con dao đao phủ cùn hơn để cứa cổ mình chậm chết hơn, chứ không dám mơ tới việc phải làm gì để thoát khỏi lưỡi dao ấy
Võ Thị Hảo, Hà Sĩ Phu, Trần Đình Sử, đều bi quan, cảm thấy mọi chuyện đã rồi và hy vọng thoát Trung hình như tuyệt vọng. Nhưng quan sát các diễn biến mới đây trên thế giới từ phán quyết Tòa Trọng Tài Quốc Tế về vụ kiện TC của Phi Luật Tân, đến sự kiện dân Anh bỏ phiếu quyết định rút ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu, chúng ta có thể khẳng định rằng, chuyện TC bức tử Việt Nam chưa phải là chuyện đã rồi.
Thực vậy, khi Phi Luật Tân kiện TC, nhiều nguời nghĩ rằng, “con kiến mà kiện củ khoai”, làm sao một tiểu quốc như Phi Luật Tân mà có thể thắng một đại cường có 1.3 tỷ người, đứng thứ nhì về kinh tế trên thế giới. Thế nhưng, Phi đã thắng. Tòa Trọng Tài Quốc Tế đã ra phán quyết đường lưỡi bò 9 đoạn của TC là phi pháp. Thế thì Việt Nam, tuy là nước nhỏ, cũng có thế noi gương Phi Luật Tân, kiện TC ra Tòa Án La Haye về tội xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa 1988, cũng như những hành động gây hấn như đánh chìm ngư thuyền, bắt bớ ngư dân Việt Nam, đem giàn khoan vào hải phận Việt Nam.
Nhất là lúc này, Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh Nhật, Úc, Ấn Độ đang thách đố với TC, đem máy bay và tàu chiến vào vùng biển tranh chấp, quyết bảo vệ quyền tự do hàng hải, bất chấp phản đối và hù dọa của TC thì Việt Nam có gì mà phải sợ?
Một diễn biến khác cũng rất đáng cho Việt Nam suy nghĩ. Đó là việc Anh Quốc bỏ phiếu rút khỏi Liên Hiệp Âu Châu. Dù chính phủ Anh muốn ở lại, dân Anh quyết định rút ra và Thủ Tướng David Cameron đã phải từ chức. Qủa ý dân là ý trời! Từ diễn biến lịch sử này, Việt Nam có thể đặt lại vấn đề pháp lý với TC. Công Hàm bán nuớc của Pham Văn Đồng hoàn toàn vô giá trị, vì Hoàng Sa lúc ấy thuộc về Việt Nam Cộng Hòa chứ không phải của Bắc Việt. Mật Ước Thành Đô nếu có, cũng không có căn bản pháp lý, vì không đuợc Quốc Hội, dù là bù nhìn, phê chuẩn và không qua trưng cầu dân ý. Cũng thế, các văn kiện bán đất bán biển như Hiệp Định Biên Giới 1999 và Hiệp Định Lãnh Hải 2000 cũng không có giá trị vì không đuợc dân Việt chuẩn nhận.
Tóm lại, ý đồ bức tử Việt Nam của TC là hiển nhiên, Nhưng trước những diễn biến mới, một lối ngõ đã mở ra, một cơ hội ngàn vàng có thể giúp Việt Nam thoát khỏi gọng kìm của TC. Vấn đề là tập đoàn lãnh đạo CSVN hôm nay có muốn không? Qủa banh đang trong chân Việt Nam, nhưng không biết CSVN có còn chút nào ý thức độc lập và chủ quyền của quốc gia dân tộc để can đảm suýt qủa banh vào khung thành của kẻ thù truyền kiếp kia không thôi?
Ngô Quốc Sĩ

No comments:

Post a Comment