Saturday, August 20, 2016

Đại tư mã Ngô Văn Sở

DanhNhânNướcViệt

Kính thưa quý thính giả, Khi quân xâm lược Mãn Thanh và bè lũ tay sai Lê Chiêu Thống bị quét sạch khỏi bờ cõi, một vị tướng trấn thủ Thăng Long đã có công lớn trong việc trấn áp các thế lực phản loạn, thiết lập trật tự mới cho đất Bắc Hà. Ông được xem là hổ tướng ở vùng Diên Khánh (tức Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận ngày nay). Trong tiết mục “Danh nhân nước Việt” tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Đại tư mã Ngô Văn Sở” của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
“Tướng quân chiến mã kim hà tại?
Dã thảo nhàn hoa mãn địa sầu”.
Nghĩa là:
Chiến mã của tướng quân giờ ở nơi đâu?
Cỏ hoa đồng nội đất đai sầu.
Đó là hai câu thơ cảm vịnh về các danh tướng Tây Sơn của Nguyễn Trọng Trì, tác giả cuốn Tây Sơn Lương Tướng ngoại truyện. Trong sách này viết, Ngô Văn Sở, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân đều là danh tướng, được người đương thời gọi là Tứ kiệt.
Ngô Văn Sở còn có tên là Lê Hồng Chấn, người làng Bình Thạnh, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Tổ tiên ông là người Trảo Nha, huyện Thiên Lộc (nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) di cư vào huyện Tây Sơn. Thuở nhỏ theo học võ với Đô thống Ngô Mạnh.
Năm 1773, Ngô Văn Sở được cử làm Chinh nam Đại tướng quân cùng Lê Văn Lộc, Lê Văn Hưng vào đánh chiếm 3 phủ Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận.
Khi Tôn Sĩ Nghị kéo 20 vạn quân sang xâm lược, Ngô Văn Sở sáng suốt nghe theo kế hoãn binh của học sĩ Ngô Thời Nhậm, kéo quân vào đóng giữ Tam Điệp để bảo toàn lực lượng rồi cử Nguyễn Văn Tuyết về Phú Xuân cấp báo.
Đến mùng 5 Tết Kỷ Dậu, vua Quang Trung và đại quân Tay Sơn tiến vào thành Thăng Long, sau khi đánh trận Ngọc Hồi giết chết Hứa Thế Hanh, phá quân Tàu ở trận Đống Đa làm cho Sầm Nghi Đống tự tử và Tôn Sĩ Nghị phải vứt bỏ cả ấn tín trốn chạy về nước.
Sau khi đại thắng quân Thanh, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân ở lại Thăng Long, tiếp tục trông coi 11 trấn Bắc Hà.
Khi vua Quang Trung băng hà, vua Quang Toản còn nhỏ, quyền hành bị rơi vào tay người cậu của vua là Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Kể từ đó, triều đình Tây Sơn sinh ra lục đục, chia rẽ trầm trọng.
Năm 1795, dù đã cố can gián nhưng Ngô Văn Sở vẫn không ngăn được Thái sư Bùi Đắc Tuyên hành hình tướng Lê Văn Hưng. Cho rằng Bùi Đắc Tuyên lộng quyền, Đại tư đồ Võ Văn Dũng đưa quân vây bắt và giết chết cha con Bùi Đắc Tuyên. Và vì cho rằng Ngô Văn Sở là người cùng phe nhóm với Bùi Đắc Tuyên nên Võ Văn Dũng đã khép tội mưu phản, giả chiếu chỉ triệu hồi Ngô Văn Sở về Phú Xuân và giết chết. Vua Quang Toản biết Ngô Văn Sở bị oan nhưng cũng bất lực.
Hiện nay, đền thờ Tây Sơn Tam kiệt trong viện Bảo tàng Quang Trung tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, ngoài 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ còn có 6 vị văn thần, võ tướng được lập tượng thờ, gồm: Thiếu phó Trần Quang Diệu, Đô đốc Bùi Thị Xuân, Đại tư đồ Võ Văn Dũng, Binh bộ Thượng thư Ngô Thì Nhậm, Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ, Đại tư mã Ngô Văn Sở. Trong đó, Đại tư mã Ngô Văn Sở là người duy nhất chịu tội chết từ khi nhà Tây Sơn còn đang trị vì, dù ông là vị công thần hàng đầu thời vua Quang Trung.
Theo sách Đại Nam chính biên liệt truyện, trước khi về lại Phú Xuân, trong buổi trao quyền cho Ngô Văn Sở, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đã nói:
-Sở và Lân là nanh vuốt của ta. Dụng và Ngôn là lòng dạ của ta. Nhậm là bề tôi mới của ta. Nay ta lấy cái việc quân vụ và quốc chính của 11 trấn Bắc Hà ủy thác cho. Ta thuận cho theo tiện nghi mà làm việc, phải hội đồng thương nghị với nhau, chớ vì cũ mới mà xa nhau.
Theo lời tuyên bố của Bắc Bình vương Nguyễn Huệ trong buổi trao quyền cho Ngô Văn Sở trước khi về lại Phú Xuân cũng đã đủ cho thấy tài năng, trí tuệ và sự tin cậy của cấp trên đối với ông. Và thực tế là dưới quyền cai quản của ông, tình hình các trấn ở miền Bắc ổn định, đi dần vào nề nếp. Ông thực thi nhiều chính sách mới, coi trọng văn học, mở khoa thi để thu dụng kẻ sĩ, đặt chức huấn khoa để xét hỏi kẻ gian trong châu huyện… nên có nhiều uy tín lớn đối với dân chúng.
Triều đại Tây Sơn, đặc biệt là cuộc đại phá 20 vạn quân Thanh vào Tết Kỷ Dậu năm 1789 là một dấu ấn lớn trong lịch sử VN. Không chỉ có tên tuổi vua Quang Trung – Nguyễn Huệ đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc mà một loạt các tướng lãnh xuất sắc cũng được lưu truyền suốt hơn 200 năm qua, bất chấp nỗ lực – bôi xóa triều đại Tây Sơn – của vua Gia Long khi lập ra triều Nguyễn. Cũng như chủ nghĩa cộng sản, đặc biệt là đảng CSVN, luôn phê phán nặng nề các triều đại phong kiến, nhưng dù muốn bóp méo lịch sử đến đâu chăng nữa, họ cũng không thể bôi nhọ được những văn thần võ tướng đã đổ máu để giữ vững giang sơn Đại Việt. Họ sẵn sàng quỳ xuống xin nhà vua chém đầu mình, chứ nhất quyết không chịu đầu hàng quân giặc, hay chấp nhận dâng một tấc đất nào cho Đại Hán để cầu hòa.
Điều xấu hổ nhất là Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN lại vênh váo tuyên bố “thời đại Hồ Chí Minh là thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc”. Rực rỡ mà bị Tàu Cộng xem là đứa con hoang? Cả nước đang băng hoại về đạo đức. Lãnh thổ và lãnh hải ngày càng thu hẹp. Ngư dân Việt thì liên tục bị quân Tàu tấn công, cướp bóc và đánh đập trên Biển Đông!
Mới đây lại im lặng khi bị Hoa Lục hăm dọa “sẽ dạy cho một bài học” nếu dám kiện ra Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế tại Hòa Lan về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Với một tập đoàn lãnh đạo hèn nhát như thế mà dám tuyên bố là thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc thì đây là điều ô nhục của dân tộc Việt trong lịch sử gần năm ngàn năm văn hiến.
Việt Thái

No comments:

Post a Comment